Đừng nghĩ cố 'chạy' đến lúc về hưu là 'hạ cánh an toàn'

'Những kết luận của ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng là lời cảnh tỉnh với cán bộ, đảng viên nói chung, nhất là người có chức, có quyền, có ý định đục khoét, tiêu cực, tham nhũng đừng nghĩ rằng cứ cố 'chạy' đến khi về hưu là hạ cánh an toàn', ông Phan Xuân Xiểm nhấn mạnh.

Kết luận kỳ họp thứ 29 của ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương (diễn ra tại Hà Nội từ ngày 10/9 đến ngày 12/9) dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương có nhiều nội dung quan trọng. Đáng chú ý là những quyết định thi hành kỷ luật, đề nghị thi hành kỷ luật với tập thể, cá nhân vi phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng. Những quyết định chính xác, kịp thời đã mang lại niềm tin, sự hài lòng của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với một cán bộ từng công tác tại UBKT Trung ương – ông Phan Xuân Xiểm, nguyên Vụ trưởng vụ Trung ương 1, để lắng nghe những chia sẻ sâu sắc, tâm huyết của ông đối với công tác cán bộ hiện nay.

Ông Phan Xuân Xiểm bày tỏ sự tin tưởng vào sự quyết tâm của Đảng trong công tác chống tham nhũng.

PV: Thưa ông, trong những năm trở lại đây, hầu như tháng nào UBKT Trung ương cũng có kết luận về xử lý vi phạm của cán bộ, tập thể cán bộ, thể hiện sự nghiêm minh của Đảng trong công tác cán bộ. Ông đánh giá việc xử lý mạnh tay, quyết liệt như thế tác động thế nào đến cuộc sống của người dân nói chung và tính kỷ luật của cán bộ, công chức nói riêng?

Ông Phan Xuân Xiểm: Đảng nghiêm minh tạo được niềm tin, sự phấn khởi cho nhân dân, loại bỏ những tiêu cực, tham nhũng ra khỏi đời sống. Người dân càng ngày càng ủng hộ, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. Đây cũng là động lực để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và làm cho công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ ngày càng tốt hơn.

Có thể thấy, việc xử lý cán bộ vi phạm kỷ luật lâu nay có lúc, có chỗ chưa nghiêm và kết quả thời gian qua là minh chứng chúng ta đã nghiêm túc rút kinh nghiệm và làm tốt hơn, có hiệu quả hơn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Điều này thể hiện rõ hơn sau Quyết định 102 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Thay đổi rõ nét nhất là, nếu như trước đây có khái niệm “hạ cánh an toàn” thì bây giờ không còn nữa. Kết quả này cũng là lời cảnh tỉnh với cán bộ, đảng viên nói chung, nhất là những người có chức, có quyền, có ý định đục khoét, tiêu cực, tham nhũng nghĩ rằng cứ cố “chạy” đến khi về hưu là "hạ cánh an toàn". Nhưng bây giờ không như vậy, dù 5 năm, 10 năm sau, nếu phát hiện vi phạm thì cán bộ đó vẫn cứ bị xem xét xử lý kỷ luật như bình thường.

Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng dần dần đã không còn “vùng cấm”. Dù để xử lý triệt để vẫn còn là một quá trình nhưng những kết luận được UBKT Trung ương công bố công khai sau mỗi kỳ họp hằng tháng thời gian qua đã thể hiện sự quyết liệt, xử lý sai phạm đến cùng, không nể nang, ngại va chạm, kể cả cán bộ đó thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Hơn nữa, những quyết định của UBKT Trung ương thời gian qua cũng cho thấy tính nhân văn của Đảng khi phát hiện sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó, có tính giáo dục răn đe kịp thời, để các sai phạm không trở nên nghiêm trọng hơn. Đó là những tác động hết sức tích cực từ những kết luận của UBKT Trung ương mà cá nhân tôi nhìn thấy rất rõ nét.

PV: Trong những kết luận, nổi lên một số vi phạm: Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong quản lý, sử dụng đất đai và trong thực hiện một số dự án, công trình gây thiệt hại ngân sách Nhà nước... Theo ông, những vi phạm này xuất phát từ lợi ích cá nhân hay vì điều gì?

Ông Phan Xuân Xiểm: Tất nhiên là sai phạm đó có thể lồng ghép các ý muốn, lợi ích cá nhân. Cũng có thể họ không biết, không nắm được, hoặc công tác tham mưu, đề xuất của cấp dưới chưa tốt, chưa hết trách nhiệm. Nhưng bản thân cá nhân, tập thể được quyền quyết định một vấn đề nào đó lại thiếu sự sáng suốt. Dù vậy, tôi nghĩ chắc chắn có việc lồng ghép ý muốn cá nhân. Tuy nhiên, mức độ sai phạm như thế nào, vấn đề cá nhân đó ra sao thì phải xem xét một cách thấu đáo.

Sai phạm thì sai phạm rồi nhưng phải đánh giá đúng động cơ sai phạm, vì cá nhân hay vì tập thể, từ đó, tính chất xử lý vụ việc và con người sẽ khác nhau.

PV: Trong các lần thi hành kỷ luật thì không chỉ có cán bộ nghỉ hưu mà còn cả những cán bộ đương chức. Điều đó cho thấy, không có vùng cấm, không hô hào, khẩu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thưa ông?

Ông Phan Xuân Xiểm: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định: “Lò đã nóng rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” và cũng nhấn mạnh “chống tham nhũng ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm”. Cá nhân tôi cho rằng, đó như “tuyên ngôn” của Đảng trong vấn đề chống tiêu cực, tham nhũng. Trong đấu tranh chống tham nhũng hiện nay không thể chần chừ mà phải tiến lên, kiên quyết, làm triệt để. Hơn nữa, làm công việc này phải là những con người có trách nhiệm, công tâm, không thể hời hợt được. Và như mọi người đã thấy kết quả thời gian qua, không hề hô hào, khẩu hiệu mà là kiên quyết xử lý triệt để.

PV: Với những người đã thôi nhiệm vụ như ông, tinh thần và sự quyết liệt ấy có tác động như thế nào đến suy nghĩ?

Ông Phan Xuân Xiểm: Tất nhiên là chúng tôi hoàn toàn tin tưởng và cảm thấy yên tâm, cũng có thêm nhiều hy vọng vào công cuộc làm trong sạch bộ máy, xây dựng thể chế ngày càng vững mạnh.

Những kết quả thực tế thời gian qua trong công tác đấu tranh chống tham nhũng như là bài học cảnh tỉnh cho người vi phạm, đặc biệt là những người có lòng tham, đang nhen nhóm ý đồ xấu. Đó cũng là bài học cho lớp trẻ nhìn vào để phấn đấu, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, không sa ngã. Đặc biệt, những kết quả đó có tính răn đe, giáo dục người trẻ, người còn đang làm việc, chưa vi phạm hoặc có ý định tham ô, tham nhũng chưa có cơ hội thì họ sẽ tự kiềm chế lòng tham trong con người mình và không vi phạm nữa.

PV: Theo ông, vì sao một cán bộ được lựa chọn, có sự tôi rèn trong quá trình công tác, thậm chí được đánh giá rất cao lại có thể nhúng chàm?

Ông Phan Xuân Xiểm: Nguyên nhân có rất nhiều, nhưng về cơ bản tôi cho rằng do công tác đào tạo cán bộ, lựa chọn, giáo dục con người. Hành động bắt đầu từ nhận thức, nhận thức sai dẫn đến hành động lệch chuẩn.

Thêm vào nữa, công tác quản lý cán bộ hiện nay thiếu chặt chẽ. Con người phải luôn luôn được giám sát, xem xét mọi hành động, dù có làm gì, ở vị trí nào. Đó là quá trình thường xuyên, liên tục. Giám sát ở đây không phải là “bới lông tìm vết” mà là để đánh giá họ một cách đúng nhất: Cái gì chưa được, cần khắc phục rèn luyện thêm; cái tốt thì cần biểu dương, nhân rộng, tạo động lực, khen thưởng; cái xấu phải ngăn chặn, không để phát sinh.

Tôi có theo dõi các vụ việc nóng thời gian qua. Có những trường hợp sau khi bị xử lý kỷ luật thì ăn năn rằng, giá như bị phát hiện vi phạm sớm thì vi phạm của họ đã không đến mức nghiêm trọng như vậy. Sự trần tình, bộc bạch này có thể thấy, còn có những lỗ hổng trong công tác kiểm tra, giám sát cán bộ. Nếu chúng ta làm tốt thực sự thì đã không khiến họ sai lầm nặng đến vậy.

Điều đó cho thấy, người kiểm tra, giám sát phải có tâm, có tầm, năng lực, thái độ nghiêm túc, công minh. Nhiều vụ kiểm tra, giám sát rồi nhưng không phát hiện vi phạm. Vấn đề ở đây là sai phạm do năng lực của con người làm công tác đó; thêm nữa là đạo đức, có thể nhận tiền đút lót mà lờ đi sai phạm.

Chính bởi có những cuộc kiểm tra, giám sát vẫn thiếu chất lượng nên nói tăng cường kiểm tra, giám sát nhưng con người thực hiện việc đó không đủ phẩm chất đạo đức và năng lực, không có tâm, thái độ tốt, có khi tốt mà năng lực yếu thì cũng không phát hiện được sai phạm. Nếu để sai phạm chồng sai phạm thì còn nguy hiểm hơn.

PV: Vậy, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ bằng luật pháp mà cần thay đổi từ trong ý thức của mỗi cán bộ. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Phan Xuân Xiểm: Đúng là như vậy. Như tôi nói, nhận thức đúng sẽ hành động đúng còn nhận thức sai sẽ hành động sai.

Hiện nay, luật pháp, chế tài ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực chưa lường hết tình huống phức tạp nên vẫn vừa làm vừa điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi. Tuy nhiên, pháp luật chỉ là khung cứng, còn con người phải tự có ý thức rèn luyện bản thân, sống liêm chính, trong sạch, để không bị cám dỗ trên con đường có quyền lực.

Điều này cũng cho thấy, khi trao quyền lực cho một ai đó cần có cơ chế chặt chẽ để giám sát quyền lực. Quyền lực đó không được lạm dụng để tham ô, tham nhũng. Giám sát quyền lực vẫn là vấn đề còn nhiều lỗ hổng mà tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể bàn luận với nhau ở một lần khác.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dung-nghi-co-chay-den-luc-ve-huu-la-ha-canh-an-toan-a402622.html