Dưới vầng trăng cổ tích

Tết Trung thu ùa về trên từng nẻo phố, hương vị bánh nướng, bánh dẻo tỏa lan đâu đây, tôi bùi ngùi nhớ về không khí phá cỗ trông trăng giản dị, đầm ấm thuở bé thơ.

Ngày còn nhỏ, mỗi dịp đến Tết Trung thu, tôi cùng đám trẻ trong xóm lại hào hứng đón chờ đêm phá cỗ trông trăng. Chúng tôi nũng nịu đòi bố mẹ mua cho đồ chơi, bánh kẹo. Ðồ chơi xưa kia phần lớn làm bằng nguyên liệu thuần khiết từ thiên nhiên. Từ gỗ, tre, nứa, giấy mầu làm nên những tang trống ếch xinh xắn, chiếc đèn ông sao lấp lánh, mặt nạ độc đáo…

Vào đêm trăng rằm vằng vặc, lũ trẻ quây quần bên mâm cỗ đầy ắp bánh trái, hoa quả, nghe người lớn kể chuyện cổ tích cung trăng; rồi cùng nhau nô đùa, nhảy nhót, chơi những trò chơi dân dã, rộn vang tiếng cười. Cuộc sống đổi thay, đồ chơi con trẻ bây giờ xuất hiện đủ chủng loại súng, xe tăng, rô-bốt, siêu nhân. Hương vị bánh Trung thu bị biến thể với trà xanh mát-cha, phô-mai, kem lạnh. Những hộp bánh cao cấp mà nhân làm từ vi cá mập, nhung hươu, yến sào giá hàng chục triệu đồng. Khung cảnh đón Trung thu chẳng đơn thuần là bờ đê, ngõ phố, sân thượng, nhà tập thể… mà bây giờ giới trẻ nhiều khi thích tụ họp ở nhà hàng, quán xá sang trọng hay lên tầng cao chót vót của những tòa nhà chọc trời để ngắm trăng.

Dịp này, hàng loạt cơ sở sản xuất bánh kẹo lớn nhỏ tung ra thị trường số lượng không nhỏ bánh nướng, bánh dẻo đủ hình dáng, mẫu mã. Bên cạnh những thương hiệu quen thuộc như bánh mứt kẹo Hà Nội, Hữu Nghị, Hải Hà, Kinh Ðô, còn có các thương hiệu bánh được người tiêu dùng ở Hà Nội ưa thích: Thu Hương, Bảo Ngọc; bánh của các cơ sở Ninh Hương (phố Hàng Ðiếu), Bảo Phương (đường Thụy Khuê)…

Nhiều bà nội trợ còn tự mua nguyên liệu để làm ra những chiếc bánh Trung thu dẻo thơm.

Làng Xuân Ðỉnh, thuộc phường Xuân Ðỉnh (quận Bắc Từ Liêm), có nghề làm bánh Trung thu truyền thống. Trước đây, hàng chục hộ dân trong làng cần mẫn làm bánh thủ công, tuy nhiên, do thị trường bão hòa cho nên chỉ còn một số cơ sở sản xuất đạt quy chuẩn an toàn được đăng ký bảo hộ thương hiệu tiếp tục làm ra những chiếc bánh thơm thảo.

Ở làng Thọ Am, xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì), cũng có nghề làm bánh cổ truyền, sản phẩm tiêu thụ trong vùng. Ðể làm nên chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống, các nghệ nhân phải kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu, xay bột, trộn nhân đến đổ bánh vào khuôn, nướng bánh. Gạo nếp phải lựa loại nếp cái hoa vàng óng ả, đỗ xanh tiêu hạt nhỏ ruột vàng, mỡ lợn thái khẩu, đường kính, lá chanh ta… và không thể thiếu hương thơm chưng cất từ những cánh hoa bưởi tinh khiết.

Tết Trung thu cũng là dịp để các gia đình và cộng đồng quan tâm nhiều hơn đến thiếu nhi. Khắp phường, xã, thôn, xóm, đoàn thanh niên rục rịch tổ chức sân chơi cho các em. Dưới vầng trăng cổ tích, hoạt động rước đèn ông sao, những trò chơi lành mạnh, phá cỗ thu hút đông đảo thiếu niên, nhi đồng. Không ít đơn vị, cá nhân đi thăm hỏi, tặng quà những em nhỏ thiệt thòi, lang thang, cơ nhỡ. Ở một số bệnh viện, xuất hiện đoàn ca sĩ, diễn viên đến tận nơi trao quà, biểu diễn văn nghệ cho bệnh nhân nhỏ tuổi. Nhiều cơ sở từ thiện nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tật nguyền mở cửa đón từng đoàn thiện nguyện tới động viên, thăm hỏi phần nào xoa dịu nỗi đau thiệt thòi, mất mát mà các em sớm phải gánh chịu. Tấm lòng nhân ái cứ thế lan tỏa vào mỗi mùa Trung thu trong trẻo.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/41543602-duoi-vang-trang-co-tich.html