Đừng nghĩ ung thư là ''án tử''

Không ít bệnh nhân ung thư đang tin vào những cách thức điều trị chưa có cơ sở khoa học, như: Nhịn ăn bỏ đói tế bào ung thư, thực dưỡng, nói không với phẫu thuật, xạ trị... Đây là những quan niệm sai lầm, khiến người bệnh mất đi 'thời gian vàng' trong điều trị, thậm chí phải trả giá đắt bằng cả tính mạng. Trong khi đó, nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời thì ung thư không còn là 'án tử'.

Điều trị ung thư tuyến giáp cho bệnh nhân tại Bệnh viện K.

30% bệnh nhân ung thư tử vong vì suy kiệt

Cách đây hơn 1 năm, chị N.T.T.H (sinh năm 1974, ở tỉnh Nghệ An) được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô tuyến thùy trên phổi phải. Chị H được điều trị hóa chất tại Khoa Nội hô hấp (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) và đáp ứng rất tốt với điều trị. Thế nhưng, đến đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện, chị H ngại đến bệnh viện. Thậm chí, chị H còn tìm đọc những thông tin được lan truyền trên mạng và tin tưởng phương pháp chỉ ăn rau xanh thải độc, kết hợp tập theo giáo phái lạ để điều trị ung thư. Kết quả, sau 3 tháng tự điều trị, chị H bị sụt 8kg và phải nhập viện do bệnh trầm trọng hơn...

Bác sĩ Bùi Thị Thanh, Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân H chia sẻ, khi mắc bệnh ung thư, đa phần người bệnh thường có tâm lý hoang mang, lo sợ. Do đó, bất cứ thông tin gì về phương pháp điều trị, họ đều tìm hiểu. Thậm chí, họ sẵn sàng từ bỏ các biện pháp điều trị đặc hiệu để sử dụng các phương pháp chưa có bằng chứng khoa học, như: Thực dưỡng, nhịn ăn, sử dụng thuốc đông y không nguồn gốc... Sau một thời gian sử dụng các biện pháp không đặc hiệu này, bệnh tiếp tục tiến triển, khiến thể trạng suy kiệt và khi quay trở lại bệnh viện, thì bệnh nhân đã qua mất "thời gian vàng". Hiện có khoảng 30% bệnh nhân ung thư tử vong vì suy kiệt, suy dinh dưỡng trước khi tử vong vì bệnh.

Tương tự, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội vừa tiến hành phẫu thuật thành công khối u vú "khủng" cho bà D.T.T (73 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội). Khối u ban đầu chỉ bằng quả trứng chim cút, nhưng do nghe mách bảo, thay vì đến bệnh viện, bà T đã tự điều trị bằng việc uống mật động vật, cao hổ cốt, xạ đen..., khiến khối u ngày càng phát triển với đường kính 15cm.

Tiến sĩ Vũ Kiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, những trường hợp như bệnh nhân T ban đầu có thể chỉ là mang khối u lành tính, nhưng do không được điều trị kịp thời và đúng cách, nên biến chứng thành ác tính. Việc chẩn đoán sớm ung thư làm tăng cơ hội điều trị thành công, giảm biến chứng. Ngược lại, phát hiện chậm trễ sẽ khiến điều trị phức tạp, tốn kém và nhiều biến chứng, dẫn đến tàn tật, khả năng sống sót thấp.

Phẫu thuật nội soi 3D tại Bệnh viện K cho bệnh nhân bị ung thư dạ dày.

Các bác sĩ tại Bệnh viện K cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp đau lòng, khi được phát hiện ung thư từ giai đoạn sớm, nhưng người bệnh không muốn xạ trị, không muốn phẫu thuật, mà tìm đến phương pháp thực dưỡng, ăn chay. Khi cơ thể suy kiệt, quay trở lại bệnh viện thì đã quá muộn.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, quan niệm sai lầm phổ biến hiện nay là ung thư mà đụng dao kéo sẽ làm bệnh di căn nhanh và tử vong sớm hơn. Đối với đa số loại ung thư, phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng nhất để cứu chữa bệnh nhân ở giai đoạn sớm.

Phát hiện càng sớm, tỷ lệ chữa khỏi càng cao

Tại Việt Nam, hiện có hơn 300.000 người đang phải chiến đấu với bệnh ung thư. Trung bình mỗi năm, nước ta có gần 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân tử vong. Ở nam giới, ung thư phổi chiếm tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu, tiếp đến là dạ dày, gan, đại trực tràng; ở nữ giới, lần lượt là ung thư vú, dạ dày, phổi...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, các tiến bộ của y học ngày nay đã giúp nhiều người chữa khỏi hoặc có thể kéo dài thời gian sống thêm đáng kể, tùy loại ung thư và giai đoạn bệnh. Một số loại bệnh ung thư có tỷ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt quá 90%, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, như: Ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng... Ở Bệnh viện K có rất nhiều bệnh nhân ung thư đã chữa trị ổn định từ 10 đến 30 năm, thậm chí lâu hơn.

PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K.

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện tỷ lệ phát hiện sớm ung thư tại nước ta tăng lên khoảng 50%, so với trước đây chỉ 20-25%. Với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm, tỷ lệ chữa khỏi càng cao. Ngược lại, phát hiện muộn, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, chi phí lớn. Cùng với sự tiến bộ của khoa học trong chẩn đoán, điều trị, nhiều trường hợp tiên lượng tử vong song vẫn được cứu sống. Nguy cơ mắc ung thư gia tăng với lứa tuổi trung niên, do đó, từ 40 tuổi trở lên, cả nam và nữ cần tầm soát để phát hiện sớm bệnh.

Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, thời gian tới, bảo hiểm y tế cần vào cuộc, có thể chi trả chi phí sàng lọc một số bệnh ung thư thường gặp cho người dân.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/975192/dung-nghi-ung-thu-la-an-tu