Dưới bóng sông Phủ, núi Nài

Tháng tư lịch sử, trong không khí náo nức chào mừng 'Ngày hội non sông thống nhất', chúng tôi về thăm lại sông Phủ, núi Nài (phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) để được gặp lại những con người gắn với chiến tích xưa và chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất anh hùng.

Một góc sông Phủ

Còn đó dấu xưa…

Chúng tôi đi bên bờ sông Phủ, gió thổi dọc những rặng bần mang hơi nước mát lành và tiếng rì rào gợi nhớ ký ức một thời đạn bom. Nằm gần sông Phủ, núi Nài, ngôi nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Thiện (SN 1945) - nữ dân quân tự vệ của xã Thạch Hòa, huyện Thạch Hà (nay là phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) im lìm, lặng lẽ giữa sự náo nhiệt của đô thị.

Gặp chúng tôi, bà không khỏi vui mừng, như con cháu đến chơi nhà vậy. Dù tuổi đã cao, sức khỏe không được tốt, song bà Thiện vẫn còn minh mẫn, từng dòng hồi ức chiến tranh hiển hiện rõ trong tâm trí người nữ dân quân đầy nhiệt huyết năm nào.

Bà Nguyễn Thị Thiện trân quý những bức ảnh bên đồng đội xưa.

Bà Thiện kể: “Năm 1965, sau khi học xong lớp trung cấp, tôi trở về quê xã Thạch Hòa tham gia hoạt động tại địa phương với vai trò là cán bộ Đoàn và tham gia đội dân quân xã. Đây cũng là thời điểm địch tăng cường không quân đánh phá nhiều trận địa ra-đa ở Vĩnh Linh (Quảng Trị). Khi xác định địch có thể đánh trạm ra-đa tại núi Nài, Bộ Tư lệnh Phòng không đã xây dựng phương án tác chiến bằng cách kịp thời di chuyển hệ thống ra-đa trên núi đến nơi an toàn, nhường vị trí cũ để dựng một ra-đa giả. Cùng đó, gấp rút tổ chức trận địa hỏa lực gồm pháo cao xạ, súng bộ binh quanh núi Nài, khu vực xã Thạch Hòa để đón đánh địch. Từ tối 25/3/1965, lực lượng dân quân, tự vệ đã vận động đưa bà con nhân dân đến nơi sơ tán. Trận địa được cài sẵn, cả thị xã Hà Tĩnh nín thở từng giờ.

Từ rạng sáng 26/3, tất cả các lực lượng luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Khoảng 13h ngày 26/3/1965, từ phía biển xuất hiện 26 chiếc máy bay Mỹ đủ các loại, chia thành nhiều tốp bay lên phía Tây rồi vòng lại, lao xuống điên cuồng bắn phá núi Nài và khu vực xung quanh bằng 2 đợt công kích, mỗi đợt kéo dài hơn 20 phút. Cả thị xã rung chuyển, mọi thứ đều bao phủ bởi bụi mù. Vùng núi Nài mờ mịt một màu khói đạn. Sau hơn 40 phút giao tranh, 9 máy bay địch bị bắn rơi, bốc cháy.

Đến khoảng 16h cùng ngày, máy bay địch tiếp tục loạt đánh thứ 2 nhưng thời gian ngắn hơn. Sau thất bại thảm hại tại trận địa núi Nài, chúng tiếp tục kéo nhau vào đánh phá khu vực Đèo Ngang (Kỳ Anh). Lực lượng tại chỗ của ta đã chiến đấu ngoan cường, tiếp tục bắn rơi thêm 3 máy bay, nâng tổng số máy bay Mỹ bị quân, dân Hà Tĩnh bắn rơi trong ngày 26/3/1965 lên 12 chiếc”.

Chiến thắng trận đầu ở núi Nài vào ngày 26/3/1965 đã đi vào ký ức của quân và dân Hà Tĩnh như những chiến công hiển hách nhất. Cùng với chiến thắng núi Nài, trận địa phà cầu Phủ còn ghi dấu chiến công của quân dân Hà Tĩnh chiến đấu với không quân Mỹ bảo vệ tuyến đường huyết mạch vào Nam.

Đổi thay trên mảnh đất anh hùng

58 năm trôi qua, từ đau thương chiến tranh và nghèo khó, người dân Đại Nài đã cùng Nhân dân Hà Tĩnh viết tiếp những thành tích tự hào, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh. Dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố, sự lãnh đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, chủ động của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nỗ lực của mỗi người dân, Đại Nài đạt được những kết quả tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH.

Tiếp nối truyền thống, phường Đại Nài tiến bước đi lên.

Hiện nay, 100% tổ dân phố của phường Đại Nài đạt danh hiệu tổ dân phố văn hóa, trên 96% hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa. Công tác xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị kiểu mẫu; xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, môi trường văn hóa đô thị được Nhân dân đồng tình thực hiện.

Anh Nguyễn An Pha (tổ dân phố 5) chia sẻ: “Đại Nài hôm nay đã đổi thay vượt ngoài sự mong đợi của người dân. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng những thành quả đạt được về kinh tế, giáo dục, an ninh, đời sống mới đã giúp người dân vững niềm tin vào đường lối của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Trường THCS Đại Nài là đơn vị dẫn đầu các phong trào thi đua

Đặc biệt, phát huy truyền thống đất học Hà Tĩnh, các trường học trên địa bàn đã giành được nhiều kết quả ấn tượng. Tiêu biểu là Trường THCS Đại Nài đã được UBND tỉnh tặng cờ đơn vị dẫn đầu các phong trào thi đua trong năm học 2021-2022.

Thầy Dương Bình Định - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đại Nài cho biết: “Bên cạnh tập trung nâng cao chất lượng dạy và học theo chương trình chính khóa, nhà trường luôn chú trọng việc giáo dục lịch sử để học sinh hiểu và thấm nhuần sự hy sinh của các thế hệ đi trước cho hòa bình, độc lập của Tổ quốc. Bằng các phương pháp dạy học trực quan sinh động, chúng tôi đã giúp các em say mê, hứng thú hơn với các nội dung học tập”.

Qua rồi những năm tháng chiến tranh, đời sống của người dân Đại Nài ngày càng khởi sắc. Ông Phạm Mạnh Hiền - Chủ tịch UBND phường Đại Nài cho biết: “Kế thừa truyền thống của vùng đất sông Phủ - núi Nài, chúng tôi tiếp tục phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc.

Trước hết là phấn đấu trong năm nay giảm từ 3-5 hộ nghèo theo chuẩn giảm nghèo đa chiều; hỗ trợ, vận động ít nhất 2 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn nâng cấp, cải tạo làm mới nhà ở; thu ngân sách đạt 100% kế hoạch HĐND phường giao… Tin rằng, với sự nỗ lực của chính quyền và sự đồng thuận của Nhân dân, Đại Nài sẽ tiến nhanh hơn trên con đường đô thị văn minh để xứng danh là mảnh đất anh hùng”.

Anh Thùy - Minh Huệ

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/chinh-quyen/duoi-bong-song-phu-nui-nai/247800.htm