Dựng tượng vua làm biểu tượng công lý: Không phù hợp hình thức, ý nghĩa lịch sử

Luật sư cho rằng việc TAND tối cao lấy hoàng đế Lý Thái Tông là biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử là không phù hợp cả về mặt hình thức và ý nghĩa lịch sử.

Ngày 20/2, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thống nhất tôn vinh hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử. Cùng với đó, TAND tối cao cũng tổ chức lấy ý kiến cán bộ công chức ngành tòa án đối với 3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông để đặt tại trụ sở TAND tối cao, trụ sở tòa án quân sự và tòa án các cấp.

Theo thuyết minh của TAND tối cao, vua Lý Thái Tông là người ban hành bộ “Hình thư” - Bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; vua Lý Thái Tông đã trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ…

Việc lựa chọn vua là biểu tượng công lý, dựng tượng tại trụ sở tòa án được TAND tối cao kỳ vọng là công trình có ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc, nghệ thuật; góp phần thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp.

Có 3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông đang được gửi lấy ý kiến cán bộ ngành tòa án. Dự kiến tượng được đúc bằng đồng đỏ mắt cua truyền thống, kích thước chiều cao là 5,3m.

Một trong 3 mẫu phác thảo được TAND đưa ra lấy ý kiến bị cho là không phù hợp khi tay phải vua cầm cuốn Hình thư, tay trái cầm cán cân công lý (vốn là biểu tượng của phương Tây).

Một trong 3 mẫu phác thảo được TAND đưa ra lấy ý kiến bị cho là không phù hợp khi tay phải vua cầm cuốn Hình thư, tay trái cầm cán cân công lý (vốn là biểu tượng của phương Tây).

Trả lời PV VTC News về việc này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc TAND tối cao vua Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử cần phải được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở pháp luật và lịch sử văn hóa dân tộc.

"Việc đặt tượng có cần thiết hay chỉ cần tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định đang là nhiệm vụ cấp bách trong tình hình hiện nay", ông Thơm nêu quan điểm.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, xét về hình thức, chức danh vua hay hoàng đế thời phong kiến có vị trí ngang như chế định Chủ tịch nước trong hệ thống pháp luật nước ta hiện nay.

Như vậy, nếu TAND tối cao lấy nhân vật hoàng đế Lý Thái Tông là biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử là không phù hợp cả về mặt hình thức và ý nghĩa lịch sử dân tộc.

Ông Thơm cho rằng, nếu TAND Tối cao cần có một biểu tượng công lý thì có thể xét đến các nhân vật tương ứng như Quan ngự sử hay những nhân vật khác thì sẽ phù hợp hơn với vị trí, vai trò trong hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước.

"Nếu các Cơ quan quyền lực Nhà nước khác cũng đều tự mình lựa chọn một biểu tượng công lý là một nhân vật lịch sử thì sẽ ra sao trong khi ngành Tòa là một vị Hoàng đế Lý Thái Tông?", luật sư Thơm đặt câu hỏi.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, trong tình hình hình hiện nay, nếu TAND Tối cao cần thiết phải dựng tượng thì nên đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị anh hùng giải phóng dân tộc đã có công rất lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và cũng là biểu tượng cho sự anh minh, cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư mà bất kỳ ngành nào cũng phải học tập.

Xuân Trường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tin-tuc-24h/dung-tuong-vua-lam-bieu-tuong-cong-ly-khong-phu-hop-hinh-thuc-y-nghia-lich-su-ar542701.html