Đứng tên hộ phần vốn – thực hiện đơn giản, hệ quả rối rắm

Giới kinh doanh không còn xa lạ với các 'hình nhân' thực hiện trọng trách 'đứng tên hộ phần vốn' và còn được bổ nhiệm giữ các chức vụ quản lý, điều hành chủ chốt trong công ty…

Có nhiều lý do dẫn đến sự tồn tại của hiện tượng này:

Thứ nhất, các công ty ở Việt Nam được phát triển trên mô hình kinh tế gia đình truyền thống nên mang những đặc trưng của “công ty gia đình” hơn bản chất thuần “đối vốn”.

Thứ hai, một số cá nhân có nhu cầu nhưng lại vướng một số hạn chế không được thành lập công ty.

Thứ ba, đứng tên hộ vì lý do đơn giản để nhận một khoản tiền hoặc chấp nhận lời nhờ tạm thời của bạn bè, người thân.

Thứ tư, nhà đầu tư nước ngoài nhờ một hoặc nhiều cá nhân/tổ chức trong nước “đứng tên phần vốn” vì nhiều mục đích tối ưu.

Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư 2020 quy định gì?

Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định cấm rõ ràng rằng không được đứng tên hộ trong đăng ký thành lập, góp vốn vào doanh nghiệp. Thay vào đó, luật chỉ quy định doanh nghiệp phải “chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo” (khoản 3, điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020). Một số quan điểm đã viện dẫn khoản 3, điều 8 nêu trên để kết luận rằng “hành vi đứng tên hộ trong đăng ký doanh nghiệp là kê khai không trung thực, khách quan nên được xem là hành vi không được pháp luật công nhận và không được phép thực hiện”. Tuy nhiên, lập luận này chưa thuyết phục vì khoản 3, điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp, không phải là nghĩa vụ của người góp vốn, trong khi đó, hành vi đứng tên hộ được thực hiện bởi người góp vốn. Đồng thời, liệu doanh nghiệp có cơ chế nào để biết người góp vốn kê khai trung thực, chính xác hay không? Nếu lập luận trên được chấp nhận, chỉ có doanh nghiệp chịu trách nhiệm (xử phạt vi phạm hành chính và buộc sửa đổi, bổ sung thông tin đúng), còn bên góp vốn đã thực hiện hành vi đứng tên hộ thì chưa thể buộc trách nhiệm.

Luật Đầu tư 2020 cũng không cấm rõ ràng việc “đứng tên hộ phần vốn trong hoạt đồng đầu tư”. Tuy nhiên, điểm e, khoản 2, điều 48 Luật Đầu tư 2020 lại quy định hậu quả pháp lý khi “nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự”, là bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư (IRC). Khi IRC bị thu hồi sẽ ảnh hưởng đến giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC) trong trường hợp doanh nghiệp được thành lập theo hình thức “đầu tư thành lập tổ chức kinh tế”. Theo hình thức trên, hồ sơ thành lập doanh nghiệp phải có IRC đã được cấp trước đó. Khi IRC bị thu hồi, nghĩa là một thành phần hồ sơ (điều kiện) thành lập doanh nghiệp đã không còn hợp lệ. Lúc này, sở kế hoạch và đầu tư có thể ban hành quyết định thu hồi ERC đã cấp căn cứ vào IRC đã bị thu hồi(1). Đối với các hình thức đầu tư khác (góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp hay thực hiện dự án đầu tư hay hợp đồng BCC), việc bị thu hồi IRC sẽ không đương nhiên tạo cơ sở pháp lý để thu hồi ERC của công ty dự án.

Tuy không có quy định cấm rõ ràng việc đứng tên hộ trong hoạt động đầu tư nhưng nếu thực hiện thì sẽ gánh chịu hậu quả; do đó hiểu nôm na rằng đứng tên hộ là “không được phép”. Đáng chú ý là khi bàn về tính khả thi của biện pháp xử lý đối với dự án đầu tư trong trường hợp có người “đứng tên hộ phần vốn”, một tác giả đã cho rằng “không dễ xử lý”(2).

Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về “giao dịch đứng tên hộ”?

Trong mối quan hệ giữa người nhờ đứng tên hộ (người nhờ) và người đứng tên hộ (người đứng tên), giữa họ tồn tại một giao ước hay còn gọi là giao dịch dân sự. Một trong các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là “Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”(3). Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Người viết không tìm thấy quy định nào trong luật chung (Bộ luật Dân sự 2015 – BLDS 2015) và luật chuyên ngành (Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020) cấm giao kết hay thực hiện giao dịch “đứng tên hộ phần vốn”. Cá biệt trường hợp, nếu mục đích của giao dịch đứng tên hộ là nhằm che giấu một giao dịch khác, thì giao dịch này được xem là giao dịch giả tạo và bị vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu.

Để áp dụng quy định về giao dịch giả tạo cho tình huống “đứng tên hộ”, cần xác định giao dịch nào là thật, giao dịch nào là giả tạo. Đây là một vấn đề khó khăn vì phải dựa vào ý chí đích thực trong mỗi giao dịch để tìm ra câu trả lời. Do đó, khó có thể có một công thức hay một mô tuýp cố định để xác định giao dịch thật – giả. Thực tế cho thấy, các giao dịch giả tạo thường rất khó phát hiện một cách tự nhiên, trừ khi các bên tự “xù kèo” và lôi nhau ra pháp đình để phân xử. Vấn đề càng khó xác định hơn trong tình huống “đứng tên hộ” vì người nhờ và người đứng tên thường chỉ giao kết một thỏa thuận (bằng miệng hoặc bằng văn bản), sau đó người đứng tên sẽ thực hiện giao dịch góp vốn vào doanh nghiệp mà không ký thêm thỏa thuận nào khác. Trong khi đó, giao dịch giả tạo thường cần phải có hai giao dịch được xác lập.

Tham khảo tình huống nhờ đứng tên hộ mua bất động sản, tòa án các cấp khi xét xử đã không có bất kỳ lập luận nào liên quan đến giao dịch giả tạo giữa người đứng tên hay người nhờ với bên bán bất động sản là vô hiệu. Thay vào đó, tòa án tập trung giải quyết quyền lợi của các bên phát sinh từ các giao dịch. Nếu người nhờ đứng tên chứng minh được họ là người thực chất thực hiện giao dịch mua bất động sản thì tòa án sẽ (i) công nhận quyền sở hữu của người nhờ đứng tên (nếu đủ điều kiện sở hữu); hoặc (ii) buộc người đứng tên trả lại giá trị bất động sản và lợi tức phát sinh cho người nhờ đứng tên. Án lệ số 02/2016 đã thể hiện rõ ràng và nhất quán tinh thần giải quyết này.

Vận dụng tinh thần giải quyết trong vụ việc nhờ đứng tên bất động sản, người viết cho rằng, nếu chẳng may có tranh chấp phát sinh từ giao dịch “đứng tên hộ phần vốn”, việc tập trung giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ của các bên phát sinh từ các giao dịch đã xác lập sẽ mang lại nhiều lợi ích, giúp ổn định các quan hệ xã hội hơn thay vì tập trung xem xét giao dịch giả tạo.

Rối rắm rủi ro chực chờ

Rủi ro cho người nhờ

Lúc công ty thua lỗ thường thấy người đứng tên chẳng có ý kiến hay tranh giành gì. Vấn đề trở nên phức tạp khi công ty làm ăn thành công, việc tranh giành quyền lực và tài sản là khó tránh, hay khi người đứng tên đột ngột chết và các người thừa kế thì lại tiếp cận vấn đề một cách “giản đơn”, mặc nhiên tự nhận đó là tài sản của người quá cố…

Để phòng tránh những rủi ro này, một số giải pháp đã được áp dụng trên thực tế cùng lúc và ngay từ thời điểm bắt đầu “nhờ vả”: (i) ký sẵn hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp; (ii) ký văn bản ủy quyền về việc người đứng tên trao toàn quyền đối với phần vốn góp cho người nhờ. Dù giải pháp nào được chọn thì rủi ro vẫn tồn tại và hành trình lấy lại quyền sở hữu phần vốn sẽ rất gian nan.

Rủi ro cho người đứng tên

Về tài chính, người bỏ vốn sẽ chịu trách nhiệm hữu hạn trong số vốn góp vào công ty (công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần), nghĩa là nếu công ty làm ăn thua lỗ thì về danh nghĩa người đứng tên chỉ bị mất đi số tiền đã góp vốn. Tuy nhiên, nguồn gốc của tiền góp vốn cũng do người nhờ nộp vào công ty, nên người đứng tên không mất mát gì.

Về trách nhiệm pháp lý khác, người đứng tên giữ chức vụ quản lý công ty (như chủ tịch/thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch/thành viên hội đồng quản trị, giám đốc/tổng giám đốc…) có nguy cơ bị khởi kiện bởi chính công ty, cổ đông/thành viên góp vốn khác để quy kết trách nhiệm cá nhân họ nếu chẳng may việc quản lý, điều hành có sai sót, vi phạm điều lệ công ty. Trong nhiều tình huống, bản chất người đứng tên chỉ là bù nhìn, hoạt động theo sự “giật dây” của người nhờ nên đẩy họ đến cảnh “tình ngay lý gian”. Nghiêm trọng hơn, nếu công ty chẳng may vướng vào một vụ án hình sự phát sinh từ hoạt động kinh doanh (như sai phạm liên quan đến phát hành trái phiếu, huy động vốn, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo…) thì dàn “chóp bu” quản lý, trong đó có người đứng tên cũng bị liên lụy, đối mặt với án phạt tù, phạt tiền và các hạn chế khác.

Mặc dù không nhằm cổ xúy cho các giao dịch đứng tên hộ, nhưng phải thừa nhận rằng nhu cầu này vẫn luôn tồn tại trên thực tế. Do vậy, cả người trong cuộc, người ngoài cuộc gồm cả các cơ quan quản lý nhà nước cần trang bị để “ứng xử” phù hợp với các giao dịch này. Đồng thời, nên xếp loại và gắn “cờ đỏ” với mức độ rủi ro cao nhằm cảnh báo cho các bên tham gia.

(*) Công ty Luật TNHH MTV Lawlink Việt Nam
(1) Điểm đ, khoản 1, điều 212 Luật Doanh nghiệp 2020, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp căn cứ: “đ) Trường hợp khác theo quyết định của tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật”.
(2) Không dễ xử lý hoạt động đầu tư dựa trên giao dịch giả tạo https://thesaigontimes.vn/khong-de-xu-ly-hoat-dong-dau-tu-dua-tren-giao-dich-gia-tao/
(3) Khoản 1, điều 117 Bộ luật Dân sự 2015.

LS. Nguyễn Thị Kim Thanh (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dung-ten-ho-phan-von-thuc-hien-don-gian-he-qua-roi-ram/