Dung Quất và chặng đường sải cánh tiên phong

Thấm thoắt đã hơn 20 năm trôi qua, kể từ 'cột mốc' động thổ khởi công xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam tại Dung Quất (8-1-1998), giờ đây vùng đất cát cằn cỗi của khu Đông huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã thay da đổi thịt quá nhiều.

Vùng đất này đã là một trong những khu kinh tế ven biển dẫn đầu cả nước. Nơi đây - khu kinh tế (KKT) Dung Quất, mà Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất được xem là trái tim, ngày càng khẳng định sự lựa chọn đúng đắn và khoa học của Đảng và Nhà nước ta, để từng bước phát triển hạt nhân vùng kinh tế trọng điểm miền Trung…

Một góc Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Trở lại Dung Quất, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước những thay đổi đến kỳ diệu. Không còn những gò cát trắng lấp lóa đến nhức mắt dưới ánh nắng hè gay gắt. Không còn những lối đi quanh co, hai bên đường mọc đầy cây xương rồng dẫn vào những xóm nghèo nhà cửa lụp xụp, xiêu vẹo. Thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng được xây dựng khang trang, bề thế. Những con đường rợp bóng cây xanh, được trải nhựa phẳng lì, xe cộ ngược xuôi nườm nượp. Những đoàn xe tải chở hàng xuất khẩu nối đuôi nhau chạy về phía cảng biển…

Bước qua cánh cổng được bảo vệ nghiêm ngặt để vào khu vực NMLD Dung Quất, cũng là nơi đặt “bản doanh” Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn, dọc theo hai bên lối đi là cây xanh và hai hàng chậu hoa khoe sắc thắm…

Hơn 20 năm trước, tại nơi đây đã diễn ra buổi lễ trọng đại, động thổ khởi công Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất. Ngày đó, chúng tôi đã không kìm nén được cảm xúc dâng trào khi bắt gặp bao ánh mắt mừng vui, phấn khởi của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các tỉnh, thành phố miền Trung; đặc biệt là tỉnh Quảng Ngãi và huyện Bình Sơn, cùng đông đảo người dân sinh sống trên miền đất còn quá nhiều nghèo khó.

Ngày đó, không chỉ riêng cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi; hay các tỉnh, thành miền Trung, mà cả nước dường như được thắp lên một niềm hy vọng về tương lai tươi sáng khi nhà máy lọc dầu đầu tiên xây dựng tại Dung Quất chính thức khởi động.

Cho đến bây giờ, chúng tôi và có lẽ mỗi người có mặt trong ngày lễ trọng đại hôm ấy vẫn còn lưu giữ trong ký ức của mình gương mặt đăm chiêu nhưng tràn đầy niềm tin và quyết đoán của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Chính ông đã cùng các chuyên gia, nhà khoa học đi thuyền khảo sát vũng Dung Quất, để rồi đi đến quyết định chọn nơi đây là địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, với mục đích tạo động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Cũng chính ông đã khẳng định niềm tin vững chắc trong toàn Đảng, toàn dân khi về sau dự án gặp khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế châu Á; khi có không ít kẻ vội vàng hoài nghi NMLD Dung Quất chỉ là “cái bánh vẽ”…

“Nếu được xem xét lại, tôi vẫn chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu như nhận định ban đầu. Công trình có ý nghĩa, góp phần quan trọng cho khu vực kinh tế miền Trung và cả nước trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế” - trong thư gửi Quốc hội vào năm 2005, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khẳng định tâm huyết của mình như vậy…

Với quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, tháng 3-2005, khu công nghiệp Dung Quất được chuyển thành KKT Dung Quất. Công trình NMLD Dung Quất theo phương án Việt Nam tự đầu tư tái khởi động đã tạo sức lan tỏa, hấp dẫn nhiều nhà đầu tư tầm cỡ vào KKT này như, Tổ hợp công nghiệp nặng Doosan (Hàn Quốc); nhà máy đóng tàu, nhà máy nhựa Polypropylene…

Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm đã qua, ông Nguyễn Minh Tài, Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, phấn khởi nói rằng, một KKT với số vốn hơn 4 tỷ USD đã tạo bước phát triển đột phá cho tỉnh Quảng Ngãi về sản lượng công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách Nhà nước, đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh thu ngân sách thấp trở thành một trong 10 tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn nhất nước.

Đặc biệt, giai đoạn 2010-2015, KKT Dung Quất đã đóng góp hơn 126 nghìn tỷ đồng vào nguồn thu ngân sách Nhà nước; trong đó NMLD Dung Quất có tổng doanh thu đạt gần 734 nghìn tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách Nhà nước hơn 125,1 nghìn tỷ đồng.

Riêng năm 2015, KKT Dung Quất đạt giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại gần 90 nghìn tỷ đồng, hàng hóa thông qua các cảng ước đạt 16 triệu tấn, tạo việc làm cho hơn 15 nghìn lao động các tỉnh miền Trung. Đến nay, đã có 132 dự án đầu tư vào KKT Dung Quất, với tổng vốn đăng ký khoảng 10,5 tỷ USD; trong đó có 28 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký gần 6,5 tỷ USD. Có 82 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, với tổng vốn khoảng 5 tỷ USD… KKT Dung Quất đã trở thành trung tâm kinh tế và là hạt nhân tăng trưởng của tỉnh Quảng Ngãi trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Trước những thành quả đáng tự hào trên, ông Nguyễn Minh Tài cho hay, từ nay đến năm 2020, KKT Dung Quất đặt mục tiêu nâng tổng vốn thu hút đầu tư lên 13,5 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 35 nghìn lao động cho các tỉnh miền Trung. Ban Quản lý KKT Dung Quất tiếp tục cải cách hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tích cực cho các nhà đầu tư khi đến đầu tư tại KKT này…

Dung Quất đã trở thành một trong những khu kinh tế ven biển dẫn đầu cả nước.

Nổi bật trong sự thành công của KKT Dung Quất là “trái tim” NMLD Dung Quất. Mà trong đó phải kể đến những đóng góp rất lớn từ những người giữ lửa “trái tim” này là đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên chức Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Trở lại Dung Quất trong những ngày cuối năm 2018, gặp gỡ chúng tôi, đại diện lãnh đạo BSR không giấu được niềm tự hòa chia sẻ rằng, từ đầu năm đến nay, NMLD Dung Quất luôn vận hành liên tục, an toàn, ổn định ở công suất trung bình 107-110% công suất thiết kế, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

6 tháng đầu năm nay, BSR ước sản xuất khoảng 3,57 triệu tấn sản phẩm; tiêu thụ 3,6 triệu tấn, đạt 57,2% kế hoạch năm. Doanh thu ước đạt 55.359 tỷ đồng, thực hiện 70,9% kế hoạch năm, nộp NSNN đạt 5.809 tỷ đồng, đạt 69,7% kế hoạch năm. Công ty ước lợi nhuận sau thuế 2.947 tỷ đồng, tương đương 84,7% chỉ tiêu đặt ra cho cả năm 2018. Riêng trong năm 2017, BSR sản xuất hơn 6,1 triệu tấn, doanh thu đạt 82.027 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 9.919 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 8.663 tỷ đồng…

Công tác tối ưu hóa, nghiên cứu khoa học được đặc biệt chú trọng, góp phần tiết kiệm chi phí cho hoạt động sản xuất; công tác an toàn, môi trường và phòng chống cháy nổ luôn được chú trọng đặc biệt; công tác an ninh và phối hợp với chính quyền địa phương luôn được duy trì, không để xảy ra bất cứ vụ việc mất ANTT. Chương trình an sinh xã hội, hằng năm BSR đóng góp từ 20-30 tỷ đồng…

Những con số nêu ra tuy khô khan, nhưng chứa đựng “nội lực” rất lớn, minh chứng hùng hồn cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể BSR vì một NMLD Dung Quất luôn hoạt động an toàn, ổn định ở công suất tối ưu. Trong sản xuất, kinh doanh có lúc thuận lợi, cũng có lúc khó khăn. Nhưng, mọi khó khăn thách thức rồi cũng vượt qua.

Hơn 10 năm tính từ ngày được thành lập, giờ đây BSR đã sải cánh tiên phong đi đầu trong ngành lọc dầu; xây dựng được hệ thống quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế; nhân lực được đào tạo bài bản ở nước ngoài và cũng đã làm chủ được nhà máy.

Đại diện Ban Giám đốc BSR tâm sự rằng, vươn ra biển lớn, trở thành công ty tầm cỡ ở khu vực là tầm nhìn, là nhiệm vụ của BSR. Để làm được điều đó, con người là yếu tố quyết định. Kể từ khi đi vào vận hành thương mại đến nay, NMLD Dung Quất luôn vận hành ở ngưỡng 102-107% công suất thiết kế. Đây được xem là điểm sáng trong công tác làm chủ công nghệ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật của nhà máy.

Lần lượt những kỹ sư BSR trước đây chỉ là “vai phụ” cho các chuyên gia nước ngoài được đào tạo nâng cao trình độ làm chủ khoa học công nghệ, chuyên sâu về từng lĩnh vực sản xuất. Với ý chí học tập, vươn lên chiếm lĩnh tri thức, đội ngũ này đã dần thay thế các chuyên gia nước ngoài, tiết kiệm chi phí cho Công ty. Cùng với đó là hàng ngàn sáng kiến, hàng trăm đề tài khoa học đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật BSR nhằm tối ưu hóa quá trình sản xuất, làm lợi cho Nhà nước hàng trăm triệu USD…

Trong niềm phấn kích, lãnh đạo BSR tiếp tục chia sẻ, có 3 mốc quan trọng trong quá trình cổ phần hóa BSR. Đó là vào ngày 17-1-2018, tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), BSR đã tổ chức thành công phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Toàn bộ 241.556.969 cổ phần (tương đương 7,79% cổ phần BSR) đã được đấu giá thành công. Đến ngày 1-3-2018, toàn bộ cổ phần của BSR đã được đưa lên sàn UPCoM và cổ phiếu của BSR là tâm điểm của nhiều nhà đầu tư quan tâm trong và ngoài nước. Tiếp theo đó, ngày 21-6-2018, Công ty BSR đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông, chính thức chuyển từ mô hình Công ty TNHH Một thành viên sang Công ty cổ phần.

“Đây là thành công ngoài mong đợi của Công ty BSR và cũng là tiền đề để Công ty tiếp tục thoái vốn của nhà nước khi chuyển sang mô hình hoạt động công ty cổ phần. Hiện nay có nhiều nhà đầu tư quốc tế đã làm việc với BSR để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư như Tập đoàn Petrolimex (Việt Nam), Công ty Dầu lửa quốc gia Ấn Độ (Nation Indian Oil Corporation), Pertamina (Indonesia), Bangchak Corporation Public Company Limited (Thái Lan)…”

Đưa chúng tôi đi thăm một vòng quanh NMLD Dung Quất, lãnh đạo BSR cùng lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia chia sẻ, sau 9 năm đi vào hoạt động (từ tháng 2-2009), NMLD Dung Quất tạo ra doanh thu khoảng 38 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 7 tỉ USD - gấp đôi tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ USD.

Nhiệm vụ thời gian tới, bên cạnh sản xuất kinh doanh, BSR sẽ thực hiện dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất, với tổng mức đầu tư 1,8 tỷ USD. Việc nâng cấp này dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2021 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2022. Sau khi hoàn thành, BSR sẽ nâng công suất chế biến dầu thô của nhà máy từ 6.5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm, chất lượng sản phẩm đầu ra đáp ứng tiêu chuẩn Euro V…

Nhưng rồi, lãnh đạo BSR bỗng chùng giọng: “Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, cần nhất đối với BSR là nguồn vốn đầu tư…”. Và, chúng tôi hiểu những tâm tư, trăn trở của một lãnh đạo trẻ và năng động này.

Trở lại KKT Dung Quất chứng kiến những thay đổi nơi đây từng ngày; thăm NMLD Dung Quất, gặp gỡ những cán bộ, kỹ sư, công nhân viên chức của BSR, nghe họ kể chuyện, biết được những kết quả sản xuất kinh doanh mà hơn 10 năm qua họ đã nỗ lực gặt hái được, chúng tôi càng vững tin về một quyết định mang tính lịch sử của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Bất chợt lại nhớ đến chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Chính phủ khi đến thăm, kiểm tra NMLD Dung Quất cách đây gần 2 năm (9-8-2016).

Hôm đó, sau khi nghe lãnh đạo BSR báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá sự trưởng thành và lớn mạnh của BSR rất đáng trân trọng: “Đây là bông hoa đẹp không chỉ của ngành Dầu khí, mà của cả nền công nghiệp đất nước”.

Hiệu quả sản xuất kinh doanh từ NMLD Dung Quất của BSR đã khẳng định hướng đi đúng đắn của đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, thiết nghĩa rằng, những gì BSR đang vướng mắc rất cần được nhanh chóng tháo gỡ để tiếp sức, động viên BSR hoàn thành nhiệm vụ trong tương lai; góp phần giữ mãi “bông hoa đẹp” BSR cho ngành Dầu khí và nền công nghiệp nước nhà…

PV

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/dung-quat-va-chang-duong-sai-canh-tien-phong-523019/