Dùng xe công đón người nhà phạt 10-20 triệu: Ai dám phạt?

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, quy định xử phạt hành vi dùng ô tô công vào mục đích riêng nghe thì hay nhưng khó thực thi.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 63 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, kho bạc nhà nước.

Theo Nghị định trên, mức phạt tiền đối với hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, công năng của tài sản là từ 1 triệu đến 100 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm.

Riêng với hành vi sử dụng ô tô công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh không đúng tiêu chuẩn, sử dụng ô tô công vào mục đích cá nhân sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính, việc xử phạt hành vi sử dụng ô tô công vào mục đích cá nhân nghe thì hay nhưng khó thực thi.

"Ai dám tố? Ai dám phạt? Trong bộ máy nhà nước, không có ý kiến của thủ trưởng thì không có cấp dưới nào dám làm.

Chẳng hạn, lái xe muốn đưa xe đi đón người nhà thủ trưởng mà không có ý kiến của Chánh Văn phòng thì làm sao lái xe dám mang xe đi?

Quyền lực, thẩm quyền ở trong tay những vị thủ trưởng đó, họ nói miệng, bên dưới làm rồi cuối cùng đổ lỗi linh tinh. Chuyện ấy không thể được, nó phản ánh một tư duy, một quan điểm không rõ ràng", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nói.

Dùng xe công đưa đón người nhà sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.

Dùng xe công đưa đón người nhà sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.

Tương tự, ông cũng đặt câu hỏi: có cảnh sát nào tuýt còi dừng và phạt xe công? và tự trả lời: Chuyện ấy rất khó!

Từ câu chuyện này, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính lo ngại nhiều quy định đưa ra chỉ để... cho vui, không có căn cứ khoa học và không có sự nghiêm túc về mặt xây dựng pháp luật. Đó là những quy định được xây dựng tức thời khi khi thấy ngoài xã hội xảy ra một số chuyện, có ý kiến dư luận.

"Cơ quan soạn thảo những quy định này phải xem lại bởi tư duy như vậy không giải quyết được triệt để những vấn đề căn cơ", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nói.

Thay vì cách làm chắp vá, trong điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay, vị chuyên gia đề nghị cần triệt để xóa bỏ bao cấp, bỏ hết xe công.

Thay vào đó, nên tính vào tài chính, như cách Bộ Tài chính khoán kinh phí sử dụng ô tô cho các cấp lãnh đạo, thay vì đưa đón tận nhà.

Cách làm này, theo ông, vừa tạo ý thức tiết kiệm ngân sách, giảm đáng kể chi phí so với ngân sách phải bỏ tiền trang trải chi phí xe công phục vụ chức danh (tiền mua xe, nuôi lái xe, bảo dưỡng…) vừa giảm nguy cơ lạm dụng xe công phục vụ việc riêng, gây phản cảm trong xã hội

"Mức khoán phải thể hiện ra bằng một số tiền cụ thể, chẳng hạn 10 triệu đồng/người/tháng, tiền trong túi cán bộ, muốn đi gì thì đi, không cần phải xe đưa xe đón", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri đề nghị.

Cũng theo ông Tri, trên thế giới không mấy nước có chế độ xe công như ở Việt Nam, Chính phủ thuê xe của các hãng tư nhân cung cấp dịch vụ, mà không nhất thiết phải có xe riêng.

"Việt Nam cũng nên như các nước trên thế giới tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, không thể kéo dài mãi tình trạng bao cấp. Cán bộ công chức thì xét theo vị trí việc làm sẽ được hưởng một giá trị tương xứng với vị trí ấy.

Chẳng hạn, Nhà nước có thể trả lương cho một thứ trưởng 100 triệu đồng/tháng, kèm theo đó là các điều kiện cũng như chấm dứt những chính sách bao cấp không còn cần thiết và phù hợp.

Dĩ nhiên, nói đi thì phải nói lại, bản thân các vị cán bộ công chức ấy có dám nhận mức lương ấy không? Hay họ lại sợ trả lương cao mà mình không có năng lực thì không dám nhận", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nói.

Ngày 4/1, lực lượng kiểm soát an ninh Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho ô tô biển kiểm soát của Bộ Công thương vào đón khách tại sân đỗ máy bay. Đây là tiêu chuẩn đón tiễn dành cho lãnh đạo Bộ.

Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh không có trên chuyến bay này. Nguồn tin cho biết, người được chiếc xe biển xanh của Bộ Công thương đón là vợ ông Trần Tuấn Anh.

Ngày 8/1, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký văn bản gửi báo chí để xin lỗi vì Văn phòng Bộ này "dùng xe công vào đón người nhà Bộ trưởng".

Sau nhiều tháng trôi qua, đến đầu tháng 4/2019, tại cuộc họp báo của Bộ Công thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay Bộ Công thương đã thành lập Hội đồng kỷ luật vụ xe biển xanh đón người nhà Bộ trưởng tận chân cầu thang máy bay; xem xét kỹ sự việc cũng như quá trình công tác từng cá nhân liên quan; trong số này có người mong muốn được xử lý ở mức "rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc".

Kết quả Hội đồng đề nghị kỷ luật 3 người, gồm nhân viên lễ tân, trưởng phòng lễ tân và lãnh đạo Văn phòng Bộ.

"Hai mức kỷ luật được đưa ra là khiển trách và kiểm điểm rút kinh nghiệm", ông Hải nói.

Về trách nhiệm của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh với tư cách người đứng đầu cơ quan, ông Đỗ Thắng Hải nói, Bộ đã xử lý sự việc với "tinh thần trách nhiệm cao, khách quan".

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dung-xe-cong-don-nguoi-nha-phat-10-20-trieu-ai-dam-phat-3383976/