Đừng nóng vội đổi trường ĐH lên đại học: 'Chiếc áo không làm nên thầy tu'

Ủng hộ việc trường ĐH lớn định hướng lên đại học nhưng các chuyên gia nhấn mạnh trước đó các trường nên tập trung vào chất lượng đào tạo, nâng cao uy tín

Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018. Một trong những điểm nổi bật của Nghị định này là các hướng dẫn cụ thể nhằm sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học, với các quy định về phát triển và liên kết “trường đại học” thành “đại học”.

Các trường đại học không nên "nóng vội" trong việc thay đổi danh xưng

Bàn về vấn đề chuyển đổi “trường đại học” thành “đại học”, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Đức Cảnh - chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ cho rằng, điều xã hội mong chờ không phải là sự thay đổi danh xưng mà mục tiêu chính là sự hình thành một mô hình giáo dục ưu việt, nội dung chương trình giảng dạy, nghiên cứu được cập nhật và chất lượng đào tạo được nâng cao, mang lại hiệu quả cho người học và đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho xã hội.

Về cơ bản, “đại học” hay “trường đại học” đều là cơ sở giáo dục đại học, có cùng một mục tiêu, nhiệm vụ và chức năng, sự khác biệt ở đây là mô hình tổ chức và quy mô đào tạo.

Cụ thể, mô hình đại học (university) thường được thiết kế cho những cơ sở giáo dục đại học có quy mô tương đối lớn, đào tạo đa lĩnh vực và nhấn mạnh nghiên cứu.

Ông Trần Đức Cảnh, Chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ. Ảnh: Phạm Minh

Ông Trần Đức Cảnh, Chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ. Ảnh: Phạm Minh

Mới đây, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội là hướng đi đúng vì đây là trường lớn, chất lượng giáo dục đã được khẳng định nên chuyển đổi sẽ giúp trường trong việc quản lý điều hành, nâng cao vị thế của trường.

"Việc nâng thành mô hình đại học đối với một số trường đại học lớn là xu hướng tốt. Tuy nhiên, phát triển một đại học cần phải có thời gian cùng với mục tiêu và kế hoạch thực hiện rõ ràng.

Mặc dù với thời đại công nghệ phát triển như hiện nay giúp cho thời gian trưởng thành của một đại học được rút ngắn hơn, tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế, các đại học uy tín nước ngoài thường mất ít nhất 50 năm tuổi mới khẳng định được thương hiệu của mình.

Do vậy, các trường đại học ở Việt Nam không nên nóng vội trong việc thay đổi danh xưng, mà nên tập trung vào chất lượng đào tạo, nâng cao uy tín... Các thay đổi giáo dục mang tính cơ học, theo phong trào và giai đoạn sẽ không mang lại giá trị lâu dài”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trần Đức Cảnh, hiện nay, tại nước ta đang xảy ra tình trạng "lộn xộn" trong danh xưng đại học, trường đại học.

Điều này có lẽ bắt nguồn từ thuật ngữ trong tiếng Anh là "university" và "college". Hai từ này đối với các trường sử dụng tiếng Anh đều là đại học, nên ta mới phân biệt bằng cách dịch ra đại học và trường đại học.

Chuyên gia lưu ý, không ít người cho rằng “college” là nhỏ, thấp và không ít trường hợp ở Việt Nam dịch thành “cao đẳng”. Thực ra, nghĩa từ "college" rất rộng và đa dạng, có thể dùng cho trường đại học với bậc đào tạo 2 năm đến những trường nghiên cứu hàng đầu của Mỹ như Dartmouth College, Boston College...

Tiêu chí nhận sinh viên của các trường gắn với danh xưng "college" như Williams, Amherst, Bowdoin .. cũng không kém các đại học top đầu thế giới như Harvard hay Yale.

Các trường thành viên trong hai đại quốc gia và ba đại học vùng ở nước ta hiện nay dùng trường đại học (nằm trong đại học) giống như "university" nằm trong "university". Chính vì vậy, người nước ngoài chắc chắn sẽ khó hiểu được mô hình này của Việt Nam.

Đặc biệt, ông Trần Đức Cảnh khẳng định “chiếc áo không làm nên thầy tu”, danh xưng của đại học cũng vậy, do đó các trường nên tập trung vào thực chất.

Chuyển đổi mô hình cần xem xét đem lại lợi ích gì cho người học

Còn theo Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, mô hình quản trị đại học phù hợp cho mỗi trường còn phụ thuộc vào quy định của Nhà nước và điều kiện, định hướng phát triển của từng cơ sở.

Việc thay đổi mô hình đào tạo sẽ là đúng đắn nếu đem lại lợi ích cho người học. Mặt khác, nếu việc chuyển mô hình chưa đem lại lợi ích cho người học thì các trường có thể dùng nguồn lực đó để củng cố, đầu tư nâng cao chất lượng.

“Để nâng cao chất lượng của trường đại học cần những nguồn lực rất lớn. Trường đại học mỗi năm chỉ tuyển sinh một lần, trong khi đó, nếu có trục trặc phát sinh như xây dựng cơ sở vật chất không đúng thời hạn hay tuyển sinh không được như mong muốn… thì sẽ phải mất thời gian thêm một năm nữa mới có thể điều chỉnh được", Tiến sĩ Lê Trường Tùng nói.

Ảnh minh họa: Ngọc Ánh

Hiện nhiều trường muốn chuyển đổi thành đại học và cho rằng như vậy là vị thế lớn hơn, nhưng cái tên không quyết định việc lớn hay nhỏ. Khi nhiều đại học ra đời thì danh xưng "đại học" cũng không nhiều giá trị. Do vậy cần có quy định siết chặt việc chuyển đổi từ "trường đại học" thành "đại học", chỉ đơn vị nào đủ thực lực, chất lượng thực sự, đáp ứng các tiêu chí quy định mới được trình hồ sơ về việc chuyển đổi.

Quan trọng, khi các trường đã đáp ứng được các tiêu chí về luật, quy định để chuyển thành mô hình đại học thì Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung xem xét trường lý giải việc thay đổi sẽ đem lại lợi ích gì cho người học, không lý giải được thì cần kiên quyết không đồng ý việc chuyển đổi.

“Đặc biệt lưu ý, tất cả các yếu tố cần tập trung vào người học. Thực hiện chuyển đổi số, xếp hạng đại học, chuyển đổi mô hình từ trường đại học thành đại học,...cần phải xem xét có đem lại lợi ích cho người học hay không?”, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT nhấn mạnh.

Tại Điều 4 Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định điều kiện để chuyển trường đại học thành đại học như sau:

a) Trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;

b) Có ít nhất 03 trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định tại khoản 4 Điều này; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người;

c) Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Tại Điều 5 Nghị định này cũng có nêu rõ điều kiện để các trường đại học liên kết thành đại học như sau:

a) Có ít nhất 3 trường đại học cùng loại hình công lập hoặc cùng loại hình tư thục liên kết thành đại học hoặc có ít nhất 3 trường đại học là trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận liên kết thành đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;

b) Có dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của đại học do các trường đại học liên kết với nhau xây dựng, trong đó xác định mục tiêu, sứ mạng chung; các quy định về tổ chức, tài chính, tài sản; các nội dung khác (nếu có);

c) Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp trường đại học công lập hoặc có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp tại mỗi trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Anh Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dung-nong-voi-doi-truong-dh-len-dai-hoc-chiec-ao-khong-lam-nen-thay-tu-post232795.gd