Đứng trước lằn ranh sinh tử, mọi tiền bạc biến thành phù du

Khi cuộc sống lặng lẽ trôi trong vòng quay thường nhật, chúng ta thường coi trọng vật chất, tiền tài. Trong cơn hoạn nạn, người ta mới nhận ra thứ quý giá nhất chính là sự bình an.

Có được cuộc sống bình yên, không muộn phiền là điều nhiều người mong mỏi. Ảnh: S.L.

Một lần sau khi làm thủ tục check-in để bay sang Barcelona tại sân bay Rome, chúng tôi phát hiện mình đã bị ăn cắp tiền. Do thói quen, tôi hay kẹp tiền vào hộ chiếu, ở góc bọc trang bìa của bao đựng. Em tôi cũng thế.

Hộ chiếu được đưa cho nhân viên làm thủ tục check-in đang “núp lùm” sau một cái quầy rất cao. Về lý thuyết, đó là một cơ hội không thể tuyệt hơn cho những ai có máu tham. Chúng tôi mỗi người bị lấy mất một tờ 500 Euro trong khi mớ tiền lẻ vẫn còn nguyên.

Vì phát hiện khi đã chuẩn bị lên máy bay rồi nên chúng tôi không thể làm gì để khắc phục hậu quả được nữa. Chuyện đáng nhớ là cách chúng tôi cảm nhận sau chuyện này. Tâm tôi không một chút gợn sóng dù số tiền đó bằng nửa tháng thu nhập của mình thời điểm ấy. Bởi tôi còn đứng ở đây, đó là một chuyện quá đủ để biết ơn cuộc sống.

Nhưng ở băng ghế bên kia, em tôi đang bần thần vì sốc, chốc chốc lại thở dài than trách bản thân sao bất cẩn, hay cay cú vì đời sao lại có cái loại, cái bọn, cái lon, cái lọ, cái rọ, cái chai. Nó mất một ngày vui vẻ ở Barcelona, còn tôi thì tự nhủ vì sao người ta có thể bận lòng vì 500 Euro khi thu nhập mỗi ngày gấp vài lần số đó.

Cho nên mới nói, không phải cứ thu nhập tăng lên thì “sự chấp với tiền bạc” sẽ giảm đi. Nói cách khác, hai chuyện này chẳng liên quan gì đến nhau cả. Người bình an thì tiền nhiều hay ít vẫn thấy bình an. Người bất an thì có tiền hay mất tiền vẫn bất an.

Tin vui là bình an hay bất an không phải là bản chất của con người, mà đó là một thứ có thể học được. Bằng chứng là câu chuyện trên xảy ra cách đây vài năm, và giờ đây em tôi không còn bàng hoàng mỗi khi mất của nữa. Nó cho rằng đó là vì bị ảnh hưởng bởi tôi. Nhưng tôi cho đó là kết quả của một thời gian dài đọc sách và khám phá về bản chất của cuộc sống.

Cuốn sách Người tối giản của tác giả Phạm Quỳnh Giang. Ảnh: P.Q.G.

Một ngày mùa thu năm 1998, cha mẹ một người bạn thân của tôi có việc phải về quê. Hai bác dặn dò ba đứa con trông coi nhà cửa cẩn thận rồi bắt chuyến xe đêm từ Gia Lai đi Bình Định. Ngay trong đêm hôm ấy, kẻ trộm lẻn vào nhà khoắng sạch xe cộ và toàn bộ tiền vàng trong tủ.

Mấy chị em bạn tôi sững sờ nhìn căn nhà trống hoác sau chuyến viếng thăm của những tên trộm. Sáng hôm sau, người chị mới lấy hết can đảm gọi điện thoại về Bình Định để thông báo hung tin. Ba chị em đã sẵn sàng đón nhận cơn thịnh nộ của cha mẹ. Thế nhưng, trái với phản ứng thường thấy, người mẹ trả lời: "Thôi kệ đi con, của đi thay người!".

Rồi với giọng vẫn còn run rẩy, bà kể lại chuyện xảy ra đêm trước khi chiếc xe khách đi qua đèo Mang Yang. Khi đổ đèo, chiếc xe bỗng lao mỗi lúc một nhanh với tốc độ chóng mặt. Tất cả hành khách hoảng hốt nhận ra chiếc xe đã bị đứt thắng và thần chết đang đợi họ đâu đó dưới chân đèo.

Cha mẹ bạn tôi đã nghĩ đến viễn cảnh sẽ mãi mãi không còn được gặp lại ba đứa con của mình. Và thế rồi như một phép màu, người tài xế dùng phanh phụ khẩn cấp, đồng thời rẽ xe được vào đường lánh nạn trên đèo. Cả xe thoát nạn.

Trọng tâm của câu chuyện này không phải là thực hư việc ông trời đã sắp xếp để “của đi thay người” như thế nào, bởi nếu có chuyện đó thì cả xe hẳn đều đã bị mất trộm? Điều tôi muốn nói ở đây là trạng thái tinh thần của cha mẹ bạn tôi khi nói câu “của đi thay người”. Họ thật sự thấm thía được sự quý giá của mạng sống, trên toàn bộ của cải vật chất mà mình đang sở hữu.

Phạm Quỳnh Giang/ Thái Hà Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/dung-truoc-lan-ranh-sinh-tu-moi-tien-bac-bien-thanh-phu-du-post1457435.html