Dừng xét nghiệm cúm A/H1N1 lợi hay hại?

(PL)- Những ngày qua, báo cáo dịch bệnh cúm A/H1N1 của TP.HCM đều: 0 ca mới. Nhìn vào bản báo cáo, nhiều người vui vì nghĩ thành phố đã sắp hết dịch nhưng nhiều người trong cuộc thì không khỏi lo lắng bởi dịch phát tán đến đâu, bao nhiêu người nhiễm cũng không thể biết được.

Bởi con số “0” ca nhiễm chỉ đồng nghĩa với việc không có sinh phẩm nên không xét nghiệm, dẫn đến việc “không biết” chứ không chắc không có ca nhiễm cúm mới. Sau khi Viện Pasteur tuyên bố “vỡ nợ” vì thiếu tiền sinh phẩm, ngành y tế cả nước mới “ồ” ra lâu nay đã xét nghiệm tràn lan, lãng phí. Từ đó “gút” lại là chỉ làm những ca có nguy cơ cao hoặc để điều tra, nghiên cứu vì mỗi mẫu xét nghiệm tốn chi phí trên dưới hai triệu đồng. Từ nay, cứ có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ là “đánh” thuốc Tamiflu, vừa nhanh, vừa giảm tử vong và rẻ hơn gấp hằng chục lần so với xét nghiệm. Đó là cái lợi dễ thấy. Nhưng cái hại khi không xét nghiệm sẽ như thế nào? Trong khuyến cáo chung, thuốc Tamiflu nếu uống không đúng đối tượng sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Những hệ quả trước tiên là người uống sẽ bị viêm phổi, viêm phế quản, mất ngủ, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi... Hơn nữa, cứ “đánh” thuốc theo kiểu nghi ngờ là “đánh” thì trong thời gian tới có xảy ra trường hợp tương tự như vụ hết sinh phẩm hay không? Trong khi đó, hiện ta chỉ mới có kế hoạch chứ chưa sản xuất được Tamiflu và vắc-xin phòng chống cúm. Đã có một số tỉnh cho biết có ca bệnh chết nhưng không biết họ có nhiễm cúm A/H1N1 hay không vì không xét nghiệm. Và đồng nghĩa là cộng đồng cũng mù tịt thông tin về số trường hợp nhiễm cúm mới, cũng như các ổ dịch cúm xung quanh. Phung phí hay dùng tràn lan bất cứ nguồn tài nguyên, vật lực cũng là điều không nên làm. Nhưng trong việc chống dịch cúm A/H1N1, việc tiết kiệm ngừng xét nghiệm đại trà và mang Tamiflu ra đánh cược với thể trạng sức khỏe cộng đồng thì liệu có nên?

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/news/khoa-hoc/view.aspx?news_id=273328