Đừng sợ hãi với những rắc rối của con vì không thể ngay lập tức thay đổi một đứa trẻ

Đó là thông điệp mà cuốn sách 'Con chúng ta không sao đâu' của bác sĩ tâm lý, chuyên gia tư vấn người Hàn Quốc – ông Cheonseok Suh muốn gửi đến các bậc cha mẹ thời hiện đại đang trong vòng xoay của các rắc rối gặp phải trong quá trình nuôi dạy con.

“Con chúng ta không sao đâu” là cuốn sách bao gồm những phương pháp giải quyết các rắc rối trong đời sống các gia đình đương đại như bạo lực, cô lập, các hội chứng rối loạn ở trẻ, các vấn đề về tính cách của trẻ,… Cuốn sách được đề cử là “Sự lựa chọn của các bà mẹ” tại Hàn Quốc.

Cha mẹ cần biết, không thể “ngay lập tức” thay đổi một đứa trẻ

Một vấn đề trong quá trình nuôi dạy con mà các bậc cha mẹ thường hay tự chất vấn, là làm thế nào để trở thành cha mẹ tốt, khi bản thân đã cố gắng nhưng con vẫn không thay đổi.

Tuy nhiên, để tạo ảnh hưởng với trẻ cần đến thời gian dài chứ không thể “ngay lập tức” có thể khiến trẻ thay đổi. Bên cạnh đó, nếu cha mẹ thúc em dạy dỗ con quá mức sẽ làm đổ vỡ “mối quan hệ mật thiết giữa cha mẹ và con” khi kết quả của quá trình dạy bảo lại dẫn đến hành vi bạo lực với con.

Thực tế có nhiều cách giáo dục khác ngoài việc phạt đòn, nhưng vì đó là cách dễ nhất, không cần phải suy nghĩ nhiều, lại là cách bản thân cha mẹ đã quen bị như thế trước kia.

Tác giả của cuốn sách khuyên rằng, nếu hành động của con không phù hợp, các ông bố bà mẹ nên viết ra ba cách để giúp con sửa đổi. Hãy dồn tâm sức thực hiện ba điều đó, nếu trẻ vẫn không tiền bộ khi đó có thể dùng đến đòn roi. Và theo vị bác sĩ này, chưa có trường hợp nào phải nhờ đến sự trợ giúp của cây roi sau khi đã thực hiện ba cách đã đề ra.

“Con chúng ta không sao đâu" là cuốn sách không thể trong hành trình nuôi dạy con của các bậc cha mẹ

Và để trở thành cha mẹ tốt, nuôi dạy con thành đứa trẻ tốt, các cha mẹ nhất thiết “hãy dành cho trẻ ánh mắt tôn trọng”. Điều này sẽ khá dễ dàng khi con làm tốt việc gì đó, nhưng kể cả khi con làm không tốt cha mẹ vẫn phải ghi nhận con bằng ánh mắt tôn trọng.

“Khi liên tục nhận được ánh mắt tôn trọng, tự nhiên trong nội tâm của con cũng hình thành ánh mắt đó. Cứ như vậy bé sẽ trở thành một đứa trẻ biết trân trọng bản thân, một người lớn có lòng tự trọng cao. Là một đứa trẻ trân trọng bản thân, chắc chắn con sẽ hành động đúng đắn”.

Trong cuốn sách “Con chúng ta không sao đâu” bác sĩ tâm lý Cheonseok Suh cũng chia sẻ, ông thường dùng câu nói Thủ tướng Anh Winston Churchill“Nếu bạn đang băng qua địa ngục thì hãy cứ đi tiếp làm lời động viên gửi tới các ông bố bà mẹ. Bởi câu nói ấy vô tình thật đúng với hành trình nuôi dạy con cái của các bậc cha mẹ.

Theo ông lý giải, khi nuôi dạy trẻ, có những lúc các bậc cha mẹ sẽ có cảm giác chẳng khác nào địa ngục. Nhưng những giây phút đó không phải là mãi mãi. Chỉ cần cha mẹ kiên trì và tập trung vào việc mình đã làm, quá trình nuôi dạy trẻ gian nan này sẽ kết thúc. Và rồi con sẽ trở thành đứa trẻ tốt.

Điểm mặt một số vấn đề cha mẹ thường gặp trong quá trình nuôi dạy con

Rắc rối bậc cha mẹ này đang gặp phải cũng có thể là vấn đề ở đứa con của cha mẹ khác. Vì vậy, “Con chúng ta không sao đâu” với các phương pháp giải quyết từng vấn đề cụ thể là cuốn cẩm nang không thể thiếu trong hành trình nuôi dạy con của các bậc cha mẹ thời đại mới.

Dưới đây là một số vấn đề điển hình kèm những lời khuyên từ bác sĩ tâm lý Cheonseok Suh cũng là tác giả cuốn sách dành cho các bậc cha mẹ.

Tình trạng rối loạn vận động (TIC)

Cùng với hội chứng “rối loạn tăng động giảm chú ý” (ADHD), “tình trạng rối loạn vận động” (TIC) cũng là vấn đề mà nhiều đứa trẻ hiện nay gặp phải. Tuy nhiên, vấn đề lớn không phải là có chữa trị được hội chứng này hay không mà là thái độ nhìn nhận của bố mẹ về TIC ở con.

Theo bác sĩ tâm lý Cheonseok Suh“TIC là hiện tượng một phần nhóm cơ trong cơ thể đột nhiên co lại không theo chủ ý”. Điển hình như nhóm cơ ở mí mắt đột nhiên co lại khiến cho mắt chớp chớp, “cũng do hiện tượng co lại của nhóm cơ mà mũi đột nhiên chun lại hoặc vai so lại” hay “cũng có lúc vì ảnh hưởng từ nhóm cơ phát ra âm thanh mà bé phát ra những âm thanh lạ, trường hợp này gọi là TIC âm thanh”.

Vị bác sĩ này khuyên rằng, khi thấy con có triệu chứng TIC, hãy coi như không có chuyện gì, dù bắt gặp ngay trước mắt cũng coi như không thấy gì cả. Bởi khi bố mẹ tỏ ra lo lắng con sẽ cảm thấy bất an nghĩ rằng mình đã àm sai hoặc có vấn đề gì đó nghiêm trọng. Và nếu càng bất an, TIC càng nghiêm trọng.

Cha mẹ hãy tận hưởng cuộc sống và chia sẻ, tâm tình với con nhiều hơn thay vì chỉ dồn tâm trí vào TIC. Nếu đây là những căng thẳng bé cần đối mặt trong quá trình trưởng thành thì không nên cố tình giúp bé tránh né.

Nghi ngờ tính cách của con có vấn đề?

Hành trình nuôi dạy vất vả cũng khiến nhiều bậc cha mẹ không ít lần nghi ngờ “tính cách của con có vấn đề?”.

Mong muốn phổ biến của tất cả cha mẹ là muốn dạy con trở thành một đứa trẻ tốt. Tuy nhiên, họ thường không biết rằng tính cách tốt cũng hết sức đa dạng. “Tính nhút nhát, thích trêu đùa, nhạy cảm,... đều có những ưu điểm riêng”.

Tính nhút nhát của trẻ cũng có ưu điểm riêng. Ảnh minh họa.

Khi đứa trẻ có tính nhút nhát, hướng nội thường có hai hướng phát triển trong tương lai. Tích cực là bé sẽ luôn làm tỉ mỉ, chi tiết và giàu tình cảm; tiêu cực là bé hay sợ hãi và né tránh mọi người. Hai con đường này đều mở rộng, tuy nhiên kết quả trẻ hướng đến con đường nào là do môi trường giáo dục tác động. “Tóm lại, bản tính là yếu tố bẩm sinh nhưng tính cách lại là thứ được con người tạo nên”.

Con của bạn cũng thể là đứa trẻ “mít ướt”, tự ti, sợ động vật, tâm trạng thất thường hay cố chấp hay thậm chí gặp chứng trầm cảm,... Tuy nhiên, việc có giúp con khắc phục được những hạn chế của tính cách hướng đến phát triển tích cực hay không tùy thuộc vào thái độ nhìn nhận, chấp nhận vấn đề và phương pháp giáo dục của cha mẹ. Cuốn sách “Con chúng ta không sao đâu” sẽ cụ thể cho các bậc phụ huynh từng hướng giải quyết.

Hành vi “tự sướng" (thủ dâm) ở trẻ (dưới 6 tuổi).

Đây là vấn đề khiến các bậc cha mẹ sửng sốt và vô cùng hoang mang.

Tác giả cuốn sách đưa ra lời khuyên rằng, trước hết, cha mẹ cần hiểu đúng về hành vi thủ dâm ở trẻ. Thực tế, “hành vi tự sướng ở trẻ hoàn toàn không đem lại ảo giác về mặt giới tính, mà chỉ là hành động khiến cho tâm trạng của trẻ tốt hơn và giảm bớt bất an mà thôi.” Tuy nhiên, dưới cách nhìn nhận theo góc độ giới tính khiến người lớn không tránh khỏi kinh ngạc.

“Hành vi tự sướng ở trẻ nhỏ xuất hiện ở các bé gái nhiều hơn. Vì về cấu tạo cơ thể, bé gái sẽ dễ tiếp nhận các kích thích hơn. Những trẻ ở độ tuổi này không biết người khác nghĩ gì về hành động của mình nên sẽ không cảm thấy xấu hổ và nằm ngoài áp lực văn hóa xã hội”. Ông Cheonseok Suh đưa ra giải thích trong cuốn sách.

Tuy nhiên, có ba trường hợp phải lưu tâm khi trẻ có hành vi tự sướng.

Thứ nhất, trường hợp con thực hiện quá nhiều hoặc quá độ. Có một số bé mỗi khi căng thẳng hoặc hồi hộp lại thực hiện động tác này như một thói quen để giải tỏa nỗi bất an. Nhưng việc giảm bớt bất an cần nhiều thời gian, nếu con thực hiện quá mức sẽ khiến vùng kín bị thương, vì vậy bố mẹ cần đặc biệt chú ý.

Thứ hai, trường hợp trẻ thản nhiên thực hiện hành vi này trước mặt người khác. Tác giả cuốn sách giải thích, thông thường, bé sẽ thực hiện hành vi này lúc ở một mình và cảm thấy nhàm chán. Tuy nhiên nếu bé thực hiện cả khi nhà có khách hoặc trong giờ học, thì đây là hành động có vấn đề. Đó có thể là trẻ đã sa đà vào việc kích thích cảm giác.

Thứ ba, trường hợp liên tưởng tới hành vi giới tính. Nếu trẻ thực hiện hành vi đó như kiểu mô phỏng một tình huống quan hệ thể xác có thể trẻ đã từng bị quấy rối, lạm dụng. Trong trường hợp này, bố mẹ cần nhanh chóng đưa con tới gặp chuyên gia để được trợ giúp.

Tác giả cuốn sách cũng đưa ra lời khuyên: “Khi nhìn thấy con có hành vi tự sướng, bố mẹ không nên quát mắng mà hãy hướng con tới trò chơi khác một cách tự nhiên như rủ con cùng chơi một trò nào đó. Cần ngăn chặn để con không lặp lại hành vi đó nhưng không được khiến con cảm thấy xấu hổ - đây là nguyên tắc ứng phó hợp lý nhất của cha mẹ”.

Ngoài ra, cuốn sách còn chỉ ra vô vàn vấn đề khác trong quá trình nuôi dạy con các cha mẹ thường gặp và đưa ra hướng giải quyết.

Nhưng tựu trung lại, cái chính cốt yếu của các các phương pháp nuôi dạy con là cha mẹ cần phải thấu hiểu con, tôn trọng con và giúp đỡ con thay đổi thay vì cố gắng thay đổi con. Như tác giả cuốn sách đã nói:

“Chỉ khi cha mẹ giữ vững niềm tin vào sự thay đổi thì con mới có thể tim chỗ dựa ở niềm tin sắt đá của bố mẹ.

Có như vậy con mới có thêm sức mạnh.

Phải vượt qua buốt giá thì mùa xuân mới tìm đến với bố mẹ và con”.

Thục Linh

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/dung-so-hai-voi-nhung-rac-roi-cua-con-vi-khong-the-ngay-lap-tuc-thay-doi-mot-dua-tre-d9787.html