Đừng mù quáng tin vào 'thần dược' mà đùa giỡn với tính mạng

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới việc một cháu bé 22 tháng tuổi ở TP HCM được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng sốt, mệt mỏi, xanh tím toàn thân. Gia đình và bác sỹ trực tiếp điều trị nghi ngờ bé bị ngộ độc do uống sừng tê giác, bởi trước đó bố mẹ cháu đã mài sừng tê giác pha nước cho cháu uống.

Thực tế từ nhiều năm nay, có thông tin ở châu Phi người ta đã tiêm thuốc độc vào sừng tê giác để chống nạn săn bắt tê giác lấy sừng.

Câu hỏi đặt ra là nếu thật sự cháu đã bị ngộ độc sừng tê giác thì tại sao đến giờ ở Việt Nam mới ghi nhận cháu là trường hợp đầu tiên? Tại sao rất ít cảnh báo về nguy cơ tiềm tàng hết sức đáng sợ này?

1.Vì sao người ta phải nghĩ đến việc “đầu độc” sừng tê giác và vì sao dự án đó không được tiếp tục nữa? Tôi đã nhiều lần được mời sang châu Phi điều tra về tình trạng săn bắt, giết hại, mua bán, sử dụng sừng tê giác giữa châu Phi và châu Á. Trong nhiều bài báo, các cuốn sách và những bài thuyết trình ở nhiều diễn đàn của mình, tôi đã nói nhiều về câu chuyện tiêm thuốc độc vào sừng tê giác.

Tác giả bên một con tê giác châu Phi bị những kẻ săn trộm giết để lấy sừng.

Tác giả bên một con tê giác châu Phi bị những kẻ săn trộm giết để lấy sừng.

Giám đốc một quỹ bảo tồn tê giác ở Nam Phi khi sang Việt Nam đã nói: Người ta buộc phải làm vậy vì máu của tê giác đổ quá nhiều, máu của những nhân viên kiểm lâm và an ninh bảo vệ tê giác cũng đổ, máu của thợ săn trộm thì đổ là dĩ nhiên; vậy mà cứ mỗi ngày trôi qua, có 3 con tê giác bị giết hại. Trong nhiều năm, con số đáng sợ này không giảm.

Lúc đầu, chỉ nghĩ là họ tuyên truyền thế để dọa người tiêu dùng. Vì khi ấy, việc mài sừng tê giác uống để cường dương, để trị ung thư và để giải độc cơ thể, cũng như để khẳng định đẳng cấp quý tộc của không ít người đang là một xu hướng… thịnh hành.

Nhưng, hóa ra họ không dọa mà làm thật. Họ gây mê con tê giác, dùng máy khoan, khoan sâu vào sừng chúng, cho thuốc “độc” vào. Ngoài ra còn nhuộm màu cả sừng nữa. Tại tỉnh Limpopo, hơn 700 con tê giác đã được tiêm kiểu này. Trên website của tổ chức “Save Rhino” (Bảo tồn tê giác) hiện vẫn có bài viết về tình trạng “Poisoning Rhino horn” (đầu độc sừng tê giác).

Đó là từ năm 2010, Ed Hern, ông chủ của một Safari ở gần thành phố Johannesburg (Nam Phi) đã tiêm thuốc độc vào sừng của đàn tê giác trong khu bảo tồn tê giác và sư tử của ông. Nếu sử dụng sừng của những con tê giác này, người ta sẽ bị nôn mửa, co giật.

Một dự án/ tổ chức cứu hộ tê giác có uy tín - tên tiếng Anh là Rhino Rescue Project, từ năm 2011, đã tiến hành “tiêm thuốc độc” và nhuộm độc nhiều chiếc sừng nhằm bảo vệ tê giác. Phải nói, đây là nỗ lực đầy quyết liệt nhưng cũng đầy tuyệt vọng của các nhà bảo tồn.

Không ít ý kiến đã tranh cãi rằng tiêm thuốc độc vào sừng tê giác, như thế là nhân đạo hay phản nhân đạo? Con vật cần được vui sống thanh bình, con người có trách nhiệm bảo vệ chúng, nếu không bảo vệ được thì phải xem lại phương án nhân lực, vật lực của mình.

Ý kiến thứ hai lại nói: máu đã đổ khắp nơi, mà cuộc “chiến tranh tê giác” chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, nếu cứ loay hoay chờ một phương án tốt hơn, thì ngoảnh lại tê giác đã chẳng còn bóng dáng trên địa cầu này. Chi bằng có biện pháp chữa cháy đã. Tiêm thuốc độc vào sừng tê giác không phải là đầu độc con vật to lớn và không có đối thủ trong rừng châu Phi kia.

Cảnh khoan sừng tê giác để tiêm thuốc độc, ngăn chặn nạn săn trộm.

Thuốc độc tiêm vào sừng không ảnh hưởng gì đến con vật; thuốc nhuộm phủ kín sừng tê giác, chất nhuộm này không bị phai màu của thời gian, nhằm để cảnh báo với thợ săn cũng như người tiêu dùng là cái sừng này đã có chất độc. Như thế, người ta hi vọng thợ săn sẽ không săn những con tê giác ấy nữa, vì săn được cũng chả biết bán sừng kia cho ai. Người tiêu dùng cũng nhìn cái sừng đổi màu mà tránh cho xa

2. Nhưng, cay đắng là, thợ săn và những kẻ giật dây điều khiển trục lợi hàng chục nghìn USD một cái sừng tê giác thì chỉ “sấp mặt vì tiền” thôi. Kể cả biết sừng tê giác nhuộm độc và tiêm thuốc độc thì họ vẫn cứ bắn tê giác đem bán. Nếu không được tuyên truyền, hoặc chúng mài sẵn sừng ra dạng bột (như ở làng Nhị Khê, Hà Nội hoặc phố Thuốc Bắc thỉnh thoảng vẫn bán) thì người tiêu dùng vô tình trở thành nạn nhân bị chính các nhà bảo tồn động vật hoang dã “đầu độc”.

Làm sao giải được bài toán này? Đại diện lãnh đạo ENV (Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam) từng than thở rằng đến việc tuyên truyền sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh ung thư người Việt Nam còn chả tin, nữa là nói rằng bên châu Phi sừng tê bị tẩm độc, đừng có uống.

Họ sẽ bảo đó chỉ là cách “tuyên truyền” của nhà bảo tồn mà thôi. Tại sao nghìn năm qua người Việt và người Trung Quốc vẫn chuộng dùng, sao nhiều người khôn ngoan đến mức kiếm được tiền để trở nên giàu có mà họ vẫn dùng? Kể cả việc tuyên truyền được đẩy cao thì ai dám chắc hơn 90 triệu người Việt Nam đều được nghe, được đọc và làm theo?

Đấy là chưa kể có rất nhiều người làm sừng tê giác giả từ sừng trâu, bò. Hẳn là chẳng khó gì cái việc làm giả màu cho sừng tê giác sau khi nó bị nhuộm màu để cảnh báo có độc từ châu Phi - nhất là khi mà giá trị của cục sừng đó ở ngoài chợ đen lên đến hàng trăm triệu đồng. Luận điệu rắn độc của con buôn còn đáng sợ hơn, khi đi điều tra cảnh báo tình trạng “nhuộm độc” sừng tê giác, chúng tôi còn nhận được lời lấp liếm: “Bọn “Tây” nó dọa đấy, nó bảo nhuộm độc sừng tê chỉ là nói láo thôi.

Đời nào nó dám giết tê giác rồi giết người, bọn ấy giết một cái cọng cỏ hay một con chim sẻ còn khóc ấy mà. Nó nhuộm màu thì có, và chính vì thế, cứ xem cái sừng nào nhuộm màu thì chứng tỏ sừng xịn từ châu Phi, số còn lại có nguy cơ sừng bằng nhựa hoặc sừng trâu nhà”. Vâng, lòng tham, sự ích kỷ của con người, lắm khi còn đáng sợ hơn cả chất kịch độc ai đó trót tiêm vào sừng con tê giác để bảo vệ chúng.

Xác một con tê giác bị giết ở Krugen (châu Phi).

Tất nhiên, sau này, vì các tranh cãi liên quan đến nhân đạo và ứng xử bảo vệ con người, phương pháp tiêm thuốc độc vào sừng tê giác không được sử dụng rộng rãi nữa. Nhưng số lượng sừng tê đã có chất độc bị chẻ nhỏ ra bán buôn, lưu thông, lưu giữ khắp nhiều quốc gia như đồ “gia bảo” vẫn tràn ngập khắp nơi, trong một thời gian dài, bây giờ và vài chục năm nữa nó phát tác cũng là không có gì khó tin.

Có một cách để an toàn, đấy là hãy hành động theo lương tri của thời đại. Cả thế giới với biết bao bộ não và tâm huyết ưu việt, bao nhiều công sức tiền của đổ vào làm bảo tồn, nếu bạn ăn uống các sản phẩm từ động vật hoang dã, chọc tiết thiên nhiên đang bảo bọc mình thì bạn đã vô tình đẩy mình vào lộ trình của sự vô đạo – kể cả những thứ đó bổ béo đi nữa. Huống hồ, rượu ngâm động vật, mài sừng tê giác, ăn thịt cầy cáo khỉ vượn đã được khoa học chứng minh là cách tồi tệ nhất để bạn bị lây bệnh.

Cách tốt nhất, mỗi người hãy tuân thủ luật pháp và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bằng cách không sử dụng sừng tê giác và những sản phẩm tiềm tàng nguy cơ ngộ độc hoặc đắt đỏ mà vô bổ khác. Thế là xong. Nếu bạn coi cái sừng tê giác nào cũng bị tiêm thuốc độc rồi, nồi cao hổ nào cũng nhuộm hóa chất do hổ nuôi công nghiệp và ướp tẩm trong quá trình bảo quản chế biến và làm giả thì bạn sẽ không bao giờ ngộ độc chúng được nữa.

Theo tài liệu Đông y, sừng tê giác là một vị thuốc được xếp vào nhóm thuốc “thanh nhiệt lương huyết”. Sừng tê giác tính hàn, vị đắng, khi dùng có tác dụng đi vào kinh tâm, can, vị (tim, gan, dạ dày). Nhưng sừng tê giác không phải thần dược bởi trong nhóm thuốc thanh nhiệt lương huyết có tất cả 17 vị thuốc như sinh địa, huyền sâm, đan bì, xích thược... vừa rẻ lại vừa dễ tìm. Trong Đông y hiện nay hầu như không dùng sừng tê giác để chữa bệnh vì vừa đắt vừa khó tìm (bởi trên thị trường Việt Nam hiện nay khoảng 90% là sừng tê giác giả làm từ sừng trâu, sừng bò, sừng dê…) và có nhiều thảo dược khác thay thế rẻ tiền, dễ tìm.

Sừng tê giác không có tác dụng chữa ung thư. Đông y gọi ung thư là bệnh “nham”, còn ung là mụn nhọt. Theo Đông y, bệnh nham do hàn tích lâu ngày mà sinh ra, sừng tê giác là vị thuốc tính hàn nếu dùng điều trị bệnh nham thì hàn gặp hàn nên càng tụ lại, do đó dùng sừng tê giác để điều trị chứng nham là một việc làm sai lầm, có trường hợp nào đó khỏi bệnh là do chẩn đoán bệnh sai mà thôi.

Uống sừng tê giác cũng không làm cho nam giới cường dương bởi sừng tê giác tính hàn, nó không đi vào kinh thận. Trong Đông y, thận chủ thủy thuộc hàn, nếu uống sừng tê giác vào dễ làm tổn thương mệnh môn hỏa của thận, làm giảm tinh khí dễ dẫn đến liệt dương, hoặc làm cho âm khí quá mạnh, dương khí không khống chế được âm khí, dễ sinh ra chứng đi tiểu ban đêm nhiều, nhất là đối với người cao tuổi.

Lam Quân

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/dung-mu-quang-tin-vao-than-duoc-ma-dua-gion-voi-tinh-mang-556553/