Dựng tượng Lạc Long Quân: Lại như tượng vua Hùng?

Quốc tổ Lạc Long Quân là một nhân vật huyền thoại do trí tưởng tượng của nhân dân ta, việc dựng tượng càng phải được hỏi ý kiến nhân dân.

Bắc Ninh khởi công đúc tượng Quốc tổ Lạc Long Quân từ chiều ngày 21/1. Bức tượng bằng đồng được hoàn thành sau 3 tháng, và được thờ tại đình làng Đoan Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình.

Người dân Bắc Ninh đúc tượng Quốc tổ Lạc Long Quân.

Người dân Bắc Ninh đúc tượng Quốc tổ Lạc Long Quân.

Trao đổi về việc này, GS. Hoàng Chương - GĐ Trung Tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cho rằng, để đúc được bức tượng phù hợp với tâm thức người dân là rất khó. Bởi lẽ, nhân vật huyền thoại là những nhân vật không có thật, được sinh ra trong tưởng tượng của nhân dân, thân thiết, gắn bó với mỗi con người nhưng lại không có mẫu hình nào cả. Người Việt Nam nào cũng biết Lạc Long Quân nhưng không ai trông được mặt mũi, dáng vóc ra sao.

"Tạo ra một nhân vật anh hùng không có thật chắc chắn hình mẫu phải tùy sự sáng tạo của người họa sỹ. Điều này rất khó bởi cả những nhân vật lịch sử có thật cũng rất khó khăn để tạc sao cho giống thật' - GS Hoàng Chương thẳng thắn.

Một bức tem cổ lấy hình Hoàng đế Quang Trung.

Ông lấy ví dụ, Hoàng đế Quang Trung là một nhân vật lịch sử có thật ở thời cận đại nhưng không có hình ảnh để lại. Các nhà tạc tượng cũng phải hình dung, sáng tạo dựa trên các tư liệu nên rất khác nhau.

Họa sĩ Vương Duy Biên- tác giả mẫu tượng Hưng Đạo Đại Vương tại Nam Định- đã tạc ra 3 mẫu tượng vua Trần Hưng Đạo để gửi tới cuộc thi chọn mẫu ở TP. Quy Nhơn, Bình Định. Nhưng ở đây không chấp nhận bức tượng mẫu này. Bức tượng vua Quang Trung tại Bình Định cũng có dáng vóc, khuôn mặt khác với bức tượng vua Quang Trung lẫm liệt ở gò Đống Đa (Tây Sơn, Hà Nội)...

Có những mẫu vua Quang Trung được lấy từ các tư liệu của lược sử Trung Quốc nên cũng khác hẳn.

"Vua Trung Hoa Càn Long từng kinh ngạc trước trận đánh tan 29 vạn quân Thanh của vua Quang Trung đã sai sứ giả mời vua Quang Trung sang nhà Thanh dự lễ mừng thọ. Vua Quang Trung đã sai cháu của mình, có những nét mặt gần giống mình để đi thay. Sau khi diện kiến, vua Càn Long mới sai họa sĩ Trung Hoa vẽ lại bức chân dung vua Quang Trung và nhiều nơi vẫn sử dụng bức họa đó để làm hình ảnh cho Hưng Đạo Vương. Tuy nhiên, đương nhiên, đó không phải là bức hình của Hưng Đạo Đại Vương thật" - GS. Hoàng Chương kể lại.

Như vậy, trong mỗi cuộc thi chọn lựa mẫu tượng để tạc, bức được chọn cũng chưa phải là bức đẹp, cũng chưa hẳn đã là bức ảnh phản ánh đúng sự thật lịch sử.

"Lót tay" để được chọn mẫu tạc tượng

Thực tế qua nhiều cuộc thi chọn mẫu để tạc tượng GS. Hoàng Chương đã trải qua xưa nay, nhiều Hội đồng đánh giá lựa chọn bức mẫu dù ông không cho là xuất sắc, còn bởi yếu tố "lót tay". Bức vẽ của họa sĩ được chọn có thể không đẹp bằng những tác phẩm khác, nhưng vẫn được lựa chọn bởi đã được tiền bôi trơn.

Bởi việc dựng một bức tượng là một dự án. Mà dự án thì sẽ có tiền. Đã có nhiều trường hợp chạy tiền để mẫu của mình được chọn làm mẫu dù không thực sự xuất sắc.

Ví như, tượng tạc ông tổ của nghệ thuật tuồng Việt Nam - Đào Tấn (1845-1907) đã được tạc thành tượng rồi nhưng gia đình, con cháu của cụ Đào Tấn lại không công nhận đó là tượng tạc cụ. Bởi cụ Đào Tấn là có ảnh vẽ lại, chụp lại thật. Còn có cả người sống gần thời của cụ hiện nay vẫn còn sống xác thực là không giống người trong lịch sử.

Hay ở trường hợp nhà soạn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (1853-1926) ở đất Quảng Nam, cụ có các tư liệu tranh ảnh lưu giữ lại nhưng bị lưu lạc, con cháu cũng không còn tìm thấy bức ảnh nào để lưu lại chân dung của cụ.

Bức ảnh vẽ lại chân dung cụ Nguyễn Hiển Dĩnh.

"Khi ấy" - GS. Hoàng Chương nói - "Tôi nhờ một cậu họa sỹ ở cơ quan tôi - Họa sỹ Hoàng Nguyên Ái chỉ nhìn mặt con cháu, cháu nội, cháu ngoại.. để tưởng tượng và vẽ lại chân dung của ông Nguyễn Hiển Dĩnh. Hiện nay, bức ảnh thờ tại nhà hát tuồng Đà Nẵng chính là bức vẽ của họa sĩ này tưởng tượng ra, báo chí thường xuyên đăng ảnh của họa sĩ này mặc dù không phải là bức vẽ người thật".

Theo ông Chương, nói vậy để thấy rằng, khi vẽ một nhân vật lịch sử vốn đã rất khó, cần phải có thời gian tìm hiểu về cuộc đời, những tính cách, khí phách của người đó chứ không phải đơn giản chỉ đoán mò mà vẽ. Huống chi nhân vật huyền thoại như Quốc tổ Lạc Long Quân, không có ai trông thấy, không ai chiêm ngưỡng, cũng không ai biết đến con cháu đời sau thì khó đến nhường nào.

"Tượng Quốc tổ Lạc Long Quân có hình ảnh dáng vóc gương mặt, hình thể ra sao là cả một vấn đề. Cần có nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ... cùng tham gia và cùng chấp nhận hình mẫu được chọn, đáp ứng các nguyện vọng của nhân dân. Không thể tùy tiện để lựa chọn, tạc một người đẹp nguy nga lộng lẫy rồi đặt tên đó là Quốc tổ Lạc Long Quân. Bức tượng vừa phải đẹp, vừa tôn trọng khoa học lịch sử mà vừa phải nhận được sự hài lòng của nhân dân. Đó mới là khoa học nghệ thuật thực sự" - GS. Hoàng Chương nhận định.

Kết luận, GS. Hoàng Chương cho rằng, ở mỗi khâu tổ chức dựng tượng một nhân vật lịch sử hoặc nhân vật huyền thoại, cần tổ chức các cuộc thi phác thảo họa tiết chân dung người đó, công bố rộng rãi các sản phẩm dự thi và thật minh bạch để ý kiến của nhân dân được ghi nhận, được đóng góp chung vào những sản phẩm sáng tạo của nhân dân. Việc lấy ý kiến của nhân dân sẽ càng có ý nghĩa hơn, ngoài ra, có thể còn tìm ra các kẽ hở trong khâu tổ chức, có hiện tượng hối lộ hay không?

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/dung-tuong-lac-long-quan-lai-nhu-tuong-vua-hung-3328000/