Đường biên ảo

Chiều 6/10, nền tảng Netflix đã chính thức gỡ bỏ series truyền hình Hàn Quốc có tên 'Ba chị em' (Little women) khỏi kho phim lưu hành tại Việt Nam. Đây được xem là động thái kịp thời của nền tảng này sau khi có công văn chính thức từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu gỡ bỏ series nói trên vì có những yếu tố xuyên tạc lịch sử Việt Nam.

Thực chất, một sản phẩm văn hóa được sản xuất bởi cá nhân nào, đến từ quốc gia nào, phần nhiều sẽ có góc nhìn thiên kiến từ quan điểm phổ cập chung của quốc gia đó. Góc nhìn ấy chưa chắc đã đúng so với các sự kiện có thật và rất có khả năng xung đột, mâu thuẫn với các góc nhìn khác, ở các vùng lãnh thổ, các quốc gia khác. Không ai có thể cấm một cá nhân hay tổ chức sản xuất ra một sản phẩm văn hóa như thế. Tuy nhiên, việc có cho nó vượt qua được đường biên để phổ cập ở một quốc gia khác hay không lại là chuyện khác. Kiểm duyệt văn hóa phẩm nhập khẩu tồn tại là vì lẽ đó. Nó không chỉ bảo vệ quan điểm của một quốc gia đơn thuần mà nó cũng là công cụ để tránh các mâu thuẫn không đáng có phát sinh từ cộng đồng.

Theo đúng như những gì vẫn từng diễn ra lâu nay, trước khi một sản phẩm văn hóa, đặc biệt là nghe nhìn, được lưu hành ở Việt Nam, đơn vị nhập khẩu sẽ phải đệ trình để xin phê duyệt nội dung. Nhưng kể từ thời đại bùng nổ các nền tảng xem trực tuyến và xem lại trên Internet, việc phê duyệt nội dung gần như không còn tồn tại. Thay vào đó, chỉ có các xử lý sau nếu có vấn đề nảy sinh từ cơ quan quản lý nhà nước giống như trường hợp phim "Ba chị em" kể trên.

Nguyên nhân cơ bản không đến từ năng lực hay phương pháp làm việc của cơ quan quản lý nhà nước mà chính yếu đến từ hình thái và môi trường phát hành đã hoàn toàn khác. Không còn những đường biên cụ thể với các rào cản kiểm tra được thiết lập như xưa nữa. Ở thời đại này, đường biên ảo đã tạo ra một thách thức lớn đối với tất cả các đơn vị, tổ chức kiểm duyệt ở tất cả các quốc gia khi mà các nền tảng nắm giữ luôn quyền phát hành và sản phẩm của họ sẽ hiện diện thêm ở một quốc gia mới với chỉ một động tác kỹ thuật duy nhất là mở cửa cho các IP tại quốc gia này.

Chính vì một đường biên ảo lỏng lẻo như vậy mà đã có nhiều những nội dung không đúng đắn lọt lưới và được phổ biến ở Việt Nam với các cấp độ sai phạm khác nhau. Trước "Ba chị em", bộ phim "Da Five Blood" cũng có những hình ảnh không được tích cực lắm về Việt Nam. Tuy nhiên, sự thiếu tích cực ấy chưa đến mức độ phải xử lý nghiêm khắc như với "Ba chị em". Và ngoài các sản phẩm có động chạm tới Việt Nam ra, còn nhiều sản phẩm khác cũng nên được cân nhắc lại khi chúng không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam cho lắm.

Và điều đáng nói là khi Netflix được cho là đã "gỡ" sản phẩm "Ba chị em" khỏi ứng dụng phát hành ở Việt Nam thì thực tế đó chỉ là động thái khóa các IP truy cập từ Việt Nam mà thôi. Với một chút khả năng về công nghệ, một người hoàn toàn có thể đổi IP để xem từ series này một cách dễ dàng. Việc đổi IP này cũng giống như anh ta xuất cảnh ảo, vượt đường biên ảo để đánh lừa rằng mình đang theo dõi nội dung từ một quốc gia khác.

Với sự lỏng lẻo của đường biên ảo này, việc quản lý nội dung văn hóa nhập khẩu là cực khó. Có lẽ, đã đến lúc các đơn vị như Netflix, Amazon Prime… cần phải nghiêm túc hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước để có cách trình phê duyệt trước khi phát hành. Có như vậy mới tránh được tình trạng để lọt lưới và sau khi xử lý, bỗng dưng sản phẩm bị xử lý lại được nhiều người biết tên, dẫn tới việc họ tìm cách vượt đường biên ảo để theo dõi nó, bất chấp nội dung của nó như thế nào.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/duong-bien-ao-i670643/