Được blockchain bảo vệ, Bitcoin vẫn chao đảo với 5 vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử

Khi Bitcoin lần đầu xuất hiện, một trong những điểm mạnh của nó là sử dụng blockchain để bảo vệ đồng tiền mã hóa này an toàn trong thế giới kỹ thuật số. Thế nhưng, blockchain bảo mật bao nhiêu, thì những ví kỹ thuật số lại dễ bị hacker lợi dụng bấy nhiêu, và rốt cuộc, người dùng vẫn phải đối mặt với lừa đảo, rất nhiều vụ lừa đảo.

Nếu vẫn chưa hình dung được sự nghiêm trọng của những vụ lừa đảo Bitcoin, bài viết này sẽ cho bạn thấy những vụ lừa đảo Bitcoin lớn nhất trong lịch sử, và những lý do quái đản khiến chúng diễn ra.

1. Thảm họa sập sàn Mt. Gox

Có lẽ bạn đã nghe về Mt. Gox. Đây là một trong những vụ sập sàn giao dịch Bitcoin nổi tiếng nhất trong lịch sử, một mớ bòng bong những sai lầm, dối trá và lừa gạt. Vào đầu những năm 2010, Mt. Gox từng là sàn giao dịch Bitcoin đóng tại Tokyo, đảm nhiệm phần lớn các giao dịch Bitcoin trên toàn thế giới, bởi mọi người nghĩ nó an toàn.

Thế nhưng, Mt. Gox không hề như vậy. Chỉ trong vòng vài năm hoạt động, Mt. Gox phải hứng chịu nhiều vụ tấn công lớn, những vấn đề trong xử lý các giao dịch thanh toán, bị chính phủ điều tra, và phải chạy vạy ngân hàng để kiếm tiền trả khi người dùng tìm cách rút tiền khỏi sàn.

Cuối cùng, Mt. Gox đã không chịu nổi sức nóng. Trước sự bàng hoàng của cả thị trường Bitcoin, công ty này nộp đơn xin phá sản và tuyên bố đã đánh mất hoàn toàn khoảng 850.000 Bitcoin (trị giá khoảng 450 triệu USD vào thời điểm đó, và gần 8 tỷ USD nếu xét theo tỷ giá hiện tại).

Tất nhiên, hacker không phải là thủ phạm đã lấy đi toàn bộ số tiền. Chẳng ai biết cụ thể bao nhiêu tiền đã bị lấy đi vì các lý do bảo mật, và bao nhiêu tiền đã rơi vào túi của chính Mt. Gox. Hàng triệu triệu USD của người dùng đã mất trắng bởi những hành động lừa đảo, biển thủ và bất hợp pháp khác của các nhân viên công ty cùng đối tác. Có lẽ sẽ phải mất thêm vài năm nữa chúng ta mới biết được những bí ẩn đằng sau vụ lừa đảo kinh khủng này.

2. Vụ lừa đảo Optioment

Một trong những hình thức lừa đảo tiền mã hóa tồi tệ nhất là ICO giả mạo. Tương tự như việc một công ty bắt đầu bán cổ phiếu, ICO diễn ra khi một công ty bắt đầu bán ra tiền mã hóa của riêng họ.

Hầu hết các vụ lừa đảo ICO đều theo một khuôn mẫu kêu gọi đầu tư hết sức cơ bản: "Chúng tôi hứa chúng tôi là một công ty làm ăn đàng hoàng và cực kỳ thành công", trong khi công ty đó lại chỉ là một công ty "ma" và chẳng có kế hoạch cụ thể nào để tạo ra lợi nhuận. Trong các vụ lừa đảo ICO phức tạp hơn, những công ty ma này sẽ "đóng giả" là các tổ chức thực sự liên quan đến tiền mã hóa để khiến người mua nhầm lẫn.

Vụ việc Bitcoin Savings and Trust thậm chí còn trắng trợn hơn: ban đầu, nó chỉ là một vụ lừa đảo ICO đơn thuần, trong đó sử dụng mô hình Ponzi đơn giản. Nhưng chưa dừng lại ở đó. Các nhà đầu tư "ngây thơ" được hứa hẹn khoản tiền lời hấp dẫn lên đến 7% mỗi tuần, và cuối cùng, hơn 265.000 bitcoin đã bị đánh cắp. Bitcoin Savings and Trust "sập" vào năm 2012, và kẻ đầu têu Trendon Shavers bị đưa ra tòa, kết án tù cùng khoản tiền bồi thường 40 triệu USD. Nghe có vẻ công lý đã được thực thi? Không. Số tiền mà gã lừa đảo này chiếm đoạt thực ra lên đến khoảng 97 triệu USD vào thời điểm vụ án được xét xử.

3. Bẫy email Silk Road

Silk Road là một chợ đen cực kỳ nổi tiếng chuyên mua bán thuốc cấm và nhiều thứ bất hợp pháp khác trên Dark Web. Quan trọng hơn, Silk Road đã từng bị FBI và một số cơ quan hành pháp khác đánh sập - cho thấy Bitcoin thực sự là một loại tiền tệ mà các chính phủ cực kỳ quan tâm đến.

Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu trở nên rắc rối từ đó. Chính phủ đồng ý mang số Bitcoin thu được từ Silk Road ra... đấu giá, và họ đã thông báo cho những người mua tiềm năng biết về vụ đấu giá này, hỏi họ có hứng thú tham gia hay không. Không may, chỉ vì đánh nhầm địa chỉ email BCC nên mọi người mua tiềm năng nêu trên vô tình thấy được địa chỉ email của mọi người mua nhận được email khác. Danh sách này sau đó đã nhanh chóng được sao chép, bán lên chợ đen, và rồi bị đánh cắp.

Kết quả của vụ việc này là hàng loạt email lừa đảo đã được kẻ gian gửi đến mọi người trong danh sách. Những email này được giả mạo là email từ chính phủ hoặc các cơ quan liên quan, với nội dung thu thập các thông tin tài chính nhạy cảm của người dùng, và kẻ gian sẽ sử dụng các thông tin này để đánh cắp Bitcoin từ nạn nhân.

4. Canadian Bitcoins và vụ lừa đảo Simplest

Mánh khóe lừa đảo tồi tệ nhất là những mánh khóe mà lẽ ra mọi người không nên mắc bẫy, nhưng bằng cách nào đó vẫn thành công. Đó chính là trường hợp của Canadian Bitcoins - một sàn giao dịch với chức năng quản lý Bitcoin dành cho các nhà đầu tư người Canada. Vào năm 2014, sàn giao dịch này đã bị hack và mất số Bitcoin trị giá ít nhất 100.000 USD.

Thế thì lừa đảo ở đâu? Canadian Bitcoins đã thuê một văn phòng tại Trung tâm Dữ liệu Rogers để chứa các phần cứng máy chủ quan trọng - loại phần cứng mà người ta có thể lợi dụng để hack vào sàn giao dịch!

Một hacker đã gởi tin nhắn đến Trung tâm Dữ liệu Rogers, với nội dung kiểu như: "Chào. Tôi là CEO của Canadian Bitcoins. Tên tôi là James Grant. Tôi cần tất cả các mã bảo mật". Rogers đã xác nhận rằng CEO của Canadian Bitcoins quả thực là James Grant, và ngây thơ gửi tất cả các mã bảo mật mà tên hacker kia cần. Chẳng ai thèm kiểm tra xem liệu các tin nhắn kia có thực sự do Grant gửi hay không, cũng chẳng thèm hỏi thêm bất kỳ thông tin xác nhận nào khác, hay ít nhất là cũng tìm cách liên lạc trực tiếp với Grant thông qua các kênh chuyên nghiệp. Hẳn bạn cũng đoán ra được các nhà đầu tư phát cáu đến mức nào khi phát hiện ra vụ việc này.

5. Bitcoin Gold và những lời hứa suông

Bitcoin Gold là một dự án nhằm tạo ra một loại tiền mã hóa mới, với tên gọi tương tự Bitcoin. Mới nghe tên, có lẽ bạn sẽ nghĩ có mùi lừa đảo ở đây, nhưng thực ra chẳng có gì bất hợp pháp cả.

Thế rồi, những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp đã tạo nên một website với tên gọi mybtgwallet.com - cung cấp cho người dùng một chiếc ví để chứa tiền mã hóa Bitcoin Gold. Người dùng chỉ cần cung cấp mã riêng tư (private key) vốn được dùng để bảo mật các ví tiền mã hóa của họ.

Rõ ràng, mọi người không nên bị lừa bởi chiêu thức lừa đảo quá hiển nhiên này, thế nhưng có vẻ như website kia trông quá chuyên nghiệp nên một số "con cừu non" đã bị dụ thật. Kết quả: số Bitcoin trị giá hơn 3 triệu USD đã bị những kẻ lừa đảo đánh cắp, cùng với một lượng lớn các loại tiền mã hóa khác. Ngay cả những người đã tạo ra Bitcoin Gold cũng "dính chấu" trong vụ lừa đảo này. Họ thậm chí còn quảng cáo website lừa đảo này trên tài khoản Twitter của mình trước khi nhận ra rằng mình đang "nuôi ong tay áo".

Minh.T.T

Nguồn VnReview: http://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/2435721/duoc-blockchain-bao-ve-bitcoin-van-chao-dao-voi-5-vu-lua-dao-lon-nhat-lich-su