Đừng tự lừa dối mình nữa, tuổi tác không chỉ là con số

Đừng tự lừa dối mình nữa, tuổi tác không chỉ là con số

Là con người, ai cũng có những nỗi sợ, và thời gian chính là nỗi sợ lớn nhất. Phụ nữ sợ thời gian làm phai tàn đi nhan sắc, đàn ông sợ mình không có đủ thời gian để làm những điều mình muốn. Ấy vậy mà có những người luôn tự cho rằng “Tuổi tác chỉ là một con số”. Liệu con người có đang huyễn hoặc bản thân mình hay không?

Tuổi tác – sự ám ảnh vô hình và câu nói: “Tuổi tác chỉ là một con số”

“Tuổi tác chỉ là con số” là câu nói mà đa số chúng ta thường viện đến mỗi khi gặp một vấn đề nào đó, giả như khi hai người yêu nhau đang gặp khoảng cách về tuổi tác quá lớn, hay khi một người tạo nên kỳ tích nào đó ở tuổi xế chiều. Phải chăng câu nói này như một phương cách tiếp thêm sức mạnh cho bản thân, đặng sống cho thêm phần kiêu hãnh?

Ellen DeGeneres – người dẫn chương trình với câu nói nổi tiếng: “Tuổi tác chỉ là con số”. Ở tuổi 60, bà vẫn tràn đầy năng lượng tích cực và truyền cảm hứng cho hàng triệu người xem trên khắp thế giới

Ellen DeGeneres – người dẫn chương trình với câu nói nổi tiếng: “Tuổi tác chỉ là con số”. Ở tuổi 60, bà vẫn tràn đầy năng lượng tích cực và truyền cảm hứng cho hàng triệu người xem trên khắp thế giới

Đúng, nhưng chưa đủ. Nếu câu nói trên là đúng, vì sao phụ nữ cứ phải tranh nhau làm đẹp, cố gắng níu giữ hương sắc tuổi thanh xuân? Vì sao đàn ông cứ phải cố gắng có được sự nghiệp trước tuổi 30? Con người thật lạ, họ có cái đích rõ ràng nhưng lại phủ nhận cuộc chạy đua. Năm tháng hằn lên khóe mắt những vết chân chim, những hạt bụi thời gian trên mái tóc và năm tháng cũng đang tâm làm “hệ điều hành” của mỗi người chậm đi trông thấy. Vậy tại sao con người ta cứ phải cố chấp phớt lờ thời gian?

“Đừng tự huyễn hoặc mình nữa, tuổi tác không chỉ là con số”

Tôi cũng từng là “chúa tể của những sự trì hoãn”. Hôm nay chưa làm xong, mai cũng được. Tuần này ăn bậy bạ, tuần sau detox bù. Tháng này chưa đi tập, hẹn tháng sau. Năm nay chưa đi du lịch cùng mẹ, để năm sau. Quanh đi quẩn lại, thời gian trôi qua mà mình vẫn cứ “lạc trôi” với bao dự định dang dở. “Ôi dào, tuổi tác chỉ là con số” – tôi tự nhủ.

Cảm thức thời gian của tôi đã thay đổi hoàn toàn khi gặp Henri Hubert – một nhân vật có tiếng trong làng thời trang Việt Nam. Ở tuổi 60, người đàn ông này khiến tôi kinh ngạc với vẻ ngoài hào hoa, phong độ như một quý ông ở độ tứ tuần.

Mặc vest cùng giày thể thao, Henri tạo cho người ta cảm giác ông trong tư thế sẵn sàng dịch chuyển, nhanh nhẹn như một chú báo sa mạc. Không những ngoại hình, mà tâm hồn trí tuệ của người đàn ông này cũng tinh anh và tràn đầy nhựa sống. Là giám đốc sáng tạo một công ty truyền thông, ông giữ cho mình đôi mắt háo hức nhìn cuộc sống như một đứa trẻ với sự kinh ngạc mãi không vơi. Tôi buộc phải thốt lên: “Tuổi tác chỉ là con số, đúng không Henri?” để rồi bị ông bác ngay lập tức: “Đừng tự huyễn hoặc mình nữa, tuổi tác không chỉ là con số đâu”.

Một người trông còn trẻ trung như vậy, tại sao phải quan tâm đến ý niệm thời gian?

Tuổi tác cũng có nét đẹp của chính nó

“Ở mỗi độ tuổi, người ta đẹp theo một cách khác nhau. Một cô gái ở tuổi đôi mươi sẽ đẹp ở bờ mi cong, đôi má hồng. Đến tuổi 30, cô đẹp bởi sự nhiệt tình và hoài bão mình dành cho sự nghiệp. Người phụ nữ 40 thì lại khác, cái đẹp của cô được vun đắp bởi tình yêu của gia đình. Ở tuổi 50, ta có vẻ đẹp của “gái già” có nội dung, cái đẹp đến từ những thành đạt và va vấp trong cuộc đời.” – Henri Hubert lý giải. Tuổi tác giống như những cột mốc để khi người ta nhìn lại, họ sẽ thấy họ đã gặp ai, đạt được gì trong cuộc đời và đã “mặn mà” hơn ra sao.

“Tuổi trẻ là một món quà của tạo hóa, nhưng tuổi già lại là một công việc mang tính nghệ thuật” – Stanislaw Lec. Khi tích đủ nhiều, lượng sẽ biến thành chất. Ở một độ tuổi “chín” hoàn hảo, khi người ta đã có đủ sự trải đời, họ sẽ biết rộng lượng, sẻ chia và nâng đỡ kẻ khác đi qua đại lộ thênh thang của cuộc đời.

Trong sự Già Đi, có vẻ đẹp của sự Già Đời!

“Nếu biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu?” – Phạm Lữ Ân

Chỉ những ai nhận thức được quỹ thời gian của mình có hạn, họ mới có thể sống “sâu” từng ngày.

Sống “sâu”, trước hết là sống có trách nhiệm với sức khỏe của chính mình. Đừng để đến khi mắt không còn sáng, chân không còn nhanh, mắt không tinh anh và lục phủ ngũ tạng bắt đầu biểu tình lên tiếng, mới thốt lên câu nói “ giá như”. Khi còn trẻ, hãy cố gắng chăm sóc bản thân mình thật tốt để không phải hối tiếc về điều gì. Uống đủ nước, đi ngủ đúng giờ, đi bộ mỗi ngày 1 tiếng, cẩn trọng trong từng bữa ăn là những điều đơn giản bạn có thể bắt đầu ngay từ hôm nay.

Sống “sâu” còn là sống có trách nhiệm với người và với đời. Không ai đánh thuế lòng tốt, vậy ngại ngần gì mà không mở lòng hơn với những người xung quanh.

Dành thời gian nhiều hơn cho gia đình và bạn bè, bởi họ cũng như bạn, đều có “hạn sử dụng” ngắn ngủi của riêng mình. Bạn sống 80 năm, bạn sẽ không muốn phải để lại những hậu quả kéo dài hàng trăm năm cho Trái Đất, đúng chứ? Giảm thiểu rác thải nhựa hết sức có thể bạn nhé!

Và cuối cùng, xin bạn đừng quên, tuổi tác thật sự là con số.

Bài: PV

Nguồn Đẹp: https://dep.com.vn/dung-tu-lua-doi-minh-nua-tuoi-tac-khong-chi-la-con-so/