Được - mất từ biện pháp phong tỏa

Hầu hết các nhà khoa học đồng ý rằng, việc phong tỏa đã hạn chế số ca tử vong do Covid-19.

Người dân Pháp thể hiện sự ủng hộ đối với các nhân viên y tế vào tháng 5/2020.

Đã một năm trôi qua kể từ khi đại dịch Covid-19 buộc chính phủ các nước phải áp dụng những biện pháp đầy tuyệt vọng như: Phong tỏa, hủy bỏ các sự kiện thể thao và văn hóa, đóng cửa hàng, nhà hàng, trường học và yêu cầu mọi người ở nhà.

Biện pháp hiệu quả

Thời điểm đó, các quốc gia một lần nữa áp dụng các chính sách phong tỏa, khi biến thể Alpha của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh ở những nơi khác nhau.

Các biện phong tỏa đã làm những gì được cho là phải làm. Một số nghiên cứu chứng minh rằng, khi được thực thi đủ nghiêm ngặt để hạn chế mạnh các mối liên hệ xã hội của mọi người, biện pháp phong tỏa sẽ làm giảm sự bùng phát Covid-19.

Vào tháng 3/2021, bác sĩ sản phụ khoa ở Brazil - Ricardo Savaris Savaris tại Trường Đại học Liên bang Rio Grande do Sul ở Porto Alegre cùng ba đồng nghiệp, đã đưa ra một phân tích mới.

Họ đã so sánh theo cặp 87 địa điểm trên khắp thế giới để xem liệu tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp hơn có tương quan với thời gian ở nhà nhiều hay không. Họ đánh giá bằng cách sử dụng dữ liệu điện thoại di động ẩn danh do Google phát hành. Nhóm kết luận, trong hầu hết các trường hợp, điều đó không xảy ra.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này đã làm dấy lên làn sóng hoài nghi về tính chính xác. Những phân tích này được cho là không phù hợp với phần lớn các nghiên cứu. Hầu hết các nhà khoa học đồng ý rằng, việc phong tỏa đã hạn chế số ca tử vong do Covid-19.

Ngoài ra, các chính phủ cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc yêu cầu hạn chế tiếp xúc xã hội vào đầu năm 2020 để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, cũng như sự sụp đổ của hệ thống y tế. Lauren Meyers - nhà khoa học dữ liệu sinh học tại Trường Đại học Texas ở Austin (Mỹ) - cho biết: “Chúng ta cần phải có một khoảng thời gian”.

Song, rõ ràng là việc đóng cửa trường học đã làm gián đoạn giáo dục. Trong khi đó, phong tỏa cũng góp phần gây ra khó khăn về tài chính và xã hội, sức khỏe tâm thần cũng như suy thoái kinh tế. Samir Bhatt - nhà thống kê y tế công cộng tại Trường Đại học Imperial College London và Đại học Copenhagen - cho rằng, đây là biện pháp tốn chi phí và lợi ích.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu tác động của việc phong tỏa trong đại dịch với hy vọng rằng, phát hiện của họ có thể tạo tiền đề cho những phản ứng với cuộc khủng hoảng trong tương lai. Họ đã đi đến một số kết luận.

Việc đưa ra biện pháp nghiêm ngặt nhanh chóng đã bảo toàn tính mạng và nền kinh tế của các quốc gia. Song, các nhà nghiên cứu cũng gặp phải khó khăn. Việc phân tích tác hại và lợi ích thường không dựa trên các tính toán khoa học, mà là để đánh giá phán đoán.

Có một khó khăn cơ bản khi phân tích tác động của việc phong tỏa trong đại dịch. Đó là khó biết điều gì sẽ xảy ra nếu không có phương pháp này. Việc phong tỏa làm giảm sự lây truyền của virus. Minh chứng rõ ràng là hiệu quả sau khi phong tỏa Vũ Hán (Trung Quốc).

Ngay cả tại những quốc gia yêu cầu người dân ở nhà và cách ly trường hợp mắc bệnh, biện pháp ngăn chặn vẫn giúp giảm lây lan dịch. Tháng 5/2020, chuyên gia thống kê Bhatt và đồng nghiệp đã phân tích tình trạng phong tỏa ở 11 quốc gia châu Âu. Họ nhận định, biện pháp này đã cứu sống hơn 3 triệu người.

Các nhà nghiên cứu khác đã cố gắng so sánh liệu những quốc gia có chính sách cấm vận chặt chẽ hơn có hoạt động tốt hơn những quốc gia có chính sách nới lỏng không. Ví dụ, Thụy Điển đã áp đặt những hạn chế tương đối nhẹ vào đầu năm 2020.

Quốc gia này vẫn cho phép các trường học mở cửa. Song, Thụy Điển có tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều quốc gia Tây Âu khác vào năm 2020. Đây cũng là một quốc gia có nhiều người sống một mình và người dân đặt sự tin tưởng lớn vào chính phủ. Điều đó khiến việc thực hiện các khuyến nghị dễ dàng hơn nhiều.

Peter Klimek - nhà khoa học dữ liệu tại Trường Đại học Y Vienna - cho biết: “Không thực sự rõ đâu là cách tốt nhất để ước tính hiệu quả của các biện pháp phong tỏa”.

Tuy nhiên, bằng cách theo dõi mức độ nghiêm ngặt và thời gian của các chính sách từ hơn 100 quốc gia, các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Oxford (Anh) và đồng nghiệp đã phát hiện, quốc gia càng có chính sách ngăn chặn nghiêm ngặt, số ca tử vong do Covid càng thấp.

Sau đợt bùng phát dịch đầu tiên, nhóm của ông Klimek đã phân tích hàng nghìn biện pháp can thiệp từ các chính phủ. Nhóm lưu ý, một số biện pháp có vẻ hiệu quả theo cách tiếp cận mô hình. Song, biện pháp đó không hiệu quả ở những khía cạnh khác.

Theo nhóm nghiên cứu, các biện pháp hiệu quả nhất là chính sách cấm tụ tập đông người và đóng cửa các cơ sở kinh doanh cũng như trường học. Ngoài ra, biện pháp hạn chế nhập cảnh cũng mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, việc kiểm tra sức khỏe mọi người tại sân bay không có hiệu quả rõ.

Đường cao tốc vắng vẻ ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 2/2020.

Mạnh mẽ và nhanh chóng

Trước khi có vắc-xin phòng Covid-19, các quốc gia hành động kiên quyết và nhanh chóng. Cách tiếp cận mạnh mẽ và nhanh chóng này thường hoạt động tốt hơn so với những quốc gia chờ đợi để thực hiện chính sách phong tỏa.

Các vụ phong tỏa khắc nghiệt của Trung Quốc đã loại bỏ Covid-19 tại địa phương trong một thời gian. Theo một báo cáo vào tháng 5/2021 của Ủy ban điều tra độc lập về quy trình chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, các quốc gia thành công học được từ điều này là “chủ động”. Ví dụ, Iceland, Australia và New Zealand là những nước được hưởng lợi từ việc đóng cửa biên giới và hành động trước khi ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19.

Nhà dịch tễ học Edward Knock và các thành viên khác tại Trường Đại học Imperial kết luận, việc đóng cửa trên toàn quốc là biện pháp duy nhất để hệ số lây nhiễm dưới 1 ở Anh. Đặc biệt, các biện pháp nghiêm ngặt nên được áp dụng càng sớm càng tốt.

Knock ước tính rằng, nếu Anh tiến hành phong tỏa toàn quốc một tuần trước đó vào tháng 3/2020, số người chết trong đợt đầu tiên ở nước này sẽ giảm một nửa. Một nghiên cứu về các phản hồi của chính phủ ở châu Á cũng cho thấy, cách tiếp cận mạnh mẽ và nhanh chóng là tốt nhất.

Tuy nhiên, không phải lúc nào việc phong tỏa nghiêm ngặt cũng hiệu quả hơn. Peru là một ví dụ. Quốc gia này đã áp đặt các biện pháp phong tỏa sớm và nghiêm ngặt. Song, tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Peru vẫn cao hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực.

Lý do là bởi các biện pháp phòng bệnh khác không nghiêm ngặt. Peru vẫn được coi là bằng chứng cho thấy, việc phong tỏa không hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế, Peru đã phải vật lộn để thực thi biện pháp này.

Bởi, đất nước này có một lượng lớn lao động phi chính thức, trong khi cơ sở hạ tầng y tế đắt đỏ và thiếu thốn. Camila Gianella Malca - nhà nghiên cứu chính sách công tại Trường Đại học Công giáo Pontifical của Peru ở Lima - cho biết, mặc dù bị phong tỏa, nhưng nhiều người Peru vẫn tiếp tục mạo hiểm để mua sắm và làm việc. Do đó, sự lây lan virus vẫn ở mức cao.

Làn sóng thứ hai

Tác động của biện pháp phong tỏa là khác nhau giữa các đợt dịch. Vào thời điểm làn sóng thứ hai xuất hiện, người ta đã biết được rất nhiều điều về virus. Đến tháng 10/2020, trường học và các cơ sở khác đã thiết lập biện pháp giữ khoảng cách.

Ngoài ra, mọi người cũng đã đề phòng nhiều hơn khi sự lây truyền tại địa phương tăng. Các bệnh viện cũng nhanh chóng học được cách tốt nhất để điều trị Covid-19. Một số nghiên cứu cho thấy, việc đóng cửa trường học trong đợt đầu tiên đã làm giảm sự lây lan của Covid-19.

Tuy nhiên, phân tích của nhà nghiên cứu Bhatt cho thấy, phương pháp này mang tác động nhỏ hơn nhiều trong đợt dịch thứ hai. Vì vậy, khi làn sóng thứ hai xuất hiện, chỉ một số quốc gia tiếp tục thực hiện cách tiếp cận mạnh mẽ và nhanh chóng.

Bà Anna Petherick - nhà nghiên cứu chính sách công tại Trường Blavatnik thuộc Trường Đại học Oxford, ở những quốc gia nơi việc phong tỏa muộn chỉ đơn thuần làm giảm sự lây nhiễm, các chính phủ ít có khả năng hành động sớm hơn. Họ chấp nhận số ca mắc cao hơn trước khi ra lệnh phong tỏa.

Một người đàn ông nhìn ra cửa sổ trong đợt phong tỏa tại Melbourne (Australia).

Công cụ “cùn”?

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, các quốc gia có thể tránh được tình trạng phong tỏa, đặc biệt là sau khi các biện pháp được thực hiện vào đầu năm 2020. Mark Woolhouse - nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Trường Đại học Edinburgh (Anh) - lập luận, có thể tránh được việc đóng cửa trường học. Trong khi đó, cần tập trung nỗ lực bảo vệ người cao tuổi và dễ bị tổn thương.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Klimek cho rằng, khoảng 1/3 dân số ở các quốc gia giàu có dễ bị tổn thương do tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Vì vậy, các biện pháp mục tiêu sẽ khó thực hiện. Ngoài ra, virus không chỉ gây tử vong, mà còn để lại hậu quả. Đây cũng là một gánh nặng sức khỏe ngay cả đối với những người mắc Covid-19 nhẹ.

Giờ đây, vắc-xin Covid-19 và các phương pháp điều trị bệnh nặng đã trở nên phổ biến. Hầu hết các quốc gia đã tận dụng hết lợi thế và khó có khả năng phải áp dụng biện pháp phong tỏa. Một bài học mà nhà nghiên cứu Klimek rút ra là nếu các biện pháp khắc nghiệt hơn được áp dụng sớm và rộng rãi, đại dịch có thể đã diễn ra theo cách khác.

Tất nhiên, một mối đe dọa trong tương lai cũng có thể diễn ra theo cách hoàn toàn khác. Các cuộc phong tỏa cũng nêu lên một bài học rõ ràng khác. Đó là chúng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng đã tồn tại trong xã hội.

Những người vốn đã sống trong cảnh nghèo đói sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Để chống lại những tác động bất bình đẳng này, đòi hỏi phải cải thiện khả năng tiếp cận sức khỏe và các biện pháp bảo vệ tài chính.

Theo Nature

Trọng Dương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/duoc-mat-tu-bien-phap-phong-toa-post609703.html