Đừng tưởng người trẻ vô tâm, họ có cách lưu giữ Tết rất riêng cho mình

Cứ đến năm mới, người trẻ lại bị gắn mác vô tâm, 'dám' bỏ qua nhiều nghi thức cổ truyền của cha ông. Thực ra, bạn trẻ vẫn rất trân trọng Tết, nhưng theo cách riêng của họ.

Mỗi độ xuân về, khi tiếng reo vui còn chưa kịp xuất hiện, tiếng thở dài từ cả người lớn lẫn người trẻ đều đồng loạt cất lên. Bố mẹ, ông bà tỏ ra phiền lòng vì con cháu không nhiệt tình tham gia lễ lạc, thăm hỏi như thế hệ cũ, khiến Tết nay bớt vui hơn Tết xưa. Trong khi đó, người trẻ sợ hãi khi nghĩ đến những câu hỏi tế nhị, liên quan đến chuyện tình cảm và lương thưởng cá nhân.

“Bọn mình không lạnh nhạt với Tết, trái lại còn rất trân trọng và háo hức chờ Tết chẳng kém gì người lớn. Chỉ có điều, bọn mình muốn được đón Tết theo cách riêng của bản thân, với sự tận hưởng và bắt trọn từng khoảnh khắc, từng phút giây”, một bạn trẻ bộc bạch.

“Suốt ngày chỉ dán mắt vào cái điện thoại, chẳng chịu gặp ai, hỏi thăm ai…” là câu phổ biến mà phụ huynh thường dùng để nhận xét về con cháu trong mỗi buổi gặp mặt đầu năm.

Chú Chiến Thắng (quận 3, TP.HCM) kể về “hoàn cảnh” Tết của đại gia đình mấy năm nay: “Kể từ khi điện thoại thông minh phổ biến, từ trẻ con tới người lớn lúc nào cũng kè kè nó bên cạnh, thành ra những buổi tụ tập ăn uống đại gia đình cuối năm trở nên thiếu vắng tiếng thăm hỏi. Ai cũng lăm lăm chiếc điện thoại trên tay, hỏi mật khẩu Wi-Fi”.

Những “vấn nạn” khác, thường được người lớn đem ra kể là chuyện người trẻ hiện đại ít quan tâm tới các tập tục ngày lễ, không hào hứng thăm hỏi làng xóm, người thân, ngại tiếp chuyện với ông bà, không có thói quen lì xì cho trẻ con… “Cứ bảo sao Tết nay không vui như Tết xưa, bởi vì tụi nhỏ giờ chỉ thích chat chit, không thích nói chuyện ngoài đời”, cô Thu Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) than thở.

Thế nhưng, trái với quan điểm “giới trẻ vô tâm với Tết” của người lớn, nhiều bạn trẻ đã phản biện lại một cách hợp tình hợp lý.

Biết ông là người thích chăm sóc cây cảnh, anh chàng đã chịu khó tìm kiếm các clip hướng dẫn trồng một số loại hoa hiếm, định bụng Tết qua nhà ông sẽ cho ông xem. “Mình chỉ muốn tìm lại clip YouTube rất thú vị muốn cho ông ngoại xem, vậy mà bị bố mắng là sao dám làm ngơ khi ông đang hỏi thăm”, bạn Minh Anh (quận Hà Đông, Hà Nội) kể lại dịp Tết năm trước.

Nhiều người trẻ khác khẳng định, “Tết không có nghĩa là phải tắt điện thoại, ngắt kết nối”. Họ cho rằng quan niệm đó đã sai lầm và không còn phù hợp trong thời đại 4.0.

“Mọi thứ thật vô bổ nếu bạn chỉ cắm mặt vào điện thoại để chat chit hay lướt Facebook mà chẳng làm gì cụ thể. Ngày nay, công nghệ đang phục vụ rất hữu ích cho con người. Với những người trẻ biết tận dụng công nghệ, Tết sẽ trở nên vui hơn rất nhiều. Đôi khi, bọn mình còn muốn giới thiệu những niềm vui này cho bố mẹ, ông bà nữa”, Minh Anh nhấn mạnh.

Một trong những tính năng hữu ích nhất của công nghệ chính là kết nối, đây cũng là mục đích lớn nhất của ngày Tết - đưa mọi người lại gần nhau, gặp gỡ và thăm hỏi. Người trẻ hiện đại luôn có sẵn smartphone cấu hình cao, kết nối 4G, tài khoản mạng xã hội cùng nhiều ứng dụng OTT khác. Hơn ai hết, họ chính là những người kết nối giỏi nhất.

Bạn Hải Anh (quận 4, TP.HCM) cho biết, Tết năm ngoái, bạn bỗng dưng lăn ra sốt tới 40 độ đúng ngày mùng Một Tết nên phải nằm nhà đắp chăn, trong lúc cả gia đình đi một vòng nội, ngoại chúc Tết.

“Tuy không thể đến tận nơi, nhưng mình đã dặn em trai đi tới nhà nào cũng lập tức gọi video call cho mình, để mình có thể trực tiếp chúc Tết ông bà, cô dì, chú bác. Cô nàng còn hài hước tiết lộ không quên bật chế độ làm đẹp, để mặt mũi trông vẫn hồng hào, xinh tươi trước mặt người lớn.

Nhờ smartphone, khoảng cách về địa lý đã phần nào được xóa nhòa, những người con xa xứ không thể về nhà ăn Tết cũng vơi đi cảm giác cô đơn trong ngày năm mới. Như trường hợp của bạn Quang Minh (quận Đống Đa, Hà Nội), vừa lĩnh thưởng Tết đầu tiên trong đời đã lập tức mua tặng mẹ một chiếc điện thoại Galaxy A20s để gọi video call cho bố - đang làm việc tại nước ngoài và không kịp về ăn Tết năm nay.

“Bố mẹ mình đều mới hơn 50 tuổi, vẫn còn đủ trẻ để sống trong thời đại 4.0. Ngày trước, thấy mẹ cứ phải canh giờ gọi điện cho bố vì múi giờ lệch, lại sợ tốn tiền cước điện thoại đi quốc tế, mình thấy xót ruột lắm. Giờ có chiếc Galaxy A20s bầu bạn, hai cụ tha hồ chat chit, gọi điện xuyên Tết. Không khí năm mới của gia đình cũng trở nên rôm rả hẳn”, Minh phấn khởi cho biết. Anh chàng thậm chí không phải đầu tư quá nhiều tiền cho “niềm vui” của bố mẹ, bởi dịp Tết này, Samsung có chương trình trả góp 0%, chỉ cần trả trước từ 990.000 đồng khi mua Galaxy A30s, A50s, A51, và từ 99.000 đồng đối với Galaxy A10s, A20s.

Từ những lợi ích trên, người trẻ cho rằng, Tết sẽ vui nếu xuất phát từ bản thân mỗi người, từ những cuộc gặp gỡ không có những câu hỏi tế nhị, từ những tâm hồn đồng điệu. Công nghệ không phải thứ “phá đám” Tết, ngược lại, chúng làm cho ngày đầu năm mới thêm nhiều màu sắc hơn.

Một hành động khác được người trẻ đưa ra làm bằng chứng cho tình yêu với Tết của họ, chính là từ vô vàn những bức ảnh “sống ảo”, được chụp và đưa lên mạng xã hội suốt dịp đầu năm mới.

“Nếu vô tâm với Tết, liệu bọn con có muốn lưu lại nhiều khoảnh khắc năm mới như vậy không?”, bạn Hải Anh đặt ngược lại câu hỏi cho người lớn.

Quả thật, cứ đến 3 ngày Tết, trang cá nhân của bạn trẻ nào cũng trở thành “cuộc thi gia đình đẹp nhất”. Không chỉ chăm chỉ khoe hình ảnh cả nhà xúng xính áo quần mới đi chúc Tết, tạo dáng với vườn hoa, phố đi bộ, bạn trẻ còn cực kỳ thích thú với những bình luận của dân mạng: Bố mẹ vẫn trẻ nhỉ, Các bác sành điệu hơn con rồi, Áo dài mua đâu đẹp thế em?… Việc du xuân đầu năm của gia đình bỗng trở nên thú vị hơn hẳn.

Niềm vui ngày Tết còn đến từ những món quà bất ngờ mà mọi người tặng nhau. “Sao cứ phải lì xì? Năm nay mình tặng hẳn cho cô em gái chiếc Galaxy A20s, tha hồ chụp ảnh với cụm 3 camera”, bạn Thảo Quyên (quận Tân Bình, TP.HCM) khoe.

Với camera chính 13 MP, camera góc siêu rộng 8 MP, camera xóa phông 5 MP, Galaxy A20s là chiếc điện thoại lý tưởng để phục vụ nhu cầu lưu lại khoảnh khắc ngày Tết đa dạng của gia đình, từ chụp selfie xóa phông, chụp ảnh đại gia đình, hay ảnh du lịch… Ngoài ra, máy cũng tích hợp tính năng chia sẻ hình ảnh, giúp cả nhà lưu trữ toàn bộ ảnh trên mạng, để cùng mở ra xem lại bất cứ lúc nào.

Đây cũng là tính năng được lòng cả người trẻ lẫn bố mẹ, ông bà. Bằng cách này, khi bạn ở xa không thể về nhà ăn Tết, hay đi du lịch vào đầu năm, thì việc được cập nhật liên tục hình ảnh vui vẻ, hạnh phúc sẽ giúp người thân yêu có cảm giác vẫn được kết nối với bạn.

“Mỗi khi gần hết năm, mình thường chọn ra khoảng 20 bức ảnh, gắn liền với các sự kiện quan trọng của năm qua, như lần tăng lương, ra mắt gia đình bạn trai, đi chơi nước ngoài… thành một album tổng kết để khoe với bố mẹ. Qua đó, bố mẹ yên tâm hơn khi thấy được từng bước trưởng thành của mình”, Hải Anh bật mí. Cô nàng này còn “tâm lý” tới mức sắm cho mẹ một chiếc Galaxy A20s, sở hữu màn hình rộng 6,5 inch, vừa rộng rãi, hiển thị màu sắc, độ sáng rõ nét, để bố mẹ thấy sự trưởng thành của mình rõ hơn.

Rõ ràng, với người trẻ, Tết không chỉ là dịp để xả hơi, mà còn cơ hội để người trẻ thể hiện sự quan tâm tới người thân, gia đình, sau một năm xa nhà, hay quá bận rộn để có được những bữa họp mặt đông vui.

Là những người trẻ hiện đại, họ có cách riêng để thể hiện tình yêu với Tết, với ông bà, bố mẹ của mình. Người lớn tuổi đừng vội cho rằng người trẻ vô tâm, đừng vội gán cho họ là nguyên nhân của việc Tết nay không còn vui như Tết xưa. Tết vẫn luôn là ngày lễ cổ truyền đầy ý nghĩa và được mong chờ nhất, dù ở bất kỳ thế hệ nào.

Hãy nhìn cách người trẻ nâng niu ngày Tết qua cách họ lưu giữ từng khoảnh khắc, cách họ luôn giữ kết nối với mọi người, người lớn sẽ hiểu “lũ con cháu” yêu Tết nhiều đến thế nào. Tết là gia đình, đoàn tụ, là những cảm xúc thiêng liêng mà ai cũng muốn lưu giữ trọn vẹn.

Giang Quốc Hoàng
Đồ họa: Anh Nguyễn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dung-tuong-nguoi-tre-vo-tam-ho-co-cach-luu-giu-tet-rat-rieng-cho-minh-post1038461.html