Được châu Âu ủng hộ, Iran 'rắn mặt' với Mỹ

Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Iran Mohammad Bagheri ngày 23/5 bác bỏ mạnh mẽ yêu cầu của Mỹ buộc Iran phải giảm ảnh hưởng trong khu vực.

Thiếu tướng Mohammad Bagheri cũng đồng thời khẳng định, Iran không cần sự cho phép của bất cứ nước nào để nâng cao năng lực quốc phòng của mình. Tuyên bố này thể hiện rõ lập trường của Iran trước những yêu cầu của Mỹ, với cảnh báo quốc gia Hồi giáo này có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất trong lịch sử.

Iran tuyên bố không cần sự cho phép của bất cứ nước nào để nâng cao năng lực quốc phòng của mình. Ảnh minh họa: turkiyegazetesi.

Phát biểu trực tiếp trên truyền hình, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif chỉ trích những yêu cầu của Mỹ với Iran là không đúng và dựa trên những “ảo tưởng cũ”. Các quan chức Iran cũng khẳng định, lực lượng vũ trang nước này đang có sự chuẩn bị tốt hơn bao giờ hết và sẽ không cần phải đợi sự cho phép hay đồng ý của bất cứ quốc gia nào để phát triển năng lực quốc phòng.

Có thể nói đây là phản ứng cứng rắn của Iran sau hàng loạt các yêu cầu của Mỹ đưa ra đầu tuần này, trong đó có việc rút tất cả lực lượng ra khỏi Syria, dừng hỗ trợ cho Phong trào vũ trang Hamas, Hezbollah và Houthi, dừng sản xuất tên lửa đạn đạo... Mỹ hôm qua (22/5) cũng áp đặt trừng phạt đối với 5 công dân Iran mà Mỹ cho là liên quan đến Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC).

Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, yêu cầu của Mỹ đối với Iran không quá khó thực hiện, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng Mỹ và châu Âu sẽ có một cách tiếp cận ngoại giao chung về vấn đề Iran: “Đây là những mối lo ngại chung trên toàn thế giới. Có những giá trị và lợi ích giúp các bên nhận thức được phải đưa ra phản ứng chung đối với mối đe dọa từ Iran”.

Có mối lo ngại chung về chương trình tên lửa đạn đạo cũng như ảnh hưởng của Iran trong khu vực, nhưng việc Mỹ và châu Âu tiến gần đến một cách tiếp cận chung về Iran đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết sau quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian hôm nay chỉ trích quyết định của Mỹ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, đồng thời cảnh báo rằng việc Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran sẽ làm gia tăng lập trường cứng rắn của nước này, tạo bầu không khí nguy hiểm cho khu vực.

Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh: “Chúng tôi không đồng ý với Ngoại trưởng Mỹ về các nội dung và biện pháp thực hiện nhằm vào Iran. Rõ ràng lợi ích đạt được từ thỏa thuận hạt nhân Iran là thực tế, giúp ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Đây là lợi ích đáng kể nhất vì nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ là mối đe dọa an ninh với thế giới, đặc biệt là tại Trung Đông”.

Ngay sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, nhiều người cho rằng châu Âu sẽ theo chân Mỹ và không thể tiếp tục duy trì thỏa thuận lịch sử này. Tuy nhiên, 2 tuần sau tuyên bố của Mỹ, các đồng minh châu Âu vẫn giữ vững cam kết với Thỏa thuận, cố gắng bảo vệ mối quan hệ hợp tác với Iran. Theo đó, châu Âu đã khởi động tiến trình kích hoạt "quy chế phong tỏa" bằng việc cập nhật danh sách các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran vào phạm vi điều chỉnh của quy chế này.

EU cũng cho phép Ngân hàng đầu tư phát triển châu Âu tạo thuận lợi cho các công ty đầu tư tại Iran, thiết lập cơ chế cho phép Ngân hàng trung ương Iran giao dịch dễ dàng hơn với châu Âu. Dự kiến Thứ trưởng của các bên còn lại của Thỏa thuận hạt nhân bao gồm Anh, Trung Quốc, Đức, Pháp và Nga sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Iran tại Vienna (Áo) vào ngày 25/5 tới để thảo luận về biện pháp tiếp tục duy trì thỏa thuận cũng như đánh giá tác động biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Theo giới quan sát, châu Âu đang thể hiện rõ thành ý muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran. Bất chấp lệnh trừng phạt và cảnh báo của Mỹ, nếu Iran nhận được đủ các đảm bảo từ châu Âu trong các hoạt động hợp tác, nước này có thể quyết định ở lại thỏa thuận vì mục đích địa chính trị./.

Phạm Hà/VOV1Tổng hợp

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/duoc-chau-au-ung-ho-iran-ran-mat-voi-my-765707.vov