Dùng thuốc khi bị bỏng nắng

Bỏng nắng là hiện tượng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời nhất là mùa nắng nóng gây tổn thương bề mặt da dẫn đến da bị bỏng và trở nên bong tróc.

Bỏng nắng thường là bỏng cấp độ một (mức độ nhẹ nhất) và hoàn toàn có thể điều trị tại nhà, tuy vậy, bỏng nắng khiến một số người cảm thấy đau rát, khó chịu ở vết bỏng, do đó, nên được xử trí sớm.

Biểu hiện của bỏng nắng

Trong da có chất melanin, chất này chính là hắc tố quyết định đến màu sắc của biểu bì da, vì vậy, lượng melanin càng cao khiến da càng thêm sậm màu. Chính các hắc tố phụ được sản xuất để tạo nên một lớp màn chắn tối màu, bảo vệ các lớp sâu bên trong da khỏi các tia cực tím (UV: Ultraviolet là tia cực tím hay tia tử ngoại bức xạ từ mặt trời là nguyên nhân gây hại cho sức khỏe của con người) gây hại. Tuy nhiên, lượng melanin ở mỗi người nhiều hay ít tùy thuộc vào di truyền và đôi khi nó không đủ để bảo vệ làn da trước sự tấn công của ánh nắng mặt trời làm cho da bị bỏng. Khi có ánh nắng mặt trời, tia UV có thể kéo dài trong thời gian từ 9 giờ sáng tới 4 giờ chiều, khi trời có nắng rõ hay râm mát, tia UV vẫn có thể tồn tại và tác động lên da.

Cần bôi kem chống nắng để phòng tránh bỏng nắng.

Cần bôi kem chống nắng để phòng tránh bỏng nắng.

Các triệu chứng của bỏng nắng: Ngay tại vùng da bị bỏng nắng ửng đỏ, sưng nề. Người bị bỏng nắng có cảm giác ngứa, đau rát như bị kim châm ở toàn bộ vùng da bị bỏng nắng. Cảm giác này có thể kéo dài vài giờ đến vài ngày sau khi bị bỏng nắng. Da có thể bị rộp (loại nặng), bong tróc kéo dài một số ngày. Một số trường hợp bỏng nắng, có thể bị sốt.

Mặc dù hầu hết bỏng nắng thuộc loại nhẹ nhưng nếu không được xử trí đúng, kịp thời có thể gây ra một số biến chứng như dày sừng ánh sáng (dày sừng quang hóa), tức là lớp biểu bì da bị dày lên, khô ráp, xuất hiện ở vùng da thường tiếp xúc nhiều với nắng (da đầu, mặt, mu bàn tay, lưng...). Một số chuyên gia cho rằng đây có thể được xem như là một trong những nguyên nhân của thời kì tiền phát của bệnh ung thư da, bởi vì, có thể làm thay đổi DNA của da.

Bỏng da do nắng có thể dùng thuốc gì?

Trước hết có thể rửa sạch vùng da bị bỏng nắng bằng cách dùng xà phòng dịu nhẹ và nước mát/nước hơi ấm, sau đó có thể dùng khăn mát/ẩm chườm lên vùng bị bỏng (tránh bất kỳ hình thức chà xát nào bởi điều đó có thể sẽ làm da bị kích ứng). Không dùng nước quá lạnh ngay khi bị bỏng bởi vì có thể dẫn đến những tác động tiêu cực lên da (làm mát da bị bỏng quá nhanh với độ lạnh quá mức sẽ làm giảm tốc độ phục hồi và gia tăng nguy cơ tổn thương do tê cóng ở phần trên vết bỏng).

Nếu vết bỏng tiếp tục bị kích ứng, có thể giảm bớt triệu chứng này bằng cách thường xuyên dùng vòi sen hoặc ngâm trong nước mát.

Có thể dùng một số thuốc để chữa bỏng nắng, gồm thuốc bôi da điều trị tại chỗ và thuốc dùng đường uống.

Các thuốc bôi da được sử dụng nhằm mục đích giảm đau, dưỡng ẩm, chống viêm, sát khuẩn, tái tạo tế bào da. Một số kem bôi da phổ biến trên thị trường hiện nay có thể sử dụng để bôi da bị bỏng nắng như: panthenol (bepanthen); các loại kem nghệ, kem bôi da vitamin E, vitamin A.

Ngoài ra, có thể dùng bạc sulfadiazin (1% kem, thermazene), loại này hoạt động như một chất kháng sinh, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng ở vùng da nhạy cảm và bị tổn thương.

Nếu bị đau, rát có thể dùng các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol uống (10mg/kg cân nặng) hoặc thuốc chống viêm không steroid (cần có ý kiến của bác sĩ, bởi vì, thuốc có mốt số tác dụng phụ, nhất là trẻ em, người bị bệnh hen, bệnh dạ dày...).

Có thể giảm đau bằng cách dùng acid acetic có trong giấm có tác dụng giảm đau, ngứa và viêm tấy. Cho một cốc giấm táo trắng vào nước tắm ấm và ngâm vết thương, hoặc có thể dùng gạc cotton tẩm giấm và chấm nhẹ lên vùng đau nhất của vết bỏng (chỉ chấm nhẹ, không lau).

Phòng ngừa bỏng nắng

Để ngừa bỏng nắng, cần hạn chế ra ngoài trời nắng, nhất là những khung giờ cường độ ánh nắng mạnh nhất trong ngày từ 11h -13h, nhất là những hôm trời nắng nóng kỷ lục sẽ rất có hại cho làn da và sức khỏe toàn thân. Khi ra ngoài trời nắng cần sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng từ 50 trở lên, mặc đồ bảo hộ, đeo kính, quần áo chống nắng, đội mũ rộng vành...

BS. Bùi Mai Hương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-thuoc-khi-bi-bong-nang-n175614.html