Dùng trụ sở nhà nước thanh toán BT: Ai có quyền chấp thuận?

Cuối cùng Nghị định về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư các dự án BT cũng được ban hành.

Hôm qua, 15-8, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định 69/2019 Quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (dự án BT).

Ngoài quỹ đất, kết cấu hạ tầng, các loại tài sản công khác theo quy định thì trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng được dùng để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

Trước khi dùng trụ sở làm việc để thanh toán dự án BT thì phải xác định giá trị quyền sử dụng đất và giá trị của tài sản trên đất tại thời điểm UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất và không thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi xác định giá trị trụ sở làm việc thanh toán.

Giá trị tài sản trên đất được tính theo giá thị trường. Trong đó, Trụ sở làm việc được xác định giá trị tại thời điểm UBND cấp tỉnh ra quyết định giao, cho thuê đất và không thay đổi giá trị đã xác định tại hợp đồng BT được ký kết.

Việc thay đổi giá trị xác định của trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước chỉ xảy ra khi nhà nước cho phép điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng khiến giá trị trụ sở làm việc thay đổi.

Nghị định 69/2019 cũng quy định khá chi tiết về trình tự, thủ tục sử dụng trụ sở làm việc để thanh toán Dự án BT. Mấu chốt nằm ở chỗ phải có “văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ”.

Với các trụ sở làm việc thuộc Trung ương quản lý thì cơ quan trung ương phải lập hồ sơ trình bộ, cơ quan trung ương xem xét. Sau đó, cơ quan này gửi văn bản sang Bộ Tài chính xin ý kiến và gửi UBND cấp tỉnh nơi có trụ sở làm việc để có ý kiến về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng. Sau khi có ý kiến tổng hợp của Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh thì bộ, cơ quan trung ương mới tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét chấp thuận dùng trụ sở làm việc để thanh toán dự án BT.

Trụ sở làm việc thuộc địa phương quản lý cũng phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng mới được dùng để thanh toán các dự án BT. Tuy vậy, sau khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng thì các cơ quan liên quan phải đấu thầu, ký hợp đồng BT và các nội dung khác về đầu tư, xây dựng… và thực hiện nhiều thủ tục khác như Nghị định đã nêu.

Sau khi thanh toán thì các bên ký kết hợp đồng BT sẽ ký biên bản xác nhận hoàn thành việc thanh toán để thanh lý Hợp đồng BT theo quy định của pháp luật.

Trong các nguyên tắc của việc dùng tài sản công thanh toán các dự án BT, đáng chú ý, nghị định nhấn mạnh nguyên tắc pháp luật về đấu thầu, nguyên tắc ngang giá, giá trị Dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán. Ngoài xác định thời điểm thanh toán, lãi vay thì Nghị định cũng nói rõ: “Việc giao tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT được thực hiện sau khi Dự án BT hoàn thành”, hoặc thanh toán theo tiến độ dựa trên pháp luật về đầu tư, xây dựng.

Giá trị của Dự án BT được Nghị định cho phép lấy giá trị ghi trong hợp đồng và không thay đổi. Giá trị của dự án BT chỉ thay đổi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy mô, thiết kế kỹ thuật, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của Dự án BT, khoản lãi vay trong phương án tài chính của Hợp đồng BT theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến thay đổi giá trị Dự án BT…

Giá trị Dự án BT để thanh toán là giá trị Dự án BT được quyết toán theo quy định của pháp luật. Hiện Bộ Tài chính đang tổ chức họp báo chuyên đề để giới thiệu về Nghị định này

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/dung-tru-so-nha-nuoc-thanh-toan-bt-ai-co-quyen-chap-thuan-852551.html