Dựng xây Tổ quốc với tinh thần ''Chiến thắng Điện Biên Phủ''

Năm 1954, trên chiến trường Tây Bắc của Tổ quốc, quân và dân Việt Nam đã đạp bằng mọi khó khăn gian khổ, nêu cao bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh đại đoàn kết, mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của quân Pháp. Qua đó, lập nên chiến công lừng danh lịch sử, 'chấn động địa cầu'.

Chiều 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đánh dấu Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh tư liệu

Chiều 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đánh dấu Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh tư liệu

1. Không lâu sau ngày Việt Nam tuyên bố độc lập, thực dân Pháp trở lại xâm lược Đông Dương. Với niềm tin to lớn cùng ý chí sắt đá “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, toàn thể nhân dân Việt Nam cùng nhau đoàn kết dưới ngọn cờ của Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, đã anh dũng kiên cường chiến đấu, từng bước đập tan các chiến lược chiến tranh của thực dân Pháp.

Đến năm 1953, sau 8 năm theo đuổi chiến tranh xâm lược, dân Pháp vẫn phải chịu những thất bại nặng nề. Lợi dụng tình thế đó, đế quốc Mỹ tăng cường can thiệp, ra sức viện trợ cho thực dân Pháp mở rộng cuộc chiến tranh. Mùa hè năm 1953, tướng Nava được cử làm Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương. Tháng 7-1953, Chính phủ Pháp thông qua kế hoạch quân sự mới do tướng Nava đề ra (còn gọi Kế hoạch Nava), mà nội dung cơ bản là tập trung xây dựng khối chủ lực mạnh, có khả năng cơ động cao, mở cuộc tiến công chiến lược giành thắng lợi quyết định, kết thúc chiến tranh theo điều kiện có lợi. Thực hiện kế hoạch quân sự mới đề ra, thực dân Pháp bổ sung quân viễn chinh. Chỉ sau một thời gian ngắn, trên chiến trường Đông Dương, địch đã củng cố, xây dựng được 84 tiểu đoàn cơ động chiến lược, trong đó tập trung 44 tiểu đoàn ở Đồng bằng Bắc Bộ.

2. Trước âm mưu của địch, tháng 9-1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp bàn, đề ra chủ trương chiến lược của ta trong Đông Xuân 1953-1954 là: Tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó, tạo điều kiện thuận lợi cho ta đẩy mạnh hoạt động làm phá sản Kế hoạch Nava. Đây là chủ trương rất đúng đắn, sáng tạo, mở đường đi tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra, từ cuối năm 1953 đến đầu năm 1954, quân và dân Việt Nam phối hợp chặt chẽ với lực lượng kháng chiến Lào và Campuchia mở các cuộc tiến công trên khắp chiến trường Đông Dương (Tây Bắc, Thượng Lào, Trung Lào, Tây Nguyên…) buộc Pháp phải phân tán lực lượng đối phó. Phát hiện một bộ phận chủ lực ta tiến lên Tây Bắc (11-1953), Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp vội vã huy động lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhằm thu hút và đánh bại chủ lực của quân đội ta. Đến đầu tháng 3-1954, quân Pháp tập trung tại Điện Biên Phủ lên đến 16.200 tên, bố trí thành một hệ thống phòng ngự gồm 49 cứ điểm, với nhiều loại trang bị, vũ khí hiện đại. Cả Pháp và Mỹ đều đánh giá Điện Biên Phủ là “pháo đài không thể công phá”.

Về phía ta, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ - đòn quyết chiến chiến lược nhằm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ta đã tập trung tổng số 55.000 quân; động viên trên 260.000 dân công; sử dụng 628 xe ô tô, 21.000 xe đạp thồ cùng hàng ngàn phương tiện thô sơ khác; huy động 27.400 tấn gạo cùng hàng ngàn tấn vật chất khác...

Trước thử thách ngặt nghèo của lịch sử, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam tiếp tục tỏa sáng. Sau khi nghiên cứu, nắm bắt lại tình hình các mặt, Bộ Tư lệnh chiến dịch (đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp) quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” trước đó sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là quyết định xoay bản lề, trực tiếp dẫn đến thắng lợi của chiến dịch.

Ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công, mở màn chiến dịch. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng mãnh, khắc phục muôn vàn gian khổ hy sinh, “gan không núng, chí không mòn”, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (ngày 7-5-1954), bắt sống tướng chỉ huy De Castries, kết thúc thắng lợi trận quyết chiến chiến lược.

Với thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Việt Nam buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (ngày 21-7-1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ 9 năm (1945-1954)...

Kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta thêm nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về tầm vóc chiến công huy hoàng ấy. Đó là thắng lợi của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay, chúng ta cần tiếp tục vận dụng sáng tạo những bài học, kinh nghiệm quý báu đúc rút được. Đó là giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân...

Thiếu tá, Tiến sĩ Trần Hữu Huy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1063481/dung-xay-to-quoc-voi-tinh-than-%E2%80%98%E2%80%99chien-thang-dien-bien-phu%E2%80%99%E2%80%99