Dưới bóng đen của sự hủy diệt

Có nhiều hơn một vấn đề được đề cập trong tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Nhưng, trong số đó, một khía cạnh tiếp tục được nối dài sang chương trình nghị sự Hội nghị lần thứ 18 (về kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt) của khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), để làm hằn sâu thêm những viễn cảnh khủng khiếp, trong một thế giới 'nguy hiểm và nhiều tính cạnh tranh hơn'.

Hơn bao giờ hết, kể từ sau Chiến tranh Lạnh, loài người cận kề nguy cơ phải chứng kiến những thứ vũ khí hạt nhân hủy diệt được kích hoạt.

Quanh một “lần đầu tiên”

Lần đầu tiên, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc hơn 3 thập kỷ trước, nước Nga thẳng thừng nhắc đến khả năng triển khai lực lượng hạt nhân ở một quốc gia khác - Belarus.

Ngày 2/4, Đại sứ Nga tại Belarus - ông Boris Grizlov nhấn mạnh: "Vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ được triển khai tới biên giới phía Tây quốc gia đồng minh của chúng tôi và sẽ tăng cường năng lực an ninh của chúng tôi. Kế hoạch này sẽ được thực hiện bất chấp sự phản đối của châu Âu và Mỹ".

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng phác thảo một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân mới, thay thế INF, gồm cả sự tham gia của Nga và Trung Quốc.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ xây dựng một căn cứ tại Belarus, nơi vũ khí hạt nhân của Nga được bố trí và căn cứ này sẽ được hoàn thành trước ngày 1/7. Tổng thống Putin cũng xác nhận các tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân đã được Moscow chuyển giao cho Minsk.

Một cách ngắn gọn, điều đó có nghĩa là ngay sau khi biên giới NATO - Nga mất đi vùng đệm Phần Lan trước đây (do Phần Lan đã chính thức được chấp thuận trở thành thành viên thứ 31 của NATO), các đầu đạn hạt nhân của Nga đã chĩa thẳng vào sườn Đông của NATO. Trên lập trường của Điện Kremlin, đây là một trong những phương thức cần thiết, nhằm duy trì cân bằng chiến lược cũng như bảo đảm sự công bằng về việc triển khai vũ khí hạt nhân toàn cầu.

"Nếu Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân của họ ở các nước châu Âu như Ý, Bỉ, Hà Lan, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ... thì chúng tôi cũng phải thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường an ninh cho quốc gia đồng minh của chúng tôi", Đại sứ Grizlov giải thích. Tuy nhiên, ở phía ngược lại, các Bộ trưởng Ngoại giao nhóm G7 xem động thái này là “vô trách nhiệm” và “không thể chấp nhận”. Họ cũng cảnh báo: “Bất kỳ việc sử dụng vũ khí hóa học, sinh học hay hạt nhân nào ở Ukraine” cũng sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng.

Yếu tố Trung Quốc

Một diễn biến rất đáng chú ý: Ngày 18/4, phát biểu tại Hội nghị NATO, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, bên cạnh việc một lần nữa chỉ đích danh nước Nga là đối tượng hướng tới của cả khối, lại đề cập tới khả năng... phối hợp với Trung Quốc.

"Nga là mối đe dọa trước mắt đối với an ninh của chúng ta. Nhưng, bối cảnh an ninh toàn cầu rộng lớn hơn cũng rất đáng lo ngại. Trung Quốc đang nhanh chóng gia tăng kho vũ khí hạt nhân mà không có bất kỳ sự minh bạch nào về khả năng của họ...” - Tổng Thư ký NATO phát biểu và gợi ý: “Về lâu dài, chúng ta cần suy nghĩ lại và điều chỉnh cách tiếp cận của mình cho phù hợp với một thế giới nguy hiểm và cạnh tranh hơn. Mà điều đó có nghĩa là phải phối hợp với Trung Quốc, quốc gia theo đánh giá sẽ có 1.500 đầu đạn hạt nhân vào năm 2035". Đó là một hiện thực không thể phủ nhận, rằng Trung Quốc cũng đang trên đường trở thành một siêu cường đúng nghĩa, với quy mô kho vũ khí hạt nhân không thể bỏ qua. Do đó, trong phiên họp của G7, Ngoại trưởng các nước G7 đã kêu gọi Trung Quốc ngay lập tức bắt đầu đối thoại với Mỹ về việc giảm thiểu rủi ro chiến lược. Họ thể hiện tâm trạng lo ngại đối với việc Bắc Kinh "mở rộng một cách liên tục và tăng tốc kho vũ khí hạt nhân cũng như phát triển các hệ thống mang phóng ngày càng hoàn thiện hơn" mà thiếu sự minh bạch cần thiết.

Hội nghị các Ngoại trưởng G7.

Vấn đề là, cùng trong tuyên bố chung ấy, G7 lại đưa ra cả những thông điệp khác nữa, thí dụ như thể hiện sự đồng thuận và gắn bó trong cam kết sẽ “trấn áp” những bên giúp Nga trốn tránh các biện pháp trừng phạt và trang bị vũ khí cho cuộc xung đột tại Ukraine; hay yêu cầu các nước thứ ba ngừng cung cấp vũ khí cho Nga, hoặc yêu cầu Trung Quốc ngừng hoạt động hỗ trợ Nga, thậm chí động tới cả những vấn đề mà Trung Quốc xem là chuyện nội bộ của mình, theo chính sách “một Trung Quốc” (tức là vấn đề eo biển Đài Loan).

Không có gì ngạc nhiên khi từ Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đáp trả: Thông cáo của G7 “chứa đầy sự kiêu ngạo, định kiến đối với Trung Quốc và chúng tôi đã phản đối mạnh mẽ nước chủ nhà Nhật Bản”. Ông nói thêm: Các nước G7 luôn chỉ trích chính sách hạt nhân của các nước khác, trong khi bản thân họ liên tục tác động vào hệ thống giải trừ vũ khí hạt nhân quốc tế. Và cuối cùng, mối quan hệ Nga - Trung lại càng có cơ hội thể hiện sự khăng khít, với tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, sau cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc (công du tới thăm Moscow): “Những nỗ lực hợp tác quân sự (giữa Nga và Trung Quốc) trên trường quốc tế sẽ giúp ổn định tình hình thế giới và giảm nguy cơ xảy ra xung đột. Điều quan trọng là các quốc gia cần phải chú ý đến những biến chuyển trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu”.

Đòi hỏi sự cân bằng

Có lẽ, cũng sẽ có lý do nhất định để phương Tây (G7 và NATO) vừa “đe nẹt” Trung Quốc, vừa gợi ý hợp tác với Bắc Kinh trong nỗ lực kiểm soát vũ khí hạt nhân tương lai. Cũng có thể, trong thời điểm hiện tại, không còn mấy ai nhớ rằng trước điểm mốc 2014, không phải Nga mà Trung Quốc mới chính là “đối tượng hướng tới” được NATO xác định. Tuy nhiên, “những chuyển biến trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu” đã mang tới những thay đổi về mặt chiến lược. Dù vậy, điều thực sự đáng lo ngại nằm ở đây: Sau khi nước Nga tuyên bố đình chỉ tham gia Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân (New START), giữa Nga và Mỹ không còn tồn tại cơ chế kiểm soát lẫn nhau (có tính ràng buộc pháp lý) nào có hiệu lực.

Bên cạnh đó, từ năm 2018, với việc nước Mỹ (dưới thời Tổng thống Donald Trump) rút khỏi “Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), qua đó vô hiệu hóa nó, rồi thất cử cuối năm 2020, những phác thảo về việc Mỹ - Nga - Trung cùng tham gia một thỏa thuận mới thay thế cho INF theo đó mà “chết yểu”.

Hiện tại, xét cho cùng, toàn bộ sự tồn vong của loài người chỉ còn đang trông đợi vào độ tỉnh táo cũng như “khả năng kiềm chế” của nguyên thủ các đại cường. Mà chung quanh họ, những động thái căng thẳng quanh các lò phản ứng ở Iran hay những vụ thử tên lửa trên Bán đảo Triều Tiên càng khiến tình hình trở nên phức tạp.

Hình thái của “thế cờ hạt nhân” này, thực chất, lại có liên quan mật thiết với không chỉ cách NATO không ngừng “Đông tiến” ở châu Âu - Đại Tây Dương và hiện hữu qua những phiên bản khác (như AUKUS) ở châu Á - Thái Bình Dương, mà còn là cả tiến trình xác lập một trật tự thế giới mới. Trong sâu thẳm, đây mới chính là yếu tố mà phương Tây, dẫn đầu là nước Mỹ, không thể chấp nhận. Riêng về nguy cơ loài người tự tàn phá tương lai chính mình bằng vũ khí hạt nhân, thực tế diễn biến lịch sử thế giới hiện đại kể từ sau Đại chiến Thế giới lần thứ hai cũng đã có những lần chứng kiến lằn ranh mong manh trên bờ vực thẳm, đơn cử như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Có thể có rất nhiều yếu tố cùng tạo nên cái kết “nhẹ nhõm” này. Song, dưới cái bóng đen u ám và thâm nghiêm của sự hủy diệt khi đó, còn có cả tác động không nhỏ từ sức cân bằng chiến lược, khi cả hai phía đều bị kìm giữ từ chính sức mạnh của phe đối trọng. Câu hỏi đặt ra là: Nếu vẫn muốn duy trì trật tự thế giới đơn cực cũ, với sự “thống trị” tuyệt đối cả về tư tưởng, công nghệ, kinh tế và tiềm lực quân sự thì phương Tây có thể làm như thế nào để thuyết phục Bắc Kinh tham gia những thỏa thuận cần thiết trong tương lai, nhất là bằng những thông điệp có phần trịch thượng (và cả mâu thuẫn) như vừa thể hiện? Bởi vì, giữa việc chấp nhận trật tự đơn cực cũ và tự mình trở thành một trong những cực mới của thế giới đa cực, sự lựa chọn hoàn toàn không có gì là khó khăn.

Đông Phong

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/duoi-bong-den-cua-su-huy-diet-i691331/