Được đặc xá cũng sẽ được miễn hình phạt tiền và án phí?

Ngày 2-7 tại TP Đà Nẵng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hội thảo thảo luận một số vấn đề lớn. Hội thảo vẫn còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Tại đây, thời điểm, đối tượng và các điều kiện để đề nghị đặc xá là những nội dung quan trọng được các đại biểu (ĐB) đặc biệt quan tâm thảo luận.

Mở rộng đối tượng đề nghị đặc xá

Trung tướng, GS-TS Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính-Tư pháp, Bộ Công an, cho biết từ năm 2009 đến nay Nhà nước đã thực hiện bảy đợt đặc xá, tha tù trước thời hạn cho 85.974 phạm nhân.

“Có thể nói bảy lần đặc xá đã thể hiện rõ truyền thống nhân đạo của dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình mới, Luật Đặc xá cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung để phù hợp hơn với thực tế. Về cơ bản đối tượng, diện được đề nghị đặc xá trong dự thảo luật được mở rộng hơn diện đối tượng được đề nghị đặc xá theo quy định của luật hiện hành cũng như đối tượng được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện theo quy định của Điều 66 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017” - Trung tướng Ngọc Anh cho hay.

Các ĐB tham gia thảo luận tại hội thảo.

Theo ông Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) vấn đề này đã được các ĐBQH thảo luận rất nhiều.

Có nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên xét đặc xá với một số đối tượng đặc biệt quy định tại Điều 10 của dự thảo luật như những người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân được giảm xuống tù có thời hạn; những người lập công lớn trong thời gian chấp hành án, được Nhà nước khen thưởng các danh hiệu…

"Về việc xét đặc xá đối với các đối tượng bị kết án phạt tù nhưng đang đình chỉ hoặc hoãn thi hành án (THA) thì còn có nhiều ý kiến khác nhau. Đa số ĐBQH cho rằng chỉ nên xem xét đặc xá đối với người bị tạm đình chỉ THA. Còn đối với các trường hợp hoãn THA thì đề nghị Chủ tịch nước xem xét" - ông Luật thông tin.

Ông Luật cho hay qua khảo sát của Ủy ban Tư pháp, ban giám thị một số trại giam phản ánh việc xét đặc xá đối với các đối tượng này cần phải có sự phân biệt. Đối với các trường hợp đã ở trong trại, đã có quyết định THA nhưng theo quy định của BLHS, họ có đủ điều kiện để cơ quan có thẩm quyền cho tạm đình chỉ THA thì cần được xem xét đặc xá. Còn với các trường hợp hoãn THA, tức là chưa một ngày nào ở trong trại, nếu được đặc xá thì không đảm bảo sự công bằng.

Tán thành quan điểm này, ông Phan Thái Bình, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam, nhận định: "Hoãn tức là chưa THA thì không thể nói anh đã cải tạo tốt. Riêng các trường hợp tạm đình chỉ THA thì phải xem xét bởi trong thực tế, có người cải tạo rất tốt, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ dân sự nhưng vì lý do nào đó mà phải tạm đình chỉ THA, như bị bệnh hiểm nghèo chẳng hạn. Đối với các trường hợp này nếu không đặc xá thì không công bằng với họ”.

Cũng theo ông Bình, dứt khoát không nên đặc xá cho tội phạm an ninh quốc gia, chống loài người, tội phạm chiến tranh, khủng bố vì đây đều là những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Cạnh đó, có ý kiến cũng cho rằng nên bỏ điểm k khoản 2 Điều 10, quy định xét đặc xá cho người bị kết án phạt tù là người phụ nữ đang có thai hoặc có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi để tránh tình trạng lách luật.

“Người ta sẽ sẵn sàng có thai hoặc đang có con nhỏ nhưng xin tự nguyện THA để lấy điều kiện được đặc xá. Thực tế cho thấy có những trường hợp 10 năm vẫn không THA được. Cứ liên tục ra là có thai, đẻ, nuôi con 36 tháng rồi lại có thai tiếp” - ĐB này nói.

Luật Đặc xá không chỉ dành cho người giàu

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) cần quy định rõ các điều kiện đặc xá để phân biệt rõ với chế định tha tù có điều kiện trước thời hạn được quy định trong BLHS 2015.

“Chúng ta có thể “bóp” thời điểm nhưng cần mở rộng điều kiện cụ thể thì mới còn người để đặc xá. Như Luật THA hình sự, các đồng chí đang đề xuất thì một quý một lần, nếu trùng điều kiện đó thì không có người đặc xá, chỉ còn các trường hợp đặc biệt” - Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) cần quy định rõ các điều kiện đặc xá.

Liên quan đến điều kiện “phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, án phí và các nghĩa vụ dân sự khác” quy định tại điểm c và d điều 10. Thứ trưởng cho rằng nhiều ĐB đang băn khoăn có phải chúng ta đang phân biệt người giàu và người nghèo hay không.

“Có những người cải tạo tốt nhưng quá nghèo, không có tiền nên không được hưởng đặc ân thì như thế nào? Điều này liên quan trực tiếp đến điểm c, điểm d, điều 10 cần phải nêu rõ ràng hơn. Ví dụ khoản c, chúng ta mới chỉ đặt vấn đề các trường hợp chưa chấp hành xong thì do Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Vậy thì có miễn hay là không? Chúng ta biết người ta cải tạo rất tốt nhưng không có tiền khắc phục án phí, tiền phạt thì tại sao không tha bổng luôn. Thời hạn chấp hành án chúng ta đã cho thì các khoản án phí, tiền phạt tại sao không cho được” - Thứ trưởng đặt vấn đề.

Theo Thứ trưởng, để nhân dân hiểu việc xây dựng thiết chế được tính toán rất kỹ và không có chuyện Luật Đặc xá chỉ dành cho người giàu, đối với trường hợp chưa chấp hành xong, Chủ tịch nước xem xét quyết định đặc xá, đồng thời quyết định miễn toàn bộ hoặc miễn phần còn lại của các hình phạt bổ sung là tiền và án phí.

Ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THA dân sự, Bộ Tư pháp, cho rằng điểm c điều 10 của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) chưa thực sự chặt chẽ, có thể bị lợi dụng để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước.

“Cần phải làm rõ những trường hợp nào chưa chấp hành xong mới được Chủ tịch nước xem xét và quyết định đặc xá, không thể quy định chung chung trong dự thảo luật là chưa chấp hành xong được. Bởi như thế, có thể hiểu rằng mọi trường hợp chưa chấp hành xong hình phạt tiền hoặc án phí đều có thể được Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá” - ông Thủy nói.

Theo ông Thủy, để đảm bảo tính chặt chẽ, phù hợp với các quy định khác của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể khác trong xã hội cũng như lợi ích của Nhà nước, dự thảo luật cần đưa ra cụ thể các trường hợp nào chưa chấp hành xong mới có thể được đề nghị đặc xá. Ví dụ như phạm nhân có tiền, tài sản nhưng không chịu thực hiện nghĩa vụ, cố tình chây ỳ, trốn tránh, thậm chí còn tẩu tán tài sản thì không thể được đề nghị đặc xá để đảm bảo tính công bằng đối với các phạm nhân khác.

Trường hợp phạm nhân là người phải THA có tiền, tài sản nhưng không tự nguyện thi hành nghĩa vụ là hình phạt tiền hoặc án phí thì không được Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá, không có trường hợp ngoại lệ.

Cạnh đó, trường hợp chưa chấp hành xong hình phạt tiền hoặc án phí mà được Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá thì cần bổ sung quy định khi phạm nhân được đặc xá cũng đồng thời được miễn chấp hành phần hình phạt tiền hoặc án phí mà họ còn chưa chấp hành xong tính đến thời điểm đặc xá.

“Điều này thể hiện rõ sự nhất quán của việc miễn chấp hành hình phạt tù song song với việc miễn thi hành khoản thu, nộp ngân sách nhà nước của các phạm nhân, bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo và chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước” - ông Thủy cho hay.

T.AN

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/duoc-dac-xa-cung-se-duoc-mien-hinh-phat-tien-va-an-phi-779699.html