Dưới dòng trôi

Cô gái buông tay ra. Gió, bóng đêm ập vào cô, nuốt lấy cô. Những bóng ma mỗi hình mỗi vẻ, giọng cười khanh khách, giọng buồn rầu. Có bóng ma vô cảm. Cô rơi vào miền mơ hồ, không trọng lượng, không cảm giác. Sau đó là nước. Nước ôm trọn cô.

1.

Nhìn bộ quần áo tôi đoán chắc người đang trôi lại là đàn ông. Sóng dập dềnh không thể nhìn rõ khuôn mặt. Hơn ba mươi năm sống ở bãi nổi, tôi đã gặp nhiều cảnh huống tuyệt vọng, dở khóc dở cười, ai oán và đôi khi cứu được người, tôi thấy mình có ích. Cái rờn rợn của những lần đầu thấy xác trôi sông biến đâu mất, giờ tôi trơ lạnh trước muôn kiểu người chết, độ tuổi, gái trai, lý do. Không phải vì tôi không còn quả tim xót xa, mà vì cảnh huống này ập vào tôi quá nhiều.

Lấy cái sào có đính móc sắt kéo cái xác vào gần bờ, tôi chạm thử vào chân. Xác mới. Tôi kéo người đàn ông lên khỏi mặt nước, đặt nằm lên bờ cỏ. Xung quanh cô quạnh. Ánh đèn điện xa xa leo lét. Gió thông thốc thổi. Tôi thoáng rùng mình. Người đàn ông nằm ngửa với bộ quần áo chắc chắn tốt. Ông khá phương phi, khuôn mặt vuông vức. Dù ngấm sũng nước nhưng ông ta đẹp giai. Tay còn đeo đồng hồ, ngón xỏ nhẫn. Soi đèn sát vào khuôn mặt, lông mày có dính rác nhưng khá rậm, dày.

Mấy con chuột kéo nhau chạy sột soạt trên bờ cát. Đêm tãi mênh mông lên bờ bãi. Giờ này đã khá muộn. Tôi đấu tranh tư tưởng rồi gọi điện cho con trai. Con trai bảo giờ Công an phường vẫn trực. Tôi gọi. Hai đồng chí xuống hiện trường, tìm giấy tờ tùy thân trong túi người chết, ghi biên bản, báo cáo cấp trên. Người đàn ông không có bất giấy tờ, nhưng chiếc ví thì đầy tiền. Thông thường đàn ông mang một vài giấy tờ kèm tiền trong ví. Người này thì không.

Vài người xóm bãi chạy ra, đưa người chết về căn lều vẫn dùng đặt tạm kẻ xấu số trước khi cơ quan chức năng đến kiểm tra pháp y, tìm và báo về gia đình, chụp ảnh đăng báo. Con trai tôi giục tôi về thay quần áo. Tôi gật. Giờ đã muộn, hai anh Công an phường trở về, ngày mai tiếp tục công việc. Chúng tôi cũng về nghỉ. Lúc sau, tự dưng tôi quay lại căn lều. Nhẫn, đồng hồ của người chết đã không cánh mà bay. Bọn nghiện. Chúng quẩn quanh, đánh hơi người chết được vớt lên là kiểu gì cũng mò đến. Ba mươi hộ vô gia cư, không giấy tờ tùy thân chúng tôi ở bãi bồi dù nghèo nhưng chẳng bao giờ lấy trộm đồ của người chết.

2.

Cô gái trẻ trèo qua thành cầu. Dưới sông thi thoảng vẫn còn tàu thuyền xuôi ngược. Tiếng máy rì rì xen tiếng gió. Trăng lặn. Tai cô gái lặng đi. Cô đã đứng ở đây hàng giờ. Nam thanh nữ tú hóng mát, dạo chơi trên cây cầu lịch sử đang dần tản mản các ngả phố. Nhiều người biết cô đứng ở đây đã lâu. Có người nghĩ cô ngắm cảnh. Người khác nghĩ cô nghiền ngẫm sự đời. Một số nghĩ cô đang chán đời.

Vừa nãy một người trung tuổi đi sát vào nhắc: "Đừng làm gì dại dột nhé cháu. Đời còn đẹp lắm!". Anh ta nói vậy vì hiểu ý định của cô gái. Cô nhủ: "Thì mặc người ta. Mắc mớ gì…". Nghĩ thế rồi, cô nhếch mép. Nước mắt lại chắt ra. Ừ thì từ tối giờ, chỉ có những tiếng xì xào, vài cái chỉ trỏ kèm ánh mắt tò mò đi qua, nay mới có một câu nhắc, coi như đồng loại vẫn còn người dám… nhắc mình. Cô lại nhếch mép, thế mà nước mắt cũng rơi.

Đầu buổi tối, cô gái mang tâm trạng rối bời đi bộ lên cầu, nhìn các cặp đôi trẻ, tươi mơn mởn, đùi trắng như trứng chim cút bóc sóng đôi bên nhau, cô thấy ngứa mắt, kèm một chút ghen tị, một chút trách móc, một chút rủa sả. Ừ, chúng mày cứ vui đi, hạnh phúc đi, nghe rót mật vào tai thật nhiều vào, cười đùa và hú hí, đi nhà nghỉ với nhau nhiều vào. Rồi chúng mày sẽ biết. Tao đây này. Tấm gương cho chúng mày. Tao cũng xinh đẹp, cũng cha mẹ đàng hoàng, ăn học tử tế. Tao có quyền hưởng hạnh phúc. Tao đã nghe thằng con trai đó đổ rất nhiều lời đường mật vào tai, rồi cũng chuẩn bị tâm thế để làm vợ, làm mẹ với sự hồi hộp, bủn rủn, trân trọng, mong đợi. Đó là những cảm xúc hạnh phúc nhất của một đứa con gái lần đầu biết yêu. Yêu chân thành. Giờ thì…

"Em là tất cả những gì anh có. Trước sông, trước đất trời, trước cây cầu và hai quả tim, anh xin cầu hôn em". Nghe giọng của một thằng con trai bên cạnh, nói với một đứa con gái, cô chép miệng, cay cú. Điêu. Thằng đàn ông của cô cũng nói na ná như thế. Nó dẫn cô ra cây cầu này, quàng tay lên cổ cô, hôn cô, rồi cũng nói y như thế. Cô đã đi theo thằng đó hết quán này đến nơi kia, đã trao thân. Thằng ranh làm cô có bầu, giờ bỏ cô bơ vơ. Lời hứa hẹn bay biến đâu mất. Khuôn mặt Sở Khanh cũng biến mất, để lại cho cô một khoảng trống vắng toang hoác với một quả tim rỉ máu.

Rồi chúng mày cũng giống tao cả thôi, cô nói thầm, nước mắt lại trào ra.

3.

Tôi không muốn về ngủ. Khó ngủ là chuyện thường của người có tuổi. Nghĩ đến chuyện người vừa được tôi vớt lên bị nẫng mất đồng hồ và nhẫn, máu tôi sôi lên. Tôi tiến gần hơn cây cầu lịch sử. Muỗi vo ve bay bên người. Bước chân rơi trong đêm, kêu thình thịch. Nhìn về phía cây cầu, tôi thấy một cô gái đứng ở tư thế chênh vênh. Cô quá nhỏ bé trước dòng sông, cây cầu và cả màn đêm thành phố. Với sự bất động kia, kinh nghiệm cho tôi thấy có chuyện chẳng lành. Một vài người đi xe máy, có dừng lại quay sang phía cô gái. Chắc họ bảo cô về hoặc đừng làm trò dại dột. Tôi vạch cỏ tiến đến gần chỗ cô đứng, với ý định không để cô gái biết, nhưng sẽ chọn đến một vị trí gần điểm mà nếu cô buông tay, rơi xuống thì tôi có thể nhanh tay cứu cô.

Minh họa: Lê Tâm

Mấy chục năm sống đời chui rúc, tạm bợ nơi bãi sông này, tôi đã gặp hàng trăm kiểu chết, cách nhảy cầu. Có người già, trẻ. Có trai gái. Có giàu nghèo. Có cô gái chết khi tôi vớt lên mặt vẫn còn tươi tắn, son còn thắm ở bờ môi. Có người chết khỏa thân, mình mẩy sũng nước, vú trương to như cái mũ cối. Một vài lần, do xác lâu ngày trôi sông, vừa bị phân hủy, vừa bị cá rỉa, rất đáng sợ.

Lại có người mất tay, chân, đầu hoặc quần áo rách rưới. Cũng có cái xác lao vun vút trong dòng nước chảy xiết, lại có người lững lờ, dập dềnh, thong thả. Mỗi cái chết trôi sông đều phần nào cho thấy thân phận chủ nhân. Giàu hoặc nghèo, luộm thuộm hoặc chỉn chu. Nhiều người trong số họ hẳn vì những phút tuyệt vọng và quyên sinh. Cũng có người là nạn nhân của một vụ án giết người nào đó, rồi bị phanh thây, chặt nhỏ các bộ phận, thả sông.

Mỗi người một kiểu nhưng họ giống nhau vì đều là nô lệ cho cái chết. Chúng ta rồi ai cũng phải chết, nhưng đâu là cái chết vinh quang, có ý nghĩa? Cuộc đời tôi khổ nhiều rồi. Những người đã quyên sinh chắc gì khổ hơn tôi. Tôi vào sinh ra tử ngoài chiến trường. Cả tiểu đội ngày đó hy sinh, tôi lạc đường lang thang ở nước bạn mấy năm. Khi tìm được nơi có người dân mình thì cũng đã mất hết giấy tờ, gầy và đen như quỷ đói. Sau khi được người địa phương chăm sóc, khỏe lại, tôi tìm đường trở về địa phương, nhưng không được tôn trọng, anh em họ hàng cũng li tán, tôi đành bỏ đi.

Sau vài năm phiêu bạt, tôi đã tìm đến gầm cầu này, sống bằng nghề nhặt rác rồi tìm thấy sự hào phóng của bờ bãi và dòng sông. Bờ bãi đã mở vòng tay ôm lấy tôi, rồi ôm lấy nhiều số phận khác từ bốn phương trời, để giờ thành xóm ngụ cư. Nếu dễ dàng tìm đến cái chết thì tôi đã làm cả chục lần rồi. Đã chết rục xác từ lâu. Tôi cũng từng chẳng có gì trong tay, chẳng nhà cửa, người thân, mà giờ vẫn sống đấy thôi. Đối diện với khó khăn, tuyệt vọng và tìm ra lối thoát, có lẽ là cách làm dũng cảm nhất.

Cách đây chừng hai tháng, tôi cứu sống một cô gái, cũng đứng ở vị trị cô gái hiện tại đang đứng. Cô mặc váy trắng đẹp một cách tinh khôi. Lần đó, đoán cô sắp sửa thả mình, tôi hộc tốc chạy về phía ấy. Sau hồi vật lộn với dòng nước, tôi đã đưa được khuôn mặt cô lên khỏi mặt nước. Khi vác cô lên vai, nước trong miệng cô ào ra, tôi biết cô sẽ sống. Tôi chạy nhanh hơn khi ở trên nền cát, cô gái nôn nước và bắt đầu ho. Tôi đặt cô ngồi xuống, rồi để cô nôn sạch nước. Cô lấy tay chặn ngực cho đỡ ho. Bình tâm lại, cô vừa thở vừa nhìn tôi.

Chưa bao giờ tôi thấy một khuôn mặt đẹp như vậy, giống như thánh nữ. Cô gái hỏi: "Cháu đã chết chưa ông ơi?". Tôi phì cười: "Cô chưa ra ma, nhưng gặp tôi, tôi xấu xí khác gì ma". "Vậy là cháu chưa chết". "Chưa". "Sao ông không để cháu chết đi". Tôi gắt: "Mày ngu lắm. Mày xinh xắn thế. Đời còn dài, cái gì cũng có cách giải quyết, sao phải chọn cách ngu nhất! Mày định cướp một khối tài sản, một tình yêu lớn của người sinh ra mày ư?". Cô gái òa khóc. Sau đó trở về, cô gái yêu bản thân hơn. Cô còn trở lại xóm bãi, tặng thêm sách cho thư viện để lũ trẻ xóm bãi có sách đọc. Cô còn cảm ơn tôi một bộ lọc nước để gia đình tôi có nước sạch dùng.

Tôi đã vớt được hàng trăm người ở đây. Ai may mắn có giấy tờ tùy thân thì có người nhà đến nhận. Còn những người không rõ thông tin, chúng tôi tập kết chôn ở khu mộ vô danh, mé tây. Tôi làm việc nghĩa, là nghiệp chứ không phải nghề. Nhưng nhiều người biết ơn tôi vì đã cứu sống họ lúc họ tuyệt vọng nhất.

Lại nói đến chuyện hàm ơn. Ba năm trước, tôi cứu một thanh niên phút yếu lòng vì bị bạn gái phản bội, đã thả mình xuống dòng nước. Hôm đó nước sâu, phải nhờ thêm chiếc tàu cát đi qua giúp tôi mới đưa được chàng trai lên. Chàng trai tên Sơn, vâm váp khỏe mạnh lắm, nhưng không biết bơi. Sau này Sơn làm kinh doanh, có vợ cực xinh. Nhớ ơn tôi nên đã trở lại tìm. Sơn nói: "Không có bác ngày đó, con chẳng biết đã biến thành ma ở phương nào. Đúng là dại dột. Cha mẹ ban cho mạng sống, nhưng tuổi trẻ chúng con đã từng có phút giây nghĩ quẩn".

Biết mình dại và phấn đấu là tốt rồi. Nhưng cuộc đời mà, cái chết, sự cùng quẫn, tuyệt vọng vẫn đeo bám đám thanh niên và bất cứ ai từng đầy ước mơ và hoài bão, nhưng lâm vào đường cùng hoặc chông chênh. Nhiều bạn trẻ đưa nhau đến cây cầu này, hóng gió, thề non hẹn biển. Hình ảnh tuyệt đẹp diễn ra ở đây rồi trong lúc tuyệt vọng nhất cũng đến đây tìm cái chết. Cây cầu cổ kính hấp dẫn bọn trẻ đến thế ư!

Tôi ngước lên cầu. Cô gái vẫn đứng bất động ngoài lan can. Một điểm vô cùng nguy hiểm. Cô chỉ cần buông tay, gió sẽ kéo cô xuống. Tôi mong cô nghĩ lại. Hãy về đi, bình tĩnh và ngẫm về cuộc đời. Tuổi trẻ mà, ai chả có lúc ngã lòng, dại dột, nhưng quay đầu lại là bờ. Giả dụ, nếu ở trên đó cô không vượt qua được, vẫn còn tôi đây.

4.

Hãy buông tay ra đi. Buông đi. Buông. Kết thúc chuyện này đi… Những lời ong ong ve ve xúi giục. Cô không biết nó từ đâu nhưng nó cứ ám vào tâm trí. Từ lúc lâm vào tuyệt vọng, cô chỉ nghĩ đến cái chết cho đỡ phải nhìn thấy bộ mặt đểu giả của người cô từng yêu. Nhiều đêm cô nghe thấy trong đầu những ý nghĩ xáo trộn, xui cô hãy kết thúc mạng sống mình. Bây giờ kẻ tàng hình trong não cô, trong gió vẫn không ngừng xúi giục. Nghe chúng ư? Không! Tiếp tục sống, quay về ư? Không! Vậy ta phải làm gì đây? Cô đấu tranh tư tưởng. Những bóng ma đang lởn vởn dưới sông, vài bóng ma dựa vào thành cầu chờ đợi thì biết cô. Những hồn ma đang đợi cô nhập vào đoàn.

Đứa con gái áo trắng tuổi hai mốt, học ngân hàng nhìn cô, ý bảo: "Buông ra, buông ra rồi chúng ta cùng bay. Đàn ông chả là cái thá gì. Đàn ông chỉ là thứ đáng bị ruồng bỏ". Chị nhân viên văn phòng cũng tiến lại: "Nghĩ ngợi làm gì. Cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì cả. Cuộc sống đáng bị căm thù vì ở đó đầy chông gai và đau khổ". Chỉ một lúc, vây quanh cô gái là bao gương mặt, mờ ảo, lễnh loãng. Đa số còn trẻ. Đa số đều xinh gái. Và đều buông mình từ cây cầu. Cô có nên nghe theo họ?

Tai cô ù đi. Không. Tôi không nhảy đâu. Không!

Cô thấy tiếng gã người yêu cũ: "Cô đã ngủ được với tôi, chắc gì không ngủ với nhiều người khác. Cô cũng đâu có đoan chính gì…". Cô nói: "Anh đã hứa với em bao điều tốt đẹp, anh nói em là tất cả những gì anh có và chúng ta sẽ cưới nhau. Vậy thì anh làm đi". "Chả dại gì. Tôi còn nhiều việc phải lo". Cô nài van: "Em xin anh, em có bầu hai tháng, chúng ta có con rồi. Hôm trước anh cũng đã hứa nếu em có bầu, anh sẽ có trách nhiệm và làm đám cưới sớm". "Không, lúc đó là do tôi uống rượu. Tôi không tỉnh táo". "Anh… đồ…! Anh phụ em thế sao? Anh đã no xôi chán chè rồi ruồng bỏ em sao? Em sẽ chết, sẽ kéo tình yêu ta xuống mồ, sẽ ôm theo cả nỗi hận anh".

- Sao tôi ra nông nỗi này? - Cô gái hét lên - Tại sao tôi ra nông nỗi này hả giời?

Hai thanh niên nghênh ngang đi tới. Tò mò: "Này cô em? Định nhảy xuống hả? Phí đời lắm. Trèo vào đây đi theo bọn anh". Cô gái không nói gì. Thanh niên cao đứng hẳn lại, có ý giúp đỡ: "Này em, nguy hiểm lắm, em trèo vào đi". Nói xong, thanh niên cao nói nhỏ vào tai thanh niên thấp hơn, hãy đi tìm thêm người giúp.

Lát sau có thêm một người trung tuổi. Người này giọng dõng dạc, thuyết phục cô quay vào.

- Em không sao - Cô gái lí nhí.

- Không sao thì vào đi. Hay để anh ra đưa em vào.

- Không, không! - Cô gái cương quyết - Anh ra là em nhảy đó.

- Đừng. Em biết không, trước đây anh cũng từng có ý định như em, nhưng anh đã được người khác cứu, động viên. Giờ anh rất ổn. Nếu ngày đó anh không nghe người đã kéo mình lại thì chẳng biết là chuyện gì đã xảy ra. Vậy anh mong em hãy bình tâm lại. Đời chúng ta còn rất nhiều điều tốt đẹp.

Cô gái hét lên:

- Anh không cần khuyên em.

Cô gái buông tay ra. Gió, bóng đêm ập vào cô, nuốt lấy cô. Những bóng ma mỗi hình mỗi vẻ, giọng cười khanh khách, giọng buồn rầu. Có bóng ma vô cảm. Cô rơi vào miền mơ hồ, không trọng lượng, không cảm giác. Sau đó là nước. Nước ôm trọn cô.

5.

Tôi cố lao ra chỗ cô gái vừa rơi xuống. Nước xiết quá. Nước cản tôi tiến về phía ấy. Đêm và nước làm tôi yếu đi. Phải cứu lấy cô gái. Cô ấy còn rất trẻ. Cô ấy vùng vẫy trong nước. Cô ta không biết bơi. Trên cầu hình như có người đang nhìn xuống. Họ biết tôi ở dưới này, đang tìm cách cứu cô gái.

Cô gái quẫy đạp khiến tôi khó khăn trong tiếp cận. Tôi túm được chân cô. Nước chảy quá nhanh khiến cô tuột khỏi tay. Với kinh nghiệm nhiều năm trên sông, tôi lao theo, ngụp xuống, chộp lại chân cô gái.

6.

Người nhảy sông vì bất mãn với cơ quan hỏi xung quanh: "Có nên cho cô ta nhập đội mình không? Chỉ dìm ba phút nữa xuống đáy sông thì cô ta sẽ đi theo chúng ta". Cô gái chết vì hận người thứ năm cô trao trái tim phản bội, nói: "Cô này trẻ quá, mới mười chín". Cô gái chết vì yêu nhầm giám đốc Sở Khanh bĩu môi: "Nó cũng dại dột, yếu đuối, nhưng nó đã không nghe lời người trên kia khuyên giải. Hãy mang nó theo, chúng ta cần đội ngũ càng đông càng tốt. Thế giới nào chả cần chị em, người phục dịch".

Một người ra vẻ đàn chị, tự tử đến lần thứ ba mới thành công, nói: "Thôi tha cho nó. Đời đã lắm chuyện bạc bẽo. Ai chả có giây phút dại dột, đánh mất niềm tin. Ai cũng có cha mẹ và cần neo vào cuộc sống. Cho con bé này trở lại thế giới người đi. Cho nó sống. Sống thêm để chịu khổ thêm. Nhưng trong cái khổ ấy có niềm hạnh phúc. Chúng ta ở đây không còn cơ hội làm người nữa rồi. Ít nhất lúc này, trong dịp tôi chết được tròn một năm, hãy tích một ít phúc đức…".

Cả bọn nhao nhao, nói: "Đồng ý".

7.

Giờ tôi giữ chặt, tìm cách ôm người, để đầu cô gái nhô lên khỏi mặt nước, đưa vào bờ. Trên cầu có người hét. Tôi nghe không rõ. Chắc họ hét lên vì tôi đã tiếp cận được cô gái. Cô gái đã lả đi. Phải đưa nhanh cô gái vào bờ kẻo không kịp. Tôi làm thuần thục mọi chuyện. Bế vác, chạy cho nước ộc ra. Chạy chừng vài chục mét đã thấy nước ồng ộc chảy, lẫn với nước chắt từ áo quần. Cô gái đã cựa quậy và ho. Sống rồi. Tôi nhủ. Tôi để cô ngồi xuống. Cô gái ho khù khụ, khạc ra nước và bọt.

- Tôi cứ tưởng cô không dám nhảy.

Cô gái sợ hãi nhìn tôi. Phải rồi. Sau cả tiếng đồng hồ đấu tranh tư tưởng, đến lúc quyết định buông bỏ mọi thứ, nghĩ rằng đời thế là hết, nhưng rồi lại ngồi đây, trước một lão già đen đúa, ướt lướt thướt, cô không tránh khỏi vừa sợ vừa ngại. Tôi định thần:

- Cháu dại dột quá. Nếu không có bác thì cháu đã bị sông nuốt trôi rồi. Thôi được rồi, cháu có vẻ lạnh, giờ về nhà bác, lấy đồ của vợ bác thay ra, mai ta tính tiếp.

- Cháu không đi đâu, cháu muốn chết, cháu…

Tôi biết, mình phải làm tư tưởng thật tốt. Sau cú suýt chết, những cô gái trẻ như thế này sẽ không đủ dũng khí để tiếp tục lao xuống sông. Chí ít là đợi đến hôm khác.

- Bác biết, cháu là người đàng hoàng tử tế. Bác cũng vậy. Bác cũng từng cứu được một người và người đó giờ làm vợ bác. Chúng ta chẳng ai trốn được hiện thực cả, nhưng đều có thể chọn cho mình một cách vượt qua hiện thực tốt nhất. Dù cháu muốn chết vì điều gì thì cũng đều phạm tội bất hiếu với cha mẹ. Nào, ta về nhà bác thôi.

- Nhưng cháu, cháu chả còn gì…

- Được rồi. Ngày mai, bác sẽ cho cháu gặp những người khổ gấp nhiều lần cháu. Nhưng họ vẫn khát sống trên chính cái bãi nổi này. Chẳng ai bỏ rơi cháu cả. Có gì mai ta nói chuyện thêm, cháu sẽ hiểu hơn về bác, về cuộc đời.

Cô gái òa khóc, nhưng khi tôi kéo tay thì cô nghe theo.

8.

Trở về ngôi nhà tạm bợ, làm theo kiểu nhà sàn của vợ chồng ông trưởng xóm bãi, cô gái được thay quần áo khô. Vợ chồng ông nhường cho cô nằm trong màn để tránh muỗi. Đêm đó cô ngủ say. Trong giấc mơ thăm thẳm, cô thấy mình đã ổn định tinh thần. Rồi cô thấp thểnh đi tìm người yêu cũ để nói chuyện, cứu vãn tình hình. Nhưng gã kia đã có người yêu mới, không chấp nhận. Cô liều sinh con một mình, rồi tìm cách gửi vào một ngôi chùa. Một ngày kia, gã tìm đến cô, xin lại con. Gã đã bị vô sinh. Cô nhìn gã, cười ha hả trong nước mắt...

Mùi lá tía tô thơm nức đánh thức cô dậy. Nắng đang lên. Vợ chồng ông lão nấu cháo, cả nhà ăn, rồi ông gọi những người dân xóm tạm đến nói chuyện. Cô gái không ngờ, ở giữa sông, giữa bãi nổi lại có những số phận như vậy. Cô thấy mình biết ơn xóm bãi, những người vô gia cư nghèo khổ. Cô cũng biết ơn vị nước cằn cặn dưới lòng sông ngầu đỏ, vị cát ram ráp đã làm cô tỉnh ngộ, hiểu rằng người đàn ông ấy không đáng để cô phải chết. Cuộc đời còn nhiều điều phải bận tâm. Dù trong hoàn cảnh nào cũng phải yêu bản thân mình.

Ân nhân có một anh con trai vâm váp lành hiền, cô đã làm con dâu xóm bãi. Anh chàng hết mực yêu cô và yêu đứa con trong bụng cô. Thật may trong đêm quyên sinh, em bé không bị ảnh hưởng. Ông lão cũng mừng lòng vì cô gái đã chịu ở lại, làm con dâu ông. Sau này, ông hỏi: "Vì sao con chấp nhận làm dâu ta, làm dâu xóm bãi, dù nơi này quá nghèo?". Cô gái thưa: "Con đã chết một lần. Bố là người đã sinh ra con lần hai, đã cưu mang, cho con còn thấy cuộc sống có giá trị".

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/duoi-dong-troi-i714734/