Đuổi kịp siêu thanh Nga, Mỹ hẹn 30 ngày hay 3 năm?

Lầu Năm Góc dự định trong tháng tới sẽ thử nghiệm tên lửa siêu thanh, nhưng Quốc hội Mỹ đánh giá bi quan về dự án, do không có đủ công nghệ.

Chương trình triển khai vũ khí siêu thanh ở Hoa Kỳ có thể bị trì hoãn do không có đủ công nghệ. Điều này được nêu ra trong bản báo cáo mang tên “Hypersonic Weapons” (Vũ khí siêu thanh) của Vụ Ngân sách - Kiểm soát của Quốc hội Hoa Kỳ.

Nói về những trở ngại cho việc đạt mục tiêu những người soạn thảo tài liệu cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện thấy một số công nghệ quan trọng chưa phát triển đầy đủ khi bắt đầu chương trình. Điều này có thể tạo ra những trở ngại cho việc đạt được các mục tiêu dự kiến”.

Cụ thể, các tác giả của báo cáo lưu ý rằng, mặc dù mới đưa ra 3 phương hướng trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh cách đây nửa năm, nhưng nhiều vấn đề trong số này có liên quan đến kỹ thuật phức tạp của các hệ thống siêu âm là những bộ phận chịu tải trọng cực lớn trong các chuyến bay thử nghiệm.

Vào tháng 8 năm 2020, Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Hoa Kỳ báo cáo rằng các cơ sở chuyên môn của Lực lượng vũ trang Hoa Kỳ đang làm việc theo ba phương hướng trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh: Tấn công nhanh bằng vũ khí thông thường (Conventional Prompt Strike, gồm phương tiện bay và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng); vũ khí siêu thanh tầm xa (Long-Range Hypersonic Weapon tầm hoạt động khoảng 2,2 nghìn km, triển khai cho lực lượng mặt đất) và vũ khí phản ứng nhanh triển khai trên không (AGM-183 Air-Launched Rapid Response Weapon - đầu đạn tấn công có thể tăng tốc độ tới 20 Mach, tầm bay khoảng 925 km).

Máy bay ném bom B-52H Stratofortress mang tên lửa AGM-183A ARRW

Được biết, báo cáo này đưa ra trong bối cảnh mới vào hôm 05/3 vừa qua, Tướng Heath Collins - Giám đốc Điều hành Chương trình Vũ khí của Lực lượng Không quân Mỹ - đã gây bất ngờ lớn bằng tuyên bố rằng, Không quân Mỹ sẽ chính thức phóng tên lửa siêu thanh AGM-183A từ trên không trong vòng chưa đầy một tháng nữa.

"Trong 30 ngày tới, chúng tôi sẽ chính thức phóng tên lửa siêu thanh AGM-183A từ trên không. Và đến cuối năm 2021, những cuộc thử nghiệm ở cấp độ toàn diện với dòng tên lửa này sẽ được thực hiện", viên Tướng Mỹ tiết lộ.

Được biết, cuộc thử nghiệm lần đầu (không phóng, không đầu đạn) của AGM-183A được thực hiện hồi giữa năm 2020 trên máy bay ném bom B-52H Stratofortress. Lần thử nghiệm đầu tiên này chỉ kiểm tra khả năng mang tải của máy bay, mỗi chiếc B-52H được mang theo 2 quả AGM-183A.

Mô hình 3 phương hướng trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh của Mỹ

Theo tướng Collins, mục tiêu trong lần đầu phóng thử AGM-183A chỉ nhằm kiểm tra sức mạnh và sự ổn định của động cơ tên lửa (thử nghiệm khả năng bay) chứ tên lửa chưa được gắn phần chiến đấu siêu thanh.

Theo ông, mục tiêu của Mỹ khi phát triển AGM-183A là tạo ra loại vũ khí có thể đạt tốc độ lớn hơn Mach 5 và là vũ khí đối tối tân hơn tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal (“dagger”) của Nga có tốc độ lên tới gần Mach 10.

Vào ngày 24 tháng 12 năm 2020, một tờ báo chuyên ngành của Mỹ đưa tin rằng nỗ lực phóng tên lửa thử nghiệm đầu tiên của Mỹ mang khái niệm vũ khí phản lực siêu thanh đã thất bại, trong khi trước đó, vào đầu tháng 9, Lầu Năm Góc tuyên bố đã thành công trong các vụ thử nguyên mẫu tên lửa siêu thanh.

Theo báo cáo mới nhất này và những tuyên bố đầy mâu thuẫn trước đó, con đường đi tới thành công trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh của Mỹ vẫn còn rất xa chứ khó thành công trong 30 ngày nữa, bởi những nút thắt công nghệ mà Hoa Kỳ không dễ để vượt qua, trong khi Nga từ lâu đã biên chế tên lửa Kh-47M2 Kinzhal và sắp tới là 3M-22 Zircon.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/duoi-kip-sieu-thanh-nga-my-hen-30-ngay-hay-3-nam-3429550/