Dừng tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam | Hà Nội tin mỗi chiều

Dừng tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; Chỉ số PAPI của Hà Nội cao nhất 5 thành phố trực thuộc Trung ương; Ngày 10/10, Bệnh viện Nhi Hà Nội sẽ khánh thành... là những thông tin sẽ có trong chương trình hôm nay.

Dừng tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam

Một thông tin thu hút sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh, đó là Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam sẽ chính thức dừng tuyển sinh học sinh lớp 6 ngay trong năm học tới.

Năm 2023, Bộ GD&ĐT có Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên. Theo đó, các trường THPT chuyên sẽ không còn lớp không chuyên. Và đương nhiên, các lớp THCS không chuyên trong các trường chuyên cũng phải ngừng tuyển sinh.

Nghị quyết số 02 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 8 năm 1996 yêu cầu không tổ chức trường chuyên ở tiểu học và THCS. Dù vậy, hiện nay, một số trường THPT chuyên vẫn tồn tại khối THCS. Ngoài trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam ở Hà Nội, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa ở TP.HCM cũng có hệ THCS. Việc tuyển sinh lớp 6 các trường này đều do Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp giao chỉ tiêu, hướng dẫn thực hiện. Ngoài ra, dù không còn tên gọi trường chuyên, nhiều địa phương vẫn có các trường trọng điểm, trường chất lượng cao, đó là cách gọi khác, gọi né.

Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam sẽ chính thức dừng tuyển sinh học sinh lớp 6 ngay trong năm học tới..

Việc ngừng tuyển sinh lớp 6 của Trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam và Trường chuyên Trần Đại Nghĩa không phải là việc muốn hay không, mà là quy định đã ban hành có hiệu lực thì phải thực thi.

Hằng năm, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 vào Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam khoảng 200 em, song có khoảng 3.000 học sinh cấp tiểu học đăng ký dự tuyển. Không ít các học sinh đã phải ôn luyện từ khi bước chân vào tiểu học để có thể vào các trường chuyên, lớp chọn này. Việc dừng tuyển sinh hệ THCS tại các trường có thể gây tiếc nuối cho không ít các bậc phụ huynh và học sinh, nhưng về góc độ giáo dục, dừng tuyển sinh là việc nên làm.

Theo quyết định của UBND TP.HCM, Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa tách thành hai trường độc lập gồm trường chuyên và Trường liên cấp THCS, THPT Trần Đại Nghĩa. Như vậy, hệ THCS của trường liên cấp Trần Đại Nghĩa sẽ vẫn tuyển sinh lớp 6 cho năm học 2024-2025 mà không bị gián đoạn.

Còn tại Hà Nội, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Hà Nội làm đúng các quy định về tuyển sinh trong trường chuyên, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết sẽ tham mưu cho thành phố, đề xuất xin cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, đại diện Sở cho biết, cơ chế đặc thù để tiếp tục tuyển sinh chưa thể thực hiện trong năm học 2024-2025 do tháng 7 tới Luật Thủ đô mới được thông qua.

Chỉ số PAPI của Hà Nội cao nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương

Hà Nội đạt tổng điểm chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) cao nhất 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Đó là thông tin vừa được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức công bố sáng nay (2/4).

Chỉ số PAPI của Hà Nội cao nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương

Năm 2023, PAPI tiếp tục được thực hiện ở 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử. Có gần 20 nghìn người dân ở 63 tỉnh, thành phố đã tham gia trả lời câu hỏi khảo sát PAPI.

Hà Nội có 4 chỉ số nội dung nằm trong nhóm điểm cao gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; cung ứng dịch vụ công; quản trị điện tử. Một chỉ số nội dung nằm trong nhóm thấp là quản trị môi trường cấp tỉnh.

Hà Nội có rất nhiều chỉ số trong nhóm dẫn đầu, nhưng theo Bà Đỗ Thanh Huyền - chuyên gia phân tích chính sách công Chương trình phát triển Liên hợp quốc: chỉ số PAPI không xếp hạng các địa phương, do đó, thành phố Hà Nội cần nhìn sâu vào từng chỉ tiêu chứ không phải là thứ hạng.

Những năm qua, chỉ số PAPI đã thể hiện khá rõ nét, chính xác, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh dựa trên sự trải nghiệm, đánh giá thực tế của người dân khi tương tác với chính quyền các cấp. Mặc dù PAPI không phải là tiếng nói của tất cả người dân tại địa phương khảo sát nhưng cũng đã thể hiện khá sát thực khả năng quản trị, điều hành cũng như tinh thần, thái độ phục vụ người dân của chính quyền các cấp.

Khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, có tới hơn 75% nội dung trong Chỉ số PAPI liên quan chặt chẽ với trách nhiệm trực tiếp của UBND xã, phường, thị trấn. PAPI được xây dựng trên triết lý coi người dân là khách hàng của cơ quan công quyền. Họ có đủ năng lực giám sát và đánh giá tính hiệu quả của công tác quản trị và hành chính công ở địa phương. Do đó, muốn cải thiện Chỉ số PAPI của thành phố Hà Nội thì chủ yếu cần cải thiện từ chính chất lượng hoạt động của chính quyền cấp xã. Xây dựng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tác phong làm việc thực sự khoa học, vì dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa chính quyền đến gần với người dân hơn.

Ngày 10/10, Bệnh viện Nhi Hà Nội sẽ khánh thành

Bệnh viện Nhi Hà Nội sẽ khánh thành đúng dịp giải phóng thủ đô 10/10 và bệnh viện sẽ chính thức đi vào hoạt động và đón bệnh nhân từ 1/1/2025.

Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội giai đoạn 1 tại phường Yên Nghĩa, (quận Hà Đông, Hà Nội) được khởi công vào cuối tháng 2/2022. Mục tiêu của dự án nhằm bảo đảm cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng và trang thiết bị y tế, tạo điều kiện thuận lợi để Bệnh viện Nhi Hà Nội thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; góp phần giãn mật độ và giảm số giường bệnh nhi cho các bệnh viện đa khoa trong nội thành.

Đây là công trình trọng điểm giai đoạn 2020 - 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết: “Chúng ta phải đề ra khung tiến độ rõ ràng, mang tính khả thi. Khi khánh thành công trình, các trang thiết bị cơ bản phải có. Còn với các trang thiết bị khác, chậm nhất phải lắp đặt xong trong năm nay”.

Phối cảnh Bệnh viện Nhi Hà Nội. Ảnh: Đơn vị thiết kế

Theo ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội, dự kiến thời gian đầu công suất hoạt động nội trú là 50% với 8 phòng chức năng, 12 khoa lâm sàng và 9 khoa cận lâm sàng. Riêng về nhân sự, hiện Bệnh viện Nhi Hà Nội đã có một Phó Giám đốc phụ trách. Sở Y tế đang nhanh chóng tuyển dụng nhân sự, thành lập bộ khung để bệnh viện hoạt động hiệu quả. Trước mắt, nhân lực sẽ được huy động từ các bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Thủ đô, như: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba.

Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, bệnh viện được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải cho Bệnh viện Nhi Trung ương và các tỉnh lân cận, đáp ứng sự nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân Thủ đô và khu vực phía Bắc.

Xây dựng bệnh viện mới, ứng dụng công nghệ để giảm chờ đợi, tuy nhiên, nếu không nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới, người bệnh ồ ạt lên tuyến trên thì việc giải quyết quá tải vẫn chỉ ở phần ngọn. Kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc đầu tư chăm sóc sức khỏe ban đầu có hiệu quả hơn nhiều lần so với việc đầu tư cho kỹ thuật cao ở tuyến trên. Do đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến y tế cơ sở là giải pháp tối ưu và lâu dài trong vấn đề giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại địa phương.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/dung-tuyen-sinh-lop-6-truong-thpt-chuyen-ha-noi-amsterdam-ha-noi-tin-moi-chieu-230104.htm