Dùng máy bơm chống ngập: Chuyên gia khẳng định lại

'Đó là chuyện dễ hiểu, có thể tính toán được việc chống ngập bằng máy bơm của Công ty Quang Trung. Tôi lên tiếng góp ý để hoàn thiện hơn...'

Trước những phản biện của ông Nguyễn Tăng Cường - Tổng Giám đốc Công ty Quang Trung về ý kiến của các chuyên gia góp ý việc sử dụng máy bơm công suất lớn giải quyết tình trạng ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP. HCM, ngày 24/6/2018, một số chuyên gia mà ông Cường phản biện đã trao đổi với Đất Việt về vấn đề này.

PGS.TS Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu - Đại học Quốc gia TPHCM: Góp ý về lợi ích chung

"Tôi nói thế chỉ vì muốn cái tốt, cái lợi ích chung chứ không có ý chê bai gì nhau. Vấn đề ở đây liên quan đến cả hệ thống, đường cống quá nhỏ so với công suất máy bơm quá lớn, đặt vào nhau hoạt động thì sẽ không hiệu quả là điều đương nhiên

Thứ nhất, hệ thống của đường cống trên đường Nguyễn Hữu Cảnh chỉ tương xứng với máy bơm công suất 10.000m3/h, trong khi máy bơm của Công ty Quang Trung công suất tới 97.000m3/h là quá lớn, lắp đặt với đường cống trên đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng chẳng giải quyết được điều gì.

PGS.TS Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm quản lý nước và Biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP. HCM Ảnh: SGGP.

Thứ hai, việc sử dụng máy bơm chống ngập không phải là giải pháp căn cơ. Máy bơm chỉ là biện pháp hỗ trợ trong tình thế cấp bách, không còn cách nào khác mà thôi. Trên thế giới cũng có nhiều nước sử dụng máy bơm để chống ngập đúng như Công ty Quang Trung nói nhưng ở những nước đó, họ sử dụng máy bơm như là biện pháp hỗ trợ. Đầu tiên họ sẽ chọn phương án ngăn không cho nước ngập, chừng nào nước ngập không còn giải pháp nào nữa họ mới dùng máy bơm hỗ trợ giải thoát nước đi.

Thứ ba, lãnh đạo Công ty Quang Trung cam đoan sẽ hết ngập khi sử dụng máy bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh nhưng tôi cam đoan đoạn đường này sẽ không thể hết ngập nếu chỉ sử dụng máy bơm như lãnh đạo Công ty Quang Trung đã nói. Đơn giản là bởi năng lực đường cống có hạn. Chuyện này không chỉ liên quan đến mỗi máy bơm mà liên quan đế cả hệ thống. Đường cống không cung cấp đủ nước về thì máy bơm lấy đâu ra nước mà bơm? Nếu lượng nước đổ về dươi 10.000m3/h thì máy bơm sẽ giải quyết được chuyện ngập còn nếu lượng nước đổ về lớn hơn 10.000m3/h thì chắc chắn đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn sẽ ngập.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP. HCM vẫn ngập sâu sau những cơn mưa lớn mặc dù có siêu máy bơm của Công ty Quang Trung.

Đó là chuyện dễ hiểu, có thể tính toán được việc chống ngập bằng máy bơm của Công ty Quang Trung. Tôi lên tiếng góp ý để hoàn thiện hơn với mong muốn giải quyết chống ngập triệt để cho TP. HCM nhưng lãnh đạo Công ty Quang Trung có vẻ tự ái".

TS Nguyễn Thành Sơn - nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam: Hãy nhìn đường ống Sông Đà 30 lần bị vỡ

"Để đối phó lại với những hiện tượng do thiên nhiên mang đến (thiên tai), tương tự như chống ngập ở TP.HCM người ta ưu tiên các giải pháp mang tính công trình còn thiết bị chỉ là thứ phụ trợ.

Thiết bị máy bơm dù có "khủng" hay "thông minh" đến đâu cũng phải vận hành trong một hệ thống thủy lực gồm nguồn nước, ống hút - xả, và máy bơm. Nếu máy bơm chỉ đứng một mình thì chẳng hơn gì cục sắt. Cái công suất "khủng" của máy bơm phụ thuộc vào hệ thống thủy lực nhiều hơn là phụ thuộc vào thiết kế của máy bơm.

Các công trình thủy điện người ta phải thiết kế như thế nào? - Các tuyến năng lượng (đường hầm dẫn nước từ hồ thủy điện vào tuabin thủy lực) và tuabin thủy lực (thực chất cũng là một máy bơm) phải được thiết kế như thế nào? Hệ thống thoát nước mưa - nước mặt của thành phố cũng chính là một "tuyến năng lượng" hay còn gọi là "ống hút" trong hệ thống làm việc của máy bơm.

Vì vậy, "công suất khủng" của cái máy bơm mà Công ty Quảng Trung không bao giờ đạt được trong một hệ thống cống thoát nước như hiện nay của thành phố.

Lắp cái máy bơm "khủng" hay "thông minh" vào với hệ thống thoát nước tự nhiên của thành phố sẽ dẫn đến hiện tượng "quả đấm thủy lực" rất lớn. Chính "quả đấm thủy lực" đó đã hút mọi thứ, đổ lấp đầy cửa hút của máy bơm, sẽ làm tắc máy bơm".

Về việc Công ty Quang Trung nói đang sử dụng công nghệ 4.0 khi dùng máy bơm giải quyết chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, tôi cho rằng, đừng lạm dụng 4.0. Lý thuyết về "quả đấm thủy lực" liên quan đến Cách mạng khoa học, còn cái máy bơm chỉ là một tiểu tiết trong Cách mạng công nghiệp. Hai cuộc cách mạng đó không phải là một. Bây giờ loài người vẫn còn đang "bơi" trong cuộc Cách mạng khoa học lần thứ hai, còn lâu mới thoát ra được nó.

Xin nhớ rằng, hệ thống đường ống cấp nước cho Hà Nội từ sông Đà của VINACONEX đã liên tục bị "vỡ" gần 30 lần rồi cũng có nguyên nhân là do yếu tố "quả đấm thủy lực" đã không được xem xét đến trong thiết kế".

Chủ siêu máy bơm chống ngập phản biện lại chuyên gia

Liên Phương (ghi)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dung-may-bom-chong-ngap-chuyen-gia-khang-dinh-lai-3360618/