Dùng nhân sâm theo cách này, người đàn ông đã tử vong

Mặc dù là loại dược liệu quý hiếm nhưng nếu không được sử dụng đúng cách, nhân sâm sẽ trở thành độc hại, để lại hệ quả khôn lường cho người sử dụng.

Cho rằng nhân sâm là loại thuốc bổ, dùng càng nhiều càng tốt nên nhiều người đã không ngần ngại bỏ ra khoản tiền lớn để mua về sử dụng mà không biết rằng, lạm dụng nhân sâm có thể đưa đến nhiều hậu quả nguy hiểm.

Một trong số đó phải kể đến trường hợp mới đây nhất của anh V.M (36 tuổi, ở Hòa Bình). Theo đó, anh M. bị xơ gan kèm chảy máu đường ruột vào BV Bạch Mai điều trị. Sau khi ra viện, được nhiều người truyền tai rằng nhân sâm có thể giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng, anh M đã mua về và uống liền một lúc 30 gram sâm. Sau 2 ngày uống liên tục, anh M. tiếp tục chảy máu đường ruột. Mặc dù được truyền máu, nhưng anh M vẫn không qua khỏi do tình trạng chảy máu không cầm. Được biết, lý do anh M. tử vong liên quan đến việc anh dùng nhân sâm.

Không riêng gì anh M., chị L.H (45 tuổi, ở Hà Nội) cũng mua hàng tá thuốc chứa nhân sâm về sử dụng vì thấy người mệt mỏi, gầy rộc. Tới chu kỳ “đèn đỏ”, chị ngạc nhiên thấy huyết màu đỏ tươi, kéo dài tới 7 ngày không hết. Kỳ kinh kéo dài đến 12 ngày cùng với triệu chứng đau bụng ngâm ngẩm nên chị quyết định đi khám. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán, chị bị băng huyết nhưng không rõ nguyên nhân. Khi bác sĩ hỏi thời gian gần đây chị có uống thuốc gì không, chị cho biết đang uống thuốc bổ có nhân sâm, bác sĩ liền kết luận, chính nhân sâm là nguyên nhân gây chảy máu tử cung, rong kinh.

Việc lạm dụng nhân sâm có thể đưa đến nhiều hậu quả nguy hiểm. Ảnh: Kiến thức

Việc lạm dụng nhân sâm có thể đưa đến nhiều hậu quả nguy hiểm. Ảnh: Kiến thức

Bên cạnh đó, một số trường hợp sau khi uống nhân sâm còn có biểu hiện tâm thần bất thường như mất khả năng “yêu”, bực bội, lo lắng và mất ngủ nặng..., một số người khác bị tăng huyết áp, mẩn ngứa, phù thũng, tiêu chảy...

Liên quan đến vấn đề này, lương y Vũ Quốc Trung cho biết, nhân sâm đứng đầu trong các vị thuốc bổ nhưng vẫn là thuốc, nên không phải ai cũng dùng được, bởi thể trạng, bệnh tình khác nhau. Việc dùng tùy tiện có thể biến bệnh nhẹ thành nặng, nặng thành nguy kịch.

Những người mắc bệnh gan mật cần tránh sử dụng nhân sâm bởi người bị viêm gan truyền nhiễm cấp tính, viêm túi mật cấp tính, bệnh sỏi mật, đau sườn, đau bụng, vàng da, phát sốt... đều ở tình trạng gan mật bị thấp nhiệt, khí không thoát. Việc uống nhân sâm sẽ càng làm khí trệ uất kết, bệnh nặng thêm.

Nhân sâm cũng được cấm kỵ sử dụng với người đau dạ dày: Chứng viêm loét ở dạ dày do dịch vị ra quá nhiều, khí trệ mà sinh ra đau, huyết nhiệt chạy lung tung mà sinh ra chảy máu. Nhân sâm bổ khí, làm cho khí càng thịnh lên, huyết càng hưng vượng, rất khó làm giảm và hết đau.

Người mang thai cần lưu ý khi dùng nhân sâm: Nhân sâm thuộc loại nguyên khí đại bổ, vì thế sau khi mang thai không lâu, nếu người mẹ uống hoặc dùng chúng quá nhiều thì có thể khiến cho khí thịnh còn âm hoa tổn, âm mà suy thì hỏa vượng, đó chính là " khí hữu dư, tiện thị hỏa" (ý nói: khí thừa nhiều sẽ chuyển thành hỏa). Sách cổ từng ghi nhận trường hợp thai phụ tử vong khi ăn nhân sâm.

Lương y Vũ Quốc Trung cho biết thêm, bệnh nhân chỉ dùng sâm sau khi được thầy thuốc bắt mạch kê đơn và dặn dò cách sử dụng, chế độ dinh dưỡng hợp lý khi uống thuốc có nhân sâm.

Hạnh Vũ (T/h)

Thu Hường

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/dung-nhan-sam-theo-cach-nay-nguoi-dan-ong-da-tu-vong-d147619.html