Dưới tán rừng Cúc Phương

Cán bộ rừng Quốc gia Cúc Phương hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc chim công một tháng tuổi.

Xã nghèo vượt khó

Vừa ngồi chưa kịp nóng chỗ, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương đã "giáng" ngay tin buồn "Mất hết rồi anh ạ. Hàng trăm ha ngô của xã vụ này mất trắng, may mà có cái khác bù vào nếu không thì đói to đấy". Rồi anh cho biết kinh nghiệm khi ra thăm đồng lúc ngô trổ cờ hễ từ xa nhìn mà thấy "đỏ là thắng, trắng là hỏng". Nếu đủ nước tưới, phân bón tốt thì hoa của cây ngô có mầu đỏ sậm, ấy là được mùa. Còn năm nào thời tiết khô hạn, ngô trổ cờ có mầu trắng như hoa lau thì chắc chắn là bắp không có hạt. Cây ngô một dạo chiếm vị trí quan trọng trong bữa ăn hằng ngày của đồng bào Cúc Phương. Khoảng những năm 2002-2004, ngô vẫn là nguồn lương thực chưa thể thiếu vì gạo ở Cúc Phương thường xuyên thiếu, cho nên nhiều gia đình đồng bào Mường vẫn ăn độn thêm ngô. Trong mấy năm gần đây, cùng với chiến lược đưa giống lúa mới

năng suất, chất lượng cao, nhất là giống lúa chịu hạn và kháng sâu bệnh vào đồng ruộng thì chuyện thiếu lương thực ở Ninh Bình nói chung và ở Cúc Phương nói riêng đã dần được đẩy lùi. Cây ngô xếp xuống hàng thứ hai dùng để chăn nuôi gia súc, gia cầm. "May mà có cái khác bù vào không thì đói to đấy" - câu nói như vô tình của Chủ tịch UBND xã Cúc Phương Đinh Thúc Chiến đã gợi trí tò mò của tôi. Cúc Phương, một vùng đất nghèo thì làm gì có thứ nào khác ngoài chuyện lên rừng chặt phá cây để bù vào khoản thiếu lương thực. Nhưng nếu chặt phá cây thì cũng có nghĩa là rừng bị tàn phá, cũng có nghĩa là đất đai ở đây càng nhanh chóng bị xói mòn, nhanh chóng bạc màu đó là chưa kể tới lũ, hạn hán.

- Phá rừng không phải là chuyện đáng khuyến khích, có gì mà Chủ tịch "khoe"?

Thấy tôi ngồi thần ra nghĩ ngợi, Chủ tịch Chiến cười bảo:

- Không phải phá rừng đâu nhà báo ơi. Mà ngược lại, đồng bào ở đây còn bảo vệ rừng ghê lắm, rừng là tài nguyên, là lá phổi. Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

Tôi cứ im lặng ngồi nghe Chủ tịch xã thao thao mãi, sau mới hỏi:

- Vậy thì bằng cách nào mà đồng bào có thể giàu được?

- Chăn nuôi - Chủ tịch Chiến trả lời gọn lỏn. Chăn nuôi con đặc sản đấy.

Thế là câu chuyện về chăn nuôi con đặc sản ở Cúc Phương như nguồn nước chạm phải mạch.

Đó là vào năm 2007-2008, khi Tỉnh ủy Ninh Bình có Nghị quyết 10 về giảm nghèo, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể được phân công giúp đỡ 23 xã có số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Cúc Phương cũng là một trong số xã được hỗ trợ. Chương trình 135, Chương trình 134 cùng hàng loạt dự án khác nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, rồi trợ giúp hộ nghèo, gia đình chính sách sửa chữa, xây nhà mới... nhưng xã xác định muốn làm giàu bền vững, phải phát huy nội lực - Chủ tịch xã Đinh Thúc Chiến cho biết, nội lực ở chính mảnh đất giàu tiềm năng này. Nói về tiềm năng thì Cúc Phương quả là vùng đất giàu. Xã gồm mười thôn nằm trong địa hình ba vùng rõ rệt. Thôn Sấm, thôn Nga 3 là vùng núi cao, còn vùng đồng bằng trũng có Đồng Tiến, các thôn Nga 1, 2 thuộc vùng trung du bán sơn địa. Năm 1986-1989, đồng bào Mường nằm trong dự án bảo tồn rừng quốc gia Cúc Phương phải chuyển nhà ra các thôn Nga 1, 2, 3, cho nên các thôn Nga trở thành trung tâm của xã nằm ôm lấy con đường từ huyện Nho Quan lên rừng quốc gia.

- Nhưng làm cách nào mà Cúc Phương có thể giàu lên được khi hàng trăm năm trước và đến bây giờ địa hình vẫn thế, con người vẫn thế? Tôi sốt ruột hỏi.

- Từ từ rồi khắc biết. Anh Chiến nói.

Câu hỏi làm thế nào thoát nghèo trên mảnh đất giàu tiềm năng như Cúc Phương như bám riết lấy đội ngũ cán bộ xã. Đất rộng, người thưa giờ trở thành thế mạnh giúp Cúc Phương phát triển sản xuất. Với hơn 84% diện tích đất canh tác nông nghiệp thuộc vùng khô hạn trông vào nước trời và còn đồi núi nhấp nhô như bát úp thì sản xuất gì đây, nuôi con gì đây là cả một vấn đề đòi hỏi cần có hướng đi nghiêm túc. Thế là đảng ủy xã vào cuộc. Đảng ủy ra chủ trương mỗi cán bộ, đảng viên phải tiên phong trong chiến dịch giảm nghèo. Thế là cán bộ các ban, ngành ở xã, từ cán bộ mặt trận, cựu chiến binh, phụ nữ, nông dân, thậm chí đến các bí thư chi bộ, trưởng thôn... đều trực tiếp đưa mô hình kinh tế thực hiện tại gia đình của họ. Hàng loạt vật nuôi: ong, bò lai sind, dê, trâu... chuyển từ nơi khác về. Nhà nào ở Cúc Phương cũng nuôi từ một đến hai cặp trâu, bò khiến đàn đại gia súc ở địa phương tăng đáng kể. Từ chỗ vài trăm con, có dạo đàn trâu, bò toàn xã lên tới gần một nghìn con. Nhưng một thời gian sau, thấy hiệu quả kinh tế không cao cho nên xã chuyển hướng. Năm 2003, được Trung tâm khuyến nông tỉnh giới thiệu và chuyển giao mô hình nuôi nhím và các con đặc sản như hươu sao, gà rừng thì xã chuyển hướng ngay và chính sự chuyển hướng này đã giúp người dân Cúc Phương giàu lên nhanh chóng. Năm 2003, sau khi nghiên cứu kỹ thuật nuôi nhím, cán bộ trong đảng ủy từ Bí thư xã Đinh Duy Hải đến Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã và cán bộ ban, ngành, đoàn thể ở Cúc Phương đều nuôi nhím sinh sản. Gia đình nào khó khăn cũng mua một đôi làm giống, có gia đình bán bò để mua hai, ba đôi nhím giống.

- Nuôi nhím hiệu quả cao hơn bò? Tôi hỏi Bí thư Đảng ủy xã Cúc Phương Đinh Duy Hải, người được coi là có kinh nghiệm hàng đầu về nuôi nhím ở địa phương.

Anh Hải cho biết:

- Nuôi nhím hiệu quả kinh tế hơn nuôi trâu, bò nhiều lần. Chuồng trâu, bò có thể nuôi được ba, bốn cặp nhím. Sau 12 tháng tuổi, một cặp nhím bắt đầu sinh sản. Tùy vào chế độ chăm sóc, mỗi lứa nhím đẻ từ một đến hai con, thậm chí là ba con, mỗi năm nhím đẻ hai lứa, nhiều nơi nhím đẻ ba lứa/năm. Thức ăn của một con bò mỗi ngày khoảng 20 đến 25 kg cỏ, trong khi nhím chỉ hết sáu đến bảy kg mỗi ngày mà một cặp nhím giống lúc cao điểm lên tới 15 đến 18 triệu đồng. Nuôi trâu, bò lượng thức ăn là cỏ, lá rừng mỗi ngày quá lớn cho nên dễ sinh ra chuyện lấy lá cây rừng làm chết cây. Còn nuôi nhím chỉ cần lượng thức ăn bằng một phần sáu của trâu, bò mà vẫn mang lại hiệu quả.

Anh Hải cho biết thêm, năm 2008-2009, mô hình chăn nuôi nhím ở Cúc Phương được nhân rộng lên gấp 10 lần so với năm 2003, khiến đàn nhím của xã tăng lên gần 500 con. Nhiều gia đình thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ bán nhím giống.

Cuộc sống đổi thay

Mấy năm không lên Cúc Phương, nay trở lại tôi thấy khác xưa nhiều. Nổi bật là dưới lùm cây xanh xuất hiện những ngôi nhà mái bằng có kiến trúc hiện đại, đẹp hơn nhà vườn ở thành phố vừa được xây trên nền đất cũ. "Có tới hàng trăm ngôi nhà như thế, Cúc Phương giờ khá rồi". Phó Chủ tịch UBND xã Cúc Phương Đinh Công Sính cho biết và chỉ tay về phía trước, tất cả là nhờ cái nhà kia đấy. "Trung tâm học tập cộng đồng xã Cúc Phương" rộng chừng 500 m2 được quét vôi mầu vàng nằm cạnh trụ sở UBND xã, đây là "lò" đào tạo những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương. Tại đây, hàng trăm hộ nông dân được học tập chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, giới thiệu những mô hình sản xuất mới ngay tại địa phương để đồng bào học tập. Nhờ những buổi chuyển giao kỹ thuật, Cúc Phương tổ chức quy hoạch sản xuất, phân vùng trồng cây thích hợp. Vùng hạn trồng mía và cây công nghiệp gắn nuôi gà thả vườn, vùng đồng bằng trồng lúa lai, lúa thuần Phú Ưu và cả những giống lúa truyền thống của đồng bào. Năng suất tuy bấp bênh vì phụ thuộc vào tự nhiên cho nên có vụ đạt hơn 50 tạ/ha, có vụ chỉ được gần 40 tạ/ha cung cấp đủ lương thực cho đồng bào. Giờ đây, đồng bào Mường ở Cúc Phương mở rộng chăn nuôi con đặc sản, đó là gà rừng lai với gà ri, nhím, công, trĩ, lợn rừng và đặc biệt là hươu lấy nhung. Gia đình cán bộ xã như ông Việt ở thôn Bãi Cả, ông Tuyên ở thôn Nga, ông Thanh, ông Châu ở thôn Sấm... là những mô hình chăn nuôi lợn rừng, gà rừng điển hình được nhiều người trong xã đến học tập. Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm học tập cộng đồng mở gần 20 lớp truyền lại cho hơn 800 lượt người những tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, xã Cúc Phương hiện có hơn 200 hộ (chiếm một phần tư tổng số hộ của xã), thu nhập mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên.

Vừa qua, Chủ tịch xã Cúc Phương Đinh Thúc Chiến cho tôi biết, năm nay, đồng bào lại "thắng to" trong việc bán nhung hươu. Với giá 2,3 đến 2,5 triệu đồng/lạng, mỗi con hươu cho khoảng sáu đến tám lạng nhung, thậm chí có con còn đạt một kg nhung thì hộ nào nuôi năm con hươu cũng thu nhập hơn trăm triệu đồng. Một con hươu ăn từ 10 đến 13 kg cỏ, lá rừng mỗi ngày, chủ hộ nuôi đầu tư 3,6 triệu đồng/năm để mua cỏ, lá rừng mà khi bán nhung thu về gần 20 triệu đồng. Hằng năm, từ đầu tháng 2 đến hết tháng 3 âm lịch là thời điểm Cúc Phương nhộn nhịp khách đến mua nhung hươu. Thu nhập của nông dân toàn xã năm 2011 được nâng lên hàng chục tỷ đồng. Sắp tới, xã sẽ liên kết rừng quốc gia Cúc Phương để chăn nuôi gà lôi, chim công, chim trĩ nhằm bảo tồn nguồn gien cho rừng, đồng thời cung cấp cho các khu vui chơi giải trí trong cả nước.

Dưới tán rừng Cúc Phương, đời sống của đồng bào Mường đang đổi thay từng ngày.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/i-s-ng-tin-chung/d-i-tan-r-ng-cuc-ph-ng-1.353526