'Đừng nên trách chúng tôi nhiều quá!'

Tồn tại 16 ngày, bão số 10 đã hai lần ra vào biển Đông, ba lần tàn phá phía đông, tây, bắc Philippines. Trước sự tính "đỏng đảnh" của cơn bão, Đất Việt phỏng vấn ông Trần Văn Sáp, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, người phát ngôn của Bộ TN-MT, về lĩnh vực khí tượng thủy văn xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, bão số 10 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên vùng bờ biển Hải Phòng - Ninh Bình, trái với dự báo của Trung tâm trong ngày 13/10 và sáng hôm sau, tại sao lại như vậy? - Việc dự báo cường độ bão khi vào vịnh Bắc bộ, chúng tôi thừa nhận bị thấp hơn so với thực tế. Tại đảo Bạch Long Vĩ, gió giật cấp 14, dự báo cấp 12. Trong đất liền, thực tế là cấp 7, dự báo cấp 8, 9. Như vậy, dự báo thấp hơn hai cấp tại Bạch Long Vĩ và cao hơn một cấp tại đất liền. Tuy nhiên, ảnh hưởng khu vực gió mạnh ở Bạch Long Vĩ cảnh báo được khá sớm. Hướng di chuyển của cơn bão đã được dự báo tương đối chính xác. Chỉ có điều là lúc mạnh, lúc yếu, lúc nhanh, lúc chậm đi. Dự báo cường độ mưa chưa sát với thực tế lắm. Nhưng trong phạm vi có thể chấp nhận được theo yêu cầu của công tác phòng chống. Những biến đổi thất thường của cơn bão đã được chúng tôi thông báo với Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão TW nhưng chỉ trong thời hạn 12 tiếng, dự báo thời hạn 48 tiếng chưa chính xác. - Nguyên nhân sai do đâu? - Đánh giá công bằng và toàn diện thì những sai số trên do độ phức tạp của cơn bão quá lớn. Đây là cơn bão rất đặc biệt, thậm chí có thể gọi là cơn bão kỳ dị. Sự kỳ dị này được hình thành bởi ba nguyên nhân. Thứ nhất, thời kỳ đang hoạt động ngoài khơi Philippines và thời kỳ đầu đi vào biển Đông nước ta, bị tác động rất mạnh bởi siêu bão Melor, hình thành hiện tượng bão đôi diễn biễn khó lường. Điều này dẫn đến hướng đi của bão số 10 theo hình zích zắc, quay ra rồi lại quay vào, gần như múa lượn, thậm chí xoắn nút ở ngay khu vực phía bắc đảo Ludong (Philippines). Thứ hai, bão số 10 vào đến vịnh Bắc bộ của Việt Nam và tiến đến Bạch Long Vĩ đúng lúc không khí lạnh tràn xuống. Diễn biến của cơn bão này chia làm bốn phần thì thời gian này ở giai đoạn 1/4 thứ nhất, là thời điểm gió Đông bắc rất mạnh. Sự cộng hưởng này làm cơn bão tăng cấp rất nhanh. Chính vì vậy mà ngày 13/10, từ thời điểm 14h, bão gây gió mạnh cấp 14 ở Bạch Long Vĩ. Nguyên nhân thứ ba là nhiệt độ nước biển. Khu vực vịnh Bắc bộ nước ta ấm hơn bên ngoài, phía đông đảo Hải Nam và phía bắc quần đảo Hoàng Sa. Theo quy luật khi bão gặp không khí lạnh sẽ suy yếu chứ không mạnh lên nhưng thời điểm này, nhiệt độ nước biển khu vực này lại cao hơn so với nhiệt độ bên ngoài nên cấp thêm năng lượng cho cơn bão trong khi vẫn chịu ảnh hưởng trực tiếp của không khí lạnh nên hướng đi bất ổn định. Ba tác động trên đã khiến diễn biến của cơn bão này kỳ dị, “múa lượn” rất hiếm gặp. - Chiểu theo những gì đã diễn ra, ngành dự báo đánh giá sai số về cơn bão số 10 như thế nào? - Sai số về gió trung bình cho phép trên dưới một cấp, còn gió giật thì không có phạm vi sai số. Ở Bạch Long Vĩ thì lệch hai cấp, nhưng cộng chung lại thì có thể chấp nhận được. - Ông nghĩ thế nào khi dư luận cho rằng việc di chuyển hơn ba vạn dân dựa vào dự báo của Trung tâm là “lãng phí”? - Lúc 5h ngày 13/10, khi phát hiện ra diễn biến bất thường của cơn bão, Trung tâm đã có bản tin bổ sung ngay cho bản tin vừa phát đi và thông báo đến các cơ quan chỉ đạo phòng chống bão lụt. Tương tự, khi bão tác động rất mạnh đến Bạch Long Vĩ với sức gió giật cấp 14, cực kỳ nguy hiểm, chúng tôi cũng đã phát bản tin cảnh báo bổ sung ngay. Nếu nó giữ nguyên cấp độ rất mạnh này đổ bộ vào đất liền thì sẽ đe dọa trực tiếp tính mạng của người dân. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ mới ra quyết định các tỉnh di dời khẩn cấp dân ở những vùng nguy hiểm ngay trong đêm 13/10. Đừng nên trách chúng tôi nhiều quá vì trình độ hiểu biết về khí tượng thủy văn không chỉ của Việt Nam mà ở những nước có nền khoa học rất phát triển như Mỹ, Nhật, họ cũng chưa đáp ứng được tất cả các cơn bão. Theo tôi không nên nói “phí” vì tính mạng con người là quan trọng nhất. Ngay cả với nguy cơ đe dọa đến sinh mạng con người cũng không bao giờ là “phí”. Trong phòng chống bão lụt mọi điều đều có thể xảy ra, và luôn ưu tiên cho tình huống xấu nhất. - Cảm ơn ông.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Dung-nen-trach-chung-toi-nhieu-qua/200910/63668.datviet