Đừng tự biến mình thành 'mồi ngon' cho kẻ cướp giật

Thời gần đây, liên tiếp những vụ cướp giật tài sản của người đi đường, đã không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Đối tượng mà tội phạm nhắm đến là phụ nữ khi tham gia giao thông sơ hở đeo hoặc treo túi xách trên người và trên xe.

Những vụ cướp táo tợn

Theo đó, thời gian gần đây những vụ cướp giật tài sản xảy ra ngày càng nhiều và táo tợn. Nhiều trường hợp nạn nhân đã bị tử vong hoặc bị thương nặng do ngã ra đường, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Mới đây nhất, ngày 1.11, Công an quận 9, TPHCM bắt giữ 3 đối tượng Dương Đăng Kiệt (20 tuổi, quê Thừa Thiên Huế), Huỳnh Văn Bình (18 tuổi, quê Đồng Nai) và Bùi Quốc Huy (18 tuổi, quê Bến Tre) để điều tra về hành vi cướp tài sản.

Kiệt (bên trái) và Bình trong nhóm cướp giật. Ảnh: Nguyên Tân

Theo lời khai của các đối tượng, khuya 29.10, khi nhóm này đi tới đường số 2 (phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9), các đối tượng phát hiện một cô gái đang đi bộ có đeo túi xách nên đeo bám, đến đường 187 thì áp sát, giật phăng. Khi bị công an bắt giữ, các đối tượng khai đã thực hiện thêm 2 vụ khác trong cùng một ngày.

Trước đó, chiều 27.10, chị Nguyễn Thị Thanh H (22 tuổi, ở Thanh Hà, Hải Dương) khi đang đi trên đường đã bị một nam thanh niên đi xe máy chặn đầu xe, rút con dao dài khoảng 15cm đâm 2 nhát vào vùng ngực phải, cướp mất túi xách. Chị H chạy theo lấy được lại túi xách thì bị tên cướp đâm thêm 1 nhát dao vào vùng bụng dẫn đến bị thương nặng.

Nghiêm trọng hơn, tối 25.10, chị Nguyễn Hồng Trúc Vy (25 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) cùng người bạn tên Dung chạy xe máy trên cầu Thủ Thiêm (hướng quận 2 sang quận 1) đã áp sát, giật túi xách của 2 cô gái. Cú giật mạnh khiến 2 nạn nhân ngã đập đầu xuống mặt cầu khiến 1 người tử vong; 1 người gãy xương hàm, trật khớp tay và đa chấn thương.

2 đối tượng gây ra vụ cướp khiến 2 cô gái thương vong.

Đừng làm mồi cho kẻ cướp

Mặc dù rất nhiều vụ cướp giật đã xảy ra do nạn nhân để tài sản sơ hở, song nhiều người dân, nhất là phụ nữ vẫn chưa lấy đó làm bài học. Nhiều chị em vẫn chủ quan đeo túi xách ở vai hoặc treo trên xe khi đi đường. Điều đáng nói, nếu không may bị cướp giật, nhiều nạn nhân hoảng hốt, mất lái dẫn đến tai nạn giao thông.

Các chuyên gia tâm lý học tội phạm cho rằng, trước khi thực hiện hành vi phạm tội, rất có thể các đối tượng chỉ nảy sinh ý định tức thì khi phát hiện tài sản sơ hở mà đối tượng cho rằng có thể nhanh chóng trộm cắp, cướp giật được.

Ngoài tích cực điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan chức năng cũng tiếp tục đưa ra nhiều cảnh báo để người dân chủ động phòng chống cướp giật. Khi bị cướp giật, nạn nhân nên bình tĩnh ghi nhớ các đặc điểm như biển số xe, hình dáng của đối tượng để trình báo lực lượng chức năng, truy bắt đối tượng.

Nên tránh giành lại túi vì có thể bị té ngã và gặp tại nạn.

Cùng nói về việc đấu tranh với tội phạm này, thạc sĩ-luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, việc ngăn chặn tội phạm cướp giật tài sản không nên và không thể chỉ dựa vào hình phạt mà cần phải làm tốt công tác phòng ngừa, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho mọi người.

Theo đó, để phòng ngừa tội phạm cướp giật thì người dân cũng cần loại bỏ những nguyên nhân, điều kiện phạm tội đối với loại tội phạm này. Bởi vậy, người dân nói chung và phụ nữ nói riêng nên cẩn trọng, cảm giác khi tham gia giao thông, tránh những vụ cướp giật và tai nạn không đáng có.

Phạm Đông

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/dung-tu-bien-minh-thanh-moi-ngon-cho-ke-cuop-giat-639537.ldo