'Đừng trục lợi từ những video đầu độc trẻ em'

Vì những video triệu view, nhiều người sẵn sàng phát tán nội dung xấu, độc, gây tác động tiêu cực tới trẻ em. Doanh nghiệp Việt cần có trách nhiệm khi quảng cáo gắn với video đen.

Bài viết của tiến sĩ chuyên ngành truyền thông giảng viên Học viện Báo chí và tuyên truyền Phạm Hải Chung - tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành truyền thông tại Vương quốc Anh - gửi Zing.vn.

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 9 của con gái, bạn tôi mua tặng con mình 1 chiếc iPad. Cô bé lớp 4 rất phấn khởi, thành thạo với món đồ chơi kỹ thuật số này. Cảm giác có lẽ giống như tôi khi lần đầu tiên được bố tặng cho con búp bê vào đầu năm 1990.

Thế hệ Z (Generation Z) bây giờ được gọi là thế hệ “netizen”, công dân số). Việc tiếp xúc với Internet là điều không thể tránh khỏi với trẻ em thành thị, ngay khi chúng biết cầm nắm và khám phá điện thoại thông minh trên tay.

Nhìn cháu bé thành thạo với các ứng dụng trên iPad, tôi chỉ băn khoăn về việc bạn tôi đã cài các chế độ hạn chế nội dung cho trẻ dưới 16 tuổi hay có hướng dẫn, “chơi iPad” cùng con mình không.

Đến thời điểm này, có thể nói việc cấm trẻ em nói riêng hay bất cứ ai tiếp xúc Internet là điều không thể. Khôn ngoan hơn chúng ta có thể làm theo cách của các bậc cha mẹ tại một số nước phát triển là xây dựng kháng thể cho trẻ khi tham gia vào môi trường số. Bởi Internet là kho tàng thông tin vô cùng hữu ích cho trẻ, nếu biết cách khai thác.

Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 5 năm từ 2011 đến 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em.

Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 5 năm từ 2011 đến 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em.

Theo một thống kê mới nhất năm 2017, thế giới có 1,3 tỷ người sử dụng YouTube. Khoảng 300 giờ video được up lên mỗi phút và trung bình gần 5 tỷ video được xem một ngày. Là một kênh về video lớn nhất thế giới, Youtube có ảnh hưởng trong việc khai thác thông tin và hình ảnh đối với công chúng nhất là giới trẻ.

Doanh nghiệp Việt cần có trách nhiệm

Tại Việt Nam, YouTube là một trong những kênh được trẻ em ở Việt Nam truy cập rất nhiều với các mục đích từ việc học tiếng Anh, xem phim hoạt hình, tìm hiểu các vấn đề văn hóa xã hội phục vụ cho bài học ở trường cho tới các hoạt động giải trí khác.

Giống như một đồng xu, YouTube cũng có 2 mặt. Hồi tháng 1 năm 2017, các video cosplay có nội dung liên quan tới Spiderman và Elsa đầy bạo lực, dung tục và phản cảm được phát tán trên Youtube khiến công chúng, đặc biệt các bậc phụ huynh phẫn nộ.

Hơn hết, YouTube là một trong những mảnh đất màu mỡ để kiếm tiền. Vì những video triệu view, nhiều người sẵn sàng phát tán không ít nội dung xấu, độc, gây tác động tiêu cực tới trẻ em.

Quảng cáo của Techcombank trên video có nội dung, bình luận tác động tiêu cực trẻ em.

Theo Vice News, YouTube vừa xóa 270 tài khoản và hơn 150.000 video, tắt bình luận bên dưới 625.000 video có khả năng thu hút những kẻ ấu dâm. Đặc biệt, YouTube đã gỡ quảng cáo khỏi 2 triệu video gây hại cho trẻ em. Thực tế, những kẻ trục lợi từ những video xấu độc vẫn có những cách riêng để thoát lưới kiểm duyệt, kiếm view và từ đó là tiền quảng cáo.

Không chỉ công ty đa quốc gia, mà chính các công ty ở Việt Nam cần phải ý thức các quảng cáo hay nội dung đăng tải của mình trên Google không bị gắn cùng các nội dung không lành mạnh liên quan tới trẻ em.

Tiến sĩ Phạm Hải Chung

Những nội dung độc hại với trẻ được trá hình với các từ khóa liên quan lành mạnh, hoặc dẫu hoa thị chèn vào các từ khóa nhạy cảm để thoát khỏi các thuật toán do các nhà cung cấp nền tảng tạo ra.

Tôi cho rằng ngoài những đối sách mà nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội đang cố gắng thực hiện nhằm bảo vệ thế hệ công chúng nhỏ tuổi, thì doanh nghiệp, trường học và gia đình phải đóng vai trò lớn hơn trong việc xây dựng và tạo ra “kháng thể” cho chính con em mình.

Việc xây dựng nội dung lành mạnh cần một bộ lọc thứ hai từ chính người dùng là các bậc phụ huynh.

Họ là những người có thể kiểm duyệt nội dung trước khi cho con xem, và họ cũng có thể báo cáo (report) với các nhà cung cấp nền tảng về nội dung không phù hợp với trẻ.

Một trong những loại “kháng thể” là trang bị cho trẻ năng lực truyền thông ngay khi tiếp xúc với internet. Ví dụ Singapore đã đưa môn học năng lực truyền thông vào trường học. Họ dạy học sinh cách khai thác và sử dụng các phương tiện truyền thông hiệu quả nhất, ý thức được mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của các phương tiện truyền thông, trong đó có Internet.

Hay phụ huynh ở Anh thường dạy con mình cách tận dụng Internet như mua sách trên Amazon, mua đồ dùng trên Ebay, hay khai thác kho dữ liệu tin tức trên Internet khi để tìm hiểu một vấn đề gì được giảng dạy ở trên lớp…

Dắt tay con trên mạng Internet

Vậy các bậc cha mẹ nên chia sẻ những bài học Internet với con như thế nào?

Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, ở độ tuổi tiền tiểu học, trẻ dễ nghe theo những yêu cầu người đưa ra để sử dụng Internet an toàn và tích cực. Đó chính là lý do phụ huynh nên ở bên trẻ và tham gia vào quá trình trẻ khám phá trò chơi điện tử, phim ảnh hay những thứ thú vị khác ở trên điện thoại thông minh. Dù không thích, hãy xem Youtube cùng với trẻ.

Như cách tôi cùng con xem các video và tìm kiếm các từ khóa về đại bàng để cậu bé có thể tóm tắt trong bài trình bày ở lớp. Với trẻ độ tuổi này, các bậc phụ huynh nên tập trung dạy con các từ khóa lành mạnh và các từ khóa không lành mạnh khi tìm kiếm thông tin trên YouTube.Còn khi trẻ ở độ tuổi tới trường, Internet hay cụ thể là Youtube là kênh hữu ích để phục vụ cho các bài tập ở trường.

Còn độ tuổi vị thành niên (16-18 tuổi) là giai đoạn ý thức về tình dục của trẻ dần hình thành. Các bậc phụ huynh nên nói chuyện về nguy cơ xâm hại tình dục trên Internet với con một cách thẳng thắn.

Có thể, đây là điều khó khăn đối với cả người lớn và trẻ vị thành niên. Nhưng không có phương án B. Việc cùng chia sẻ những điều khó nói, những điều nhạy cảm rất có thể sẽ giúp bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi các hành vi bạo lực và xâm hại tình dục.

Đến bây giờ, vẫn chưa có một bộ lọc pháp chế hiệu lực ở Việt Nam về vấn đề này, các bậc phụ huynh và trường học cần ý thức được việc giáo dục trẻ khi khai thác Internet. Sự tương tác trong đời sống thật và sự quan tâm của cha mẹ cũng tạo ra kháng sinh tốt chống lại những tác động xấu đối với trẻ từ không gian mạng.

Cuốn sổ tay Netsmart của quỹ Save The Children mà tôi tham gia biên dịch đã được công bố và phát miễn phí trong tuần vừa rồi. Cuốn sổ tay hướng dẫn phụ huynh nói chuyện với con về cách sử dụng internet thông minh trong thời đại số. Tôi rất tâm đắc với một câu trong cuốn sổ tay:

“Mẹ/Bố muốn cùng con khám phá Internet, giống như cách mà mẹ/bố dắt con đi qua đường vậy. Đây là cách để bảo vệ và hướng dẫn con về Internet để khi lớn lên, con có thể tìm cách và biết chắc được đâu là người có thể tin cậy trên mạng”.

Trên thế giới, theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng chống Bạo hành trẻ em (NSPCC), độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi. Cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục, 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại tình dục. Vấn nạn này có xu hướng gia tăng đối với trẻ em nam. Tại Việt Nam, trước đây trẻ bị xâm hại thường là 13-18 tuổi thì nay xuất hiện nhiều vụ việc ở lứa tuổi 5-13.

Phạm Hải Chung

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dung-truc-loi-tu-nhung-video-dau-doc-tre-em-post801101.html