Đúng ngày nghỉ hưu vẫn đi 'học tập kinh nghiệm' trời Tây bằng tiền ngân sách: Chuyện lạ có thật giữa Thủ đô

Việc ông Lê Thiết Cương- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đúng ngày nghỉ hưu theo quyết định từ 1/8/2018 nhưng lại không được nghỉ theo chế độ mà vẫn phải 'vất vả', 'đắm đuối' với công việc khiến nhiều người ái ngại, bất ngờ và cả… bất bình!.

Lý do gì khiến một người đủ tuổi nghỉ chế độ, trước khi nghỉ hưu hàng mấy tháng đã được Sở Nội vụ Hà Nội thông báo cho ông Lê Thiết Cương thời điểm nghỉ hưu mà ông vẫn chưa được nghỉ?. Câu trả lời là có lẽ vì ông được tín nhiệm quá nên dù từ 1/8/2018 lẽ ra ông được rời khỏi công việc cơ quan từng gắn bó mấy chục năm trời để nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già nhưng vẫn phải lo trọng trách làm trưởng đoàn đi châu Âu 10 ngày để “học tập, trao đổi kinh nghiệm về nông nghiệp công nghệ cao” bằng tiền ngân sách nhà nước. Đấy, lý do “to tát” thế, sự tín nhiệm cao thế thì làm sao ông có thể nỡ từ chối ở nhà nghỉ ngơi hay bỏ tiền túi ra làm một chuyến du lịch nước ngoài được?.

Thoạt nghe cái lý do này hẳn sẽ có người thốt lên, sao một cán bộ như ông Cương mẫn cán thế, có ý thức học hỏi thế, đến lúc nghỉ hưu rồi mà vẫn nỗ lực, quyết tâm, không quản ngoại đường sá xa xôi đi học những 3 nước tận trời Tây về nông nghiệp công nghệ cao. Chắc là sau chuyến đi học này sẽ có vô khối bài học kinh nghiệm sẽ được ứng dụng và mang lại kết quả vượt bậc cho nông nghiệp. Chỉ tiếc rằng sau 10 ngày ông về thì có lẽ những thứ ông học được chắc là chỉ áp dụng cho ruộng vườn nhà ông hoặc “phổ biến kiến thức” đến quần chúng nông dân vẫn hàng ngày cấy cày trên đồng ruộng. Mà biết đâu đây sẽ là lý do để ông được níu kéo tiếp tục làm việc, cống hiến cho cơ quan bằng cách ông lại mở lớp truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức đã học cho các cán bộ đương nhiệm, cán bộ trẻ hơn ông nhưng chưa được đi học nước ngoài như ông?.

Ảnh minh họa/dangcongsan.vn

Cứ cho là việc đi nước ngoài học tập của ông Lê Thiết Cương là căn cứ vào quyết định của TP Hà Nội được ban hành vào cuối tháng 7/2018 - trước ngày ông Cương chính thức nghỉ hưu với lý lẽ rằng người ký ban hành quết định “quên” không rõ thời điểm ông nghỉ hưu, thì lẽ ra chính ông phải biết từ chối. Từ chối vì lòng tự trọng. Từ chối vì sự phát triển của cơ quan. Từ chối để không bị rơi vào cảnh “mua danh ba vạn bán danh ba đồng. Và từ chối vì thấy nó “chối” quá.

Việc học tập, trao đổi kinh nghiệm phải dành cho những người còn thời gian làm việc để truyền đạt, cống hiến chứ không phải một người mà tuổi nghỉ hưu tính từng ngày. Chưa kể, thời điểm nghỉ hưu của cán bộ luôn là thời điểm nhạy cảm. Bất cứ một quyết định nào cũng dễ bị dư luận để mắt. Bởi thực tế thời gian qua đã có cán bộ lợi dụng chuyến tàu vét, hoàng hôn nhiệm kỳ để bổ nhiệm thần tốc, để tranh thủ vơ vét cái có lợi cho bản thân… trở thành một hình ảnh xấu xí, phản cảm, không thể chấp nhận. Vậy nên, nếu là một cán bộ liêm khiết, từng có cống hiến lao động, biết nghĩ cho chính danh tiếng bản thân của những ngày nghỉ hưu thì hãy thận trọng, biết nhìn xa trông rộng mọi quyết định, hành động, việc làm khi “hoàng hôn nhiệm kỳ” buông xuống.

Sau chuyến đi học nước ngoài về, ông sẽ truyền đạt cái gì cho đồng nghiệp hay chỉ là một “tấm gương” phản cảm về cán bộ biết tận dụng cơ hội để thỏa mãn bản thân, lợi dụng chuyện công để thỏa mãn chuyện tư?.

Trước đó, chính ông sát ngày nghỉ hưu còn ký quyết định bổ nhiệm con trai Lê Thiết Lĩnh giữ chức Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp- Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã gây “sóng” dư luận. Chưa hết, ông còn liên quan đến việc chi sai gần 300 triệu đồng khiến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội buộc ông nộp trả lại số tiền trên.

Phải chăng, một người như ông để nói lời từ chối chuyến đi nước ngoài 10 ngày, 3 nước tận châu Âu như một ân sủng, cơ hội cuối cùng của đời cán bộ xem ra vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là không thể?.

Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ, câu nói ấy hẳn vẫn chưa bao giờ sai. Trí nhớ của con người luôn có hạn nhưng những việc phản cảm, bất bình thì lại dễ hằn sâu và khó phai.

Chuyện đi nước ngoài bằng ngân sách của một cán bộ như ông Lê Thiết Cương không còn là chuyện của riêng cá nhân và cơ quan ông. Người dân có quyền đưa ra sự bất bình, dấu hỏi và một câu trả lời thỏa đáng, đầy trách nhiệm, hợp tình, hợp lý. Bởi trong tiền ngân sách còn có cả tiền thuế do chính người dân đóng.

Nếu như không lên án, không xem xét lại trách nhiệm sự việc, thì e rằng sẽ còn nhiều ông Cương tiếp tục áp dụng cách làm này trong tương lai, gây tốn tiền ngân sách và chẳng đem lại hiệu quả gì ngoài sự chướng tai gai mắt, gây bất bình dư luận.

Trực Ngôn

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/dung-ngay-nghi-huu-van-di-hoc-tap-kinh-nghiem-troi-tay-bang-tien-ngan-sach-chuyen-la-co-that-giua-thu-do-363823.html