Được hay mất khi quân đội Philippines 'bắt tay' với công ty Trung Quốc?

Philippines vừa cho phép công ty viễn thông Dito Telecommunity do Trung Quốc hậu thuẫn xây dựng các nhà trạm bên trong các doanh trại quân đội.

Theo trang tin Rappler, bất chấp những lo ngại về an ninh quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana đã ký hợp đồng với Dito Telecomnity, cho phép công ty này xây dựng các nhà trạm viễn thông trong các doanh trại quân đội của Philippines.

Ông Lorenzana nói vào ngày 8-9: "Gần đây, tôi đã ký hợp đồng cấp cấp phép cho Dito Telecommunity". Thông tin được đưa ra khi Rufus Rodriguez - một người đại diện chính quyền thành phố Cagayan de Oro – lo lắng hỏi về hợp đồng liên quan đến Dito Telecommunity.

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana (trái) cho phép Dito Telecomnity xây dựng các nhà trạm viễn thông trong các doanh trại quân đội. Ảnh: Rappler

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana (trái) cho phép Dito Telecomnity xây dựng các nhà trạm viễn thông trong các doanh trại quân đội. Ảnh: Rappler

Ông Lorenzana cho biết hồi năm 2019, các thượng nghị sĩ đã yêu cầu ông xem xét lại hợp đồng cấp phép cho Dito Telecommunity nhưng lại không đưa ra bất cứ khuyến nghị sửa đổi nào đối với thỏa thuận cấp phép cho công ty viễn thông này.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana, các lực lượng vũ trang của Philippines đảm bảo với ông rằng họ sẽ thiết lập "các biện pháp bảo vệ" để ngăn chặn bất kỳ hành vi vi phạm an ninh nào.

Nhiều nhà phân tích đưa ra một số rủi ro "có khả năng xảy ra cao" khi hợp đồng được thực thi như nghe trộm, gây nhiễu tần số vô tuyến... Một khi bị xâm nhập, hoạt động của các lực lượng vũ trang Philippines, thậm chí là quyền riêng tư và an ninh của các công dân Philippines, sẽ rất đáng lo ngại.

Các chuyên gia cảnh báo người dân Philippines cũng có nguy cơ bị Trung Quốc đánh cấp dữ liệu thông qua Dito Telecomnity. Vì quan ngại những rủi ro nêu trên, một số quốc gia phát triển đã cấm các nhà cung cấp công nghệ Trung Quốc như Huawei và ZTE khỏi hệ thống liên lạc để bảo vệ an toàn dữ liệu.

Tổng thống Duterte trao giấy phép hoạt động cho lãnh đạo Dito Telecommunity năm 2019. Ảnh: Inquirer

Liên doanh viễn thông Dito Telecommunity có mặt trong làng viễn thông Philippines hồi tháng 7-2019, với 40% cổ phần thuộc sở hữu của China Telecom, tập đoàn viễn thông thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc.

Trung tuần tháng 7, Dito Telecommunity nhận được giấy phép kinh doanh và bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối năm 2019. Công ty này từng tuyên bố sẽ cung cấp dịch vụ với tốc độ kết nối siêu tốc đủ để thách thức các nhà cung cấp từ Singapore trong vòng 2 năm.

Sau hơn 4 năm cầm quyền, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang phải chịu áp lực to lớn để chứng minh đất nước này được hưởng lợi kinh tế từ liên minh chặt chẽ với Trung Quốc.

Năm 2016, khi vừa lên cầm quyền, Tổng thống Duterte đã thực hiện một sự thay đổi mạnh mẽ đầy táo bạo trong chính sách đối ngoại khi tuyên bố "tách rời" Mỹ và siết chặt mối quan hệ với Trung Quốc. Trước đó, Mỹ là đồng minh quân sự thân cận của Philippines.

Tổng thống Duterte được cho là đã gạt đi nhiều tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại biển Đông để đổi lấy hàng tỉ USD mà Trung Quốc cam kết đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng nước này.

Tuy nhiên, cho đến nay, phần lớn các khoản đầu tư được hứa hẹn đó vẫn chưa trở thành hiện thực. Một số đã được đầu tư nhưng lại chịu chung số phận bị trì hoãn hoặc thậm chí gác lại, chưa rõ thời hạn hoàn thành.

China Telecom hiện nắm 40% cổ phần tại Dito Telecommunity. Ảnh: Tân Hoa Xã

Chuyên gia Greg Poling tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết Trung Quốc chỉ mới khởi động 2 trong số các dự án cơ sở hạ tầng đã cam kết. Đó là cây cầu nối đảo Guimaras và Panay (miền Trung Philippines) trị giá 530 triệu USD cùng đường cao tốc thành phố Danao, quê hương Tổng thống Duterte trị giá 400 triệu USD.

Đến nay, cả hai dự án đều gặp phải những khó khăn lớn có thể ảnh hưởng đến tốc độ hoàn tất.

H.Bình (Theo Rappler, CNBC)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/duoc-hay-mat-khi-quan-doi-philippines-bat-tay-voi-cong-ty-trung-quoc-2020090816270083.htm