Dung tục hóa, 'hạ sách' cứu gameshow bớt nhạt?

Những câu hỏi, thử thách đầy phản cảm, tục tĩu ngày càng dày đặc trong gameshow. Điều đáng báo động, các gameshow này phát sóng trên đài truyền hình chính thống hẳn hoi chứ không đơn thuần là trôi nổi trên mạng.

Mới đây, trong tập 6 chương trình "Trí khôn ta đây" trên HTV, hai người chơi là Phạm Hy và Tôn Tuấn Kiệt phải đỏ mặt với một câu hỏi mẹo nhạy cảm. MC Sam rào trước: "Câu hỏi này suy nghĩ gần gũi thôi nha" rồi đọc: "Cái gì nằm giữa hai chân của người đàn ông?". Một thí sinh ngượng ngùng trả lời là cái đáy quần.

Tuy nhiên, câu trả lời không được chấp nhận vì theo lý luận của MC Sam: "Nhỡ người đàn ông đó không mặc quần thì sao vì có khi họ mặc nhưng cũng có lúc họ không mặc, nên không thể trả lời một cách chung chung như vậy được".

Cuối cùng, khi hai người chơi chịu thua thì đáp án của chương trình là hai mắt cá chân. Sau khi tập 6 phát sóng, chương trình đã vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của người xem. Dư luận cho rằng dù là câu hỏi mẹo nhưng sự mập mờ trong tầng nghĩa kèm cách nhấn nhá của câu hỏi dễ dàng khiến người khác nghĩ theo hướng đen tối, tục tĩu.

 "Siêu sao đoán chữ" bị liệt vào những chương trình nhảm nhí, tục tĩu.

"Siêu sao đoán chữ" bị liệt vào những chương trình nhảm nhí, tục tĩu.

Một gameshow truyền hình khác của HTV cũng bị khán giả "ném đá", đòi tẩy chay là "Nữ hoàng quyến rũ". Đây là chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm gương mặt người đẹp hiện đại. Trong tập 14, các thí sinh được đưa sang Nhật Bản để thực hiện thử thách chụp hình với bikini. Thị phạm là người mẫu Nhật Bản Natsumi Hirajima.

Những pha tạo dáng táo bạo của người mẫu này và dàn thí sinh khiến công chúng không khỏi "bỏng mắt". Họ tạo đủ tư thế uốn éo phản cảm, nếu không muốn nói là quá gợi dục. Đã vậy máy quay còn tích cực lia vào từng bộ phận của thí sinh."Nữ hoàng quyến rũ" chiếm khung giờ vàng (từ 20h35 đến 21h5 thứ hai hàng tuần) nên càng khiến người xem phẫn nộ bởi giờ đó có rất nhiều trẻ nhỏ cũng xem chương trình. Lùm xùm này buộc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử phải vào cuộc.

Gameshow "Cuộc đua kỳ thú" trên VTV thì không cắt bỏ phần thí sinh bị lộ ngực. Nạn nhân là Á hậu Hoàng Hạnh giải thích rằng do mình mặc áo cổ rộng và mải tham gia thử thách nên cô không để ý. Điều này làm người ta nhớ tới một tình huống trong chương trình truyền hình thực tế "Người giấu mặt" trước đây. Để đạt được số cân nặng mong muốn, thí sinh nữ điềm nhiên lột bỏ hết áo và dùng tay che ngực trần.

Kiểu câu hỏi, câu trả lời mang hàm ý thô tục hay hình ảnh thiếu tế nhị ngày càng lan tràn trên sóng truyền hình như một chiêu trò gây chú ý. "Siêu sao đoán chữ" được xem là một trong những chương trình nhảm nhí, vô bổ nhất. Tai hại hơn khi dàn người chơi đều là nghệ sĩ nổi tiếng. Cách đây vài năm, khi chương trình đưa câu hỏi "Nghệ sĩ Trung Dân đút đầu vào đâu và bị thương?", Hương Giang hồn nhiên trả lời "cầu tiêu". Điều này khiến nghệ sĩ Trung Dân giận tím mặt. Sau đó cô phải lên tiếng xin lỗi.

Năm nay, chương trình tiếp tục gây thảm họa và Hương Giang lại là nạn nhân. Cô bị kêu là ăn mặc như "chó cái" khi chương trình yêu cầu người chơi điền vào dấu ba chấm trong câu "Hương Giang kể lại rằng: "Khi tôi còn bé, thậm chí con chó cũng ghét tôi. Cách duy nhất để con chó đến gần tôi là tôi phải ăn mặc như một con(…)".

Gameshow "Ngôi sao tình yêu" cũng không kém cạnh với loạt câu hỏi liên quan đến chuyện tế nhị. Ban tổ chức từng đưa ra câu hỏi "Đến nhà người yêu chơi, thấy anh ấy đang cuốn khăn tắm, bạn nữ sẽ làm gì?" kèm ba câu trả lời: "Nói chuyện tự nhiên như mọi khi"; "Ngại ngùng kêu mặc quần áo"; "Xuýt xoa khen cơ thể đẹp". Người chơi chọn đáp án nào thì phải thể hiện tại chương trình đúng như thế.

Với cư dân mạng, họ đã quá ngán ngẩm trước những gameshow không khác gì phim 18+ trên YouTube. Đình đám nhất có "Date & Kiss" (tạm dịch: Hẹn hò và hôn), "Dare Pong", "Vitamin girl - Rút gạch xây tổ ấm", "Love Game"... Người chơi trong loạt chương trình này đều là nam thanh nữ tú chưa hề quen biết nhau. Thế nhưng, luật chơi của chương trình buộc họ phải thực hiện các thử thách "nóng bỏng" như ôm hôn, nằm ngủ cùng nhau, cởi quần áo hoặc dây nịt đối phương bằng răng, liếm kem trên người... Vì làn sóng phản ứng mạnh mẽ của đám đông, cuối cùng những chương trình này đều phải án binh bất động sau vài số phát sóng.

Những tưởng trên môi trường mạng khá tự do về kiểm duyệt mới dễ xuất hiện các chương trình dung tục như thế. Tuy nhiên, ngay trên sóng truyền hình cũng xuất hiện gameshow cho cặp đôi với độ thô thiển, phản cảm không hề kém cạnh. Vừa gặp nhau nhưng Mon 2K và chàng trai lạ đã khóa môi say đắm ở chương trình "Lựa chọn trái tim". Còn gameshow "Ngôi sao tình yêu" lại để người chơi nữ ăn mặc hở hang và đưa ra thử thách như buộc chàng trai tựa đầu vào ngực và đùi cô gái.

Khi bị lên án, các nhà đài cho rằng những điều trên không có gì to tát. Nhà sản xuất giải thích những hình ảnh bị kêu là gợi dục, đồi trụy trong tập 14 "Nữ hoàng quyến rũ" là hoàn toàn bình thường với một buổi chụp hình bikini. Còn đạo diễn của "Lựa chọn trái tim" thì phân trần mình cũng khá bất ngờ trước màn ôm hôn ngấu nghiến của Mon 2K nhưng sau đó lại thấy hành động của cô rất hợp lý vì đó là sự rung động thật của đôi trẻ.

Tuy nhiên, ý kiến này khiến dư luận không hài lòng vì những hình ảnh táo bạo, gợi cảm quá đà không phù hợp với văn hóa Việt Nam, đặc biệt là trình chiếu rộng rãi cho khán giả cả nước. Nhà đài là cánh cửa kiểm duyệt cuối cùng để chương trình chính thức lên sóng.

Thế nhưng, khâu kiểm duyệt này đang bị lơ là, dễ dãi. Ít ra ở các gameshow "người lớn" trên YouTube còn có dòng chữ cảnh báo về độ tuổi khán giả và khuyến cáo nội dung trước khi xem. Trong khi đó gameshow trên truyền hình chính thống lại vô tư trình chiếu mà không kèm bất cứ cảnh báo nào.

Gameshow "Nữ hoàng quyến rũ" có nhiều cảnh tạo dáng táo bạo của thí sinh.

Khi cuộc công nghiệp 4.0 đổ bộ ngày càng sâu rộng, dễ dàng nhận thấy gameshow truyền hình thực tế dần đuối sức. Nếu như giai đoạn năm 2011 - 2016, gameshow là "con cưng" của nhà đài thì đến nay nó bước vào giai đoạn thoái trào. Loạt chương trình như "Vietnam Idol", "Vietnam's Got Talent", "Gương mặt thân quen nhí", "Người hát tình ca"… đều bị dừng sản xuất vì sức nóng đã nguội lạnh. Rating sụt giảm khiến các nhãn hàng không còn quan tâm đến gameshow truyền hình mà đổ tiền quảng cáo vào các nền tảng giải trí trực tuyến như YouTube, Facebook...

Dù đã bão hòa nhưng nhà đài vẫn phải cắn răng làm gameshow bởi không làm thì không có gì để phát sóng thay thế. Do đó, họ dùng nhiều chiến thuật, chiêu trò hòng gây sự chú ý, lôi kéo khán giả. Vô hình chung, những chiêu trò này cổ xúy cho hành động dễ dãi, lối sống buông thả ở giới trẻ, đầu độc người xem. Họ sai lầm khi không nhận ra rằng: các gameshow có độ sốc nặng "đô" trên YouTube cũng phải sớm "dẹp tiệm" thì cách bắt chước này của gameshow truyền hình sớm muộn gì cũng bị công chúng chỉ trích và quay lưng.

Theo NSND Kim Cương, đành rằng gameshow là chương trình giải trí nhưng giải trí cũng phải lành mạnh. Chính vì xuất hiện của quá nhiều gameshow nhảm nên bà luôn từ chối các lời mời tham gia từ nhà sản xuất.

Trên hết, dù đó là chương trình gì, điều khiến khán giả yêu mến, gắn bó với chương trình chính là tiết mục chất lượng, câu chuyện tử tế, nhân văn. "Thách thức danh hài" là một minh chứng sống động. Nếu những mùa trước, "Thách thức danh hài" bị chê là nhảm nhí, lố lăng thì càng về các mùa sau, chất lượng thí sinh và các tiết mục đã được nâng lên.

Sự xuất hiện của 5 chú tiểu nhóm "Bồng Lai" hay cô bé sún răng Ngân Thảo đều được khán giả nhiệt tình hưởng ứng. Không chỉ mang đến tiết mục hấp dẫn mà các thí sinh còn mang trong mình câu chuyện cảm động trong khi ban tổ chức, ban giám khảo có nhiều ứng xử đong đầy tình người. Nhờ vậy, hai năm nay, "Thách thức danh hài" trở thành một trong những gameshow đạt chất lượng rating ngất ngưởng, thu hút sự chờ đón của khán giả.

Phan Thi Uyên

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/dung-tuc-hoa-ha-sach-cuu-gameshow-bot-nhat-585341/