Đường 104 tỷ hỏng nặng sau mưa lớn: Cho kịp tiến độ

Chủ đầu tư biết đẩy nhanh tiến độ sẽ ảnh hưởng tới chất lượng công trình nhưng chậm thì không lấy đâu ra tiền trả cho nhà thầu.

Tuyến đường dài 21,8 km nối từ thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa) đi xã Ia Băng (huyện Chư Prông) với tổng vốn đầu tư là 104,5 tỉ đồng trích từ ngân sách tỉnh, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư;

Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên và Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Hà Mỹ Hưng trúng thầu thi công; đơn vị giám sát là Công ty TNHH TVTK XD Quang Anh.

Đoạn đường này mới thông xe được 6 tháng nhưng đã xuất hiện sự cố bong tróc lớn, xuất hiện những vệt bóng tróc lớn, ổ gà, ổ voi nham nhở khiến người tham gia giao thông gặp nguy hiểm.

Ngày 23/10/2018, trao đổi với Đất Việt, ông Quanh Anh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn - Thiết kế Xây dựng Quang Anh cho biết, đơn vị đang giám sát chặt chẽ việc sửa chữa đoạn đường 104 tỷ đồng ở Gia Lai bị hỏng nặng sau cơn mưa, khoảng vài hôm là sẽ xong.

Mặt đường trăm tỷ ở Gia Lai nát tươm khi mới đưa vào sử dụng. Ảnh: Infonet.

Có ý kiến cho rằng, đoạn đường xảy ra sự cố là do nhà thầu thi công ẩu. Nhưng ông Quanh Anh phủ nhận điều này.

Theo đại diện đơn vị giám sát, đơn vị thi công tuyến đường có đẩy đủ năng lực, trang thiết bị hiện đại để làm tuyến đường.

Lý giải về những sự cố này, ông Quang Anh nói: "Đoạn đường hỏng cũng đến từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do tiến độ thi công quá gấp rút, theo tiến độ là đến tháng 12/2017 là chủ đầu tư phải rải ngân vốn.

Nếu thi công chậm quá, kéo dài sang năm 2018 thì việc giải ngân vốn của chủ đầu tư gặp nhiều vấn đề nên khó có thể giải ngân được.

Thứ 2 nữa là việc thi công tuyến đường đúng vào giai đoạn mùa mưa ở Gia Lai nên cấp phối đá dăm, nhựa... bị ẩm.

Trong quá trình thi công, công nhân phải làm cả 3 ca ngày - đêm không ngừng để cho kịp tiến độ. Nên khi đoạn đường xảy ra sự cố thì cả chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát điều có trách nhiệm trong đó và cùng nhau tìm phương hướng khắc phục. Hiện nay việc khắc phục cũng tương đối rồi...".

Với vai trò là đơn vị giám sát, Công ty TNHH Tư Vấn - Thiết kế Xây dựng Quang Anh chắc chắn nhận ra được những bất cập trong việc thi công gấp rút, thi công tuyến đường trong mùa mưa hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng tuyến đường. Tại sao đơn vị không tư vấn cho chủ đầu tư điều này?

Ông Quang Anh giải thích: "Cái này chúng tôi cũng có tư vấn rồi. Thật ra chủ đầu cũng đã biết rồi, nhưng mà thi công chậm, vốn không giải ngân được thì chủ đầu tư không tìm ra đâu được nguồn tiền để trả cho nhà thầu. Ví dụ công trình kéo dài sang sang năm (2018) thì vốn bị mắc...".

Trước vấn đề khó khăn này, chủ đầu tư đã bàn với đơn vị thi công và tư vấn giám sát đẩy nhanh tiến độ.

Đơn vị thi công đã đối phó với nước mưa bằng cách cho xây một gờ cản.

"Công trình đó nhà thầu nhận 90 tỷ đồng mà phải làm xong trong vòng chưa đầy 6 tháng phải hoàn thành thì nhà thầu phải chia toa để đẩy nhanh tiến độ cho kịp hoàn thành. Trong thời gian thi công, chúng tôi cũng kiểm tra rất sát, lấy mẫu từng cấp phối để kiểm tra nhưng vẫn không tránh khỏi sự cố.

Bây giờ ở Gia Lai đã là mùa nắng, nên chúng tôi yêu cầu nhà thầu đào hết khu vực hỏng hóc bỏ đi, đưa cấp phối khác tới và làm lại như hồ sơ thiết kế ban đầu. Về kinh phí sửa chữa lên tới hàng tỷ đồng thì nhà thầu đứng ra chi trả " - ông Quang Anh cho biết.

Trong khi đó, ông Lê Văn Hạnh - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Gia Lai cũng cho biết, đơn vị đang chỉ đạo "quyết liệt" nhà thầu và các bên liên quan sử chữa tuyến đường với tổng vốn đầu tư 104 tỷ đồng đang hỏng hóc.

Trước những vấn đề liên quan đến nguyên nhân dẫn đến sự cố tại dự án này, ông Hạnh cho hay: "Đây là câu chuyện dài và phức tạp nên cần có thời gian để trả lời cụ thể".

Còn ông Phạm Xuân Điệp - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Gia Lai giải thích trên Infonet: “Hiện nay để xảy ra hư hỏng đường thì có nhiều nguyên nhân, trong quá trình thi công thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, khả năng nước mưa đọng trong lớp cấp phối, khi thảm nhựa thì nó bị bung ra.

Trong quá trình thi công bị dính mưa, đương nhiên đơn vị tư vấn giám sát họ có mặt tại công trình để giám sát. Nguyên nhân xuống cấp không phải do nền đường mà nhiều nguyên nhân khác nữa”.

Vân Tùng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/duong-104-ty-hong-nang-sau-mua-lon-cho-kip-tien-do-3367848/