Dựng nêu báo hiệu 'Tết đến' trong Kinh thành Huế

Sáng 17-1-2020 (tức 23 tháng Chạp), Trung tâm BTDT Cố đô Huế tổ chức nghi lễ 'Thướng Tiêu' (dựng nêu) tại Đại Nội Huế nhằm tái hiện nghi lễ xưa của triều đình nhà Nguyễn vào dịp Tết cổ truyền.

Từ cửa Hiển Nhơn, nghi thức rước nêu được tổ chức trang trọng. Đội lính vác nêu gồm 10 người trong trang phục chỉnh tề khởi hành trong âm thanh của Tiểu nhạc tiến vào Hoàng Cung, đến Triệu Tổ Miếu, cửa chính của khu vực Thế Miếu và tiến hành nghi thức dựng nêu. Tại Triệu Miếu, Thế Miếu, hương án, lễ phẩm cùng đội Đại nhạc và các bồi tự đã chờ sẵn.

Nghi thức dựng nêu được cử hành nghiêm trang. Các nghi thức lễ như nghinh thần, khánh hạ được cử hành trong âm thanh của Đại nhạc. Sau phần lễ, 10 lính vác nêu tiến hành dựng nêu.

 Cây nêu là một cây tre dài được đội lính 10 người vác đến điểm dựng nêu bên trong Kinh thành Huế.

Cây nêu là một cây tre dài được đội lính 10 người vác đến điểm dựng nêu bên trong Kinh thành Huế.

Đội rước nêu đi qua nhiều địa điểm trong Đại Nội.

Nghi lễ “Thướng Tiêu” tại Đại Nội Huế được bắt đầu khi đội rước nêu đi từ cửa Hiển Nhơn.

Sau Triệu Miếu, Thế Miếu, lễ dựng nêu cũng được tổ chức tại điện Long An, diễn ra từ ngày 23 tháng Chạp đến mồng 6 Tết Nguyên đán. Du khách và người dân đến với di tích Cố đô Huế những ngày này sẽ được chứng kiến một nét đẹp văn hóa của người Việt đang được duy trì và tiếp nối trong đời sống hôm nay.

Hương án, lễ phẩm phục vụ lễ dựng nêu được chuẩn bị theo đúng nghi lễ truyền thống của triều Nguyễn.

Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế làm chủ lễ tế trong nghi lễ dựng nêu.

Cây nêu được rước đến vị trí dựng nêu.

Hình ảnh cây nêu từ bao đời được coi là biểu tượng thiêng liêng nhất của ngày Tết Nguyên đán cổ truyền đối với người dân Việt, gắn liền với một sự tích huyền thoại mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Ngày xuân dựng nêu để mong muốn những điều tốt đẹp cho một năm mới đang tới.

Chính vì vậy, tại nhiều làng quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế, trong những những ngày giáp Tết, nhiều họ tộc đã tổ chức dựng nêu trước đình làng, trước sự chứng kiến của đông đảo con cháu trong làng. Nhiều địa chỉ văn hóa của Huế cũng đã phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống này bằng nghi thức dựng nêu được tổ chức trang trọng.

Sau phần nghi lễ, cây nêu được dựng lên bên trong Đại Nội Huế.

Nghi lễ dựng nêu lưu giữ nét đẹp bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt dịp Tết đến Xuân về.

Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho biết, vào thời Nguyễn, tục dựng nêu được tổ chức bài bản. Ngoài phướn đỏ, trên ngọn nêu còn treo ấn tín, đoản kiếm, bút lông biểu trưng cho việc phong ấn để triều đình nghỉ ngơi khi Tết đến. Nghi lễ dựng nêu góp phần lưu giữ nét đẹp bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt dịp Tết đến Xuân về.

Anh Khoa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/dung-neu-bao-hieu-tet-den-trong-kinh-thanh-hue-578625/