Đường dài… thoái vốn ở các đầu mối xăng dầu

Thông tin một doanh nghiệp Nhật Bản chấp nhận bỏ ra hơn 650 tỉ đồng để sở hữu 1% cổ phần tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Petrolimex, đang thu hút sự chú ý trong những ngày qua, nhắc nhớ về câu chuyện thoái vốn nhà nước ở lĩnh vực này. Sau nhiều năm thực hiện cổ phần hóa, việc nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối tại nhiều doanh nghiệp đã khiến những kế hoạch phát triển vẫn chưa thể triển khai.

 Việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp xăng dầu chậm trễ. Ảnh: MT

Việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp xăng dầu chậm trễ. Ảnh: MT

Nhà đầu tư Nhật Bản sẵn sàng bỏ tiền để mua 13 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 1% cổ phần mà Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – mã chứng khoán PLX) thực hiện rao bán từ 27-8 đến 25-9 là Eneos Corporation. Với thị giá của PLX hiện quanh mức 52.000 đồng/cổ phiếu thì giá mà Eneos Corporation sẽ phải bỏ ra để gom đủ số cổ phiếu quỹ này là trên 670 tỉ đồng.

Theo thông tin đã được công bố, Eneos Corporation là công ty con của Công ty TNHH Tư vấn và Holding JX Nippon Oil & Enery Việt Nam. Công ty TNHH Tư vấn và Holding JX Nippon Oil & Enery Việt Nam hiện là cổ đông chiến lược, cổ đông lớn của Petrolimex khi nắm giữ hơn 103,5 triệu cổ phiếu, tương đương 8% cổ phần. Như vậy, nếu Eneos Corporation mua thành công số cổ phiếu quỹ kể trên, Công ty TNHH Tư vấn và Holding JX Nippon Oil & Enery Việt Nam sẽ gia tăng tỷ lệ sở hữu lên 9% tại Petrolimex sau mấy năm tham gia tập đoàn này.

Trong khi đó, cổ đông nhà nước tại PLX là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), tính đến 30-11-2019, đang nắm giữ gần 981,9 triệu cổ phiếu, tương đương 75,87% cổ phần. Với việc nắm giữ này, Nhà nước sắp thu về gần 1.000 tỉ đồng từ việc chia cổ tức năm 2019 lần 2 bằng tiền mặt mà Petrolimex mới thông báo.

Tỷ lệ sở hữu nói trên của Nhà nước cũng đã được duy trì nhiều năm qua, dù theo quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020) Petrolimex phải thực hiện thoái vốn nhà nước xuống còn 51%. Bên cạnh đó, room của nhà đầu tư ngoại tại doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất nước chốt ở mức không vượt quá 20%.

Trong tài liệu chuẩn bị cho đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 tổ chức vào tháng 6 vừa qua, Petrolimex cũng tự nhận xét chưa hoàn thành việc giảm tỷ lệ vốn Nhà nước theo quyết định kể trên là phải thực hiện thoái vốn Nhà nước trong năm 2018 với tỷ lệ thoái vốn 24,8% vốn điều lệ. Doanh nghiệp này cũng cho biết một trong những nhiệm vụ của năm 2020 là xây dựng phương án, lộ trình báo cáo chủ sở hữu phê duyệt để tổ chức thực hiện giảm vốn Nhà nước xuống 51%. Tuy nhiên, ở thời điểm này, khi còn 4 tháng nữa là hết năm 2020, chuyện thoái vốn tiếp của PLX vẫn chưa có thêm thông tin mới.

Hồi tháng 9-2018, như TBKTSG Online đã đưa tin, trong cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng, Petrolimex tiếp tục nhắc lại những đề nghị đã gửi đến Chính phủ trước đó nhưng chưa có hồi âm là cho phép nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài. Lý do là để thu hút được nhà đầu tư lớn, tham gia vào quá trình phát triển doanh nghiệp.

Petrolimex hiện là doanh nghiệp đầu mối lớn nhất, nắm giữ thị phần lớn và có 2.532 cửa hàng trực thuộc (số liệu tính đến hết 2019).

Trong khi đó, ở doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn thứ 2 là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), việc thoái vốn nhà nước cũng không mấy tiến triển sau 3 năm qua bán vốn lần đầu ra công chúng (IPO). Trong tài liệu trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, doanh nghiệp này nhận xét, công tác quyết toán cổ phần hóa kéo dài, PV Oil chưa thể triển khai thoái vốn Nhà nước như kỳ vọng. Vì vậy, nhiệm vụ của năm 2020 là hoàn tất quyết toán cổ phần hóa và xúc tiến thoái vốn ngay sau đó.

Theo báo cáo thường niên năm 2019 của PV Oil thì có hai cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (sở hữu 80,52% vốn cổ phần) và SK Energy Co.Ltd (của Hàn Quốc – sở hữu 5,23%). Bên cạnh đó thì có Vietjet Air (4,83%). Còn nếu tính theo cổ đông trong nước và nước ngoài thì con số lần lượt là 94,22% và 5,78%.

Tại đại hội đồng cổ đông được tổ chức lần đầu tiên sau bán vốn vào tháng 7-2018, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc của PV Oil từng nói, các kế hoạch phát triển kinh doanh, thị phần của doanh nghiệp phụ thuộc vào việc bán vốn cho nhà đầu tư lớn. Chỉ khi nào có nhà đầu tư nắm giữ tỷ lệ đủ lớn, tham gia điều hành và đưa ra những cơ chế thông thoáng, có khả năng tài chính, có kinh nghiệm quản trị… thì doanh nghiệp mới có cơ hội phát triển nhảy vọt. Doanh nghiệp cũng mong muốn vốn Nhà nước xuống còn 35,1% để việc cổ phần hóa được thực chất, cũng như cho phép room ngoại ở mức 49%.

Sau hai năm cổ phần hóa, PV Oil vẫn giữ được vị trí thứ hai về thị phần bán lẻ xăng dầu trong nước. Doanh nghiệp này cũng có những dự án về bán hàng khá tốt như mua xăng qua ví điện tử, thẻ ngân hàng. Tuy nhiên, việc phát triển mạng lưới cửa hàng để gia tăng thị phần thì dường như đang không mấy thuận lợi khi PV Oil chỉ mới có 580 cửa hàng trực thuộc tính đến hiện tại. Con số này chỉ tăng 30 cửa hàng so với thời điểm 7-2018.

Cũng thoái vốn hoài chưa xong còn có Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex), đầu mối hiện đứng vị trí thứ 5 về thị phần. Đây là doanh nghiệp cũng đã thực hiện IPO vào tháng 9-2018 nhưng chỉ bán được số cổ phiếu tương đương 0,59% vốn điều lệ trong buổi đấu giá.

Tại buổi đấu giá này, ông Lê Thanh Mân, Tổng giám đốc Petimex cho biết, sau IPO, Petimex sẽ xin ý kiến của UBND tỉnh Đồng Tháp, chủ quản vốn nhà nước tại Petimex để bán tiếp vốn cho nhà đầu tư chiến lược. Bởi lẽ, đây là cách để Petimex có những thay đổi lớn, có thể có thêm nguồn lực để phát triển các sản phẩm mới, ngoài xăng dầu như hiện tại. Trước đó, việc này đã không đạt được kết quả do hết thời hạn quy định mà không có nhà đầu tư muốn mua. Nguyên nhân, một phần nằm ở việc tỷ lệ bán ra thấp, chỉ 15%, không đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.

Ở thời điểm tháng 8-2019, sau một năm thực hiện IPO, theo thông tin đăng tải trên Báo Đồng Tháp, tỷ lệ vốn nhà nước tại Petimex vẫn tới đến 98,63%; chưa có cổ đông chiến lược; bình quân thu nhập người lao động chưa có biến động lớn.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Lê Thanh Mân, Tổng giám đốc Petimex cho biết, UBND tỉnh Đồng Tháp đang chỉ đạo lập kế hoạch thoái vốn tiếp để cuối cùng thì cổ đông Nhà nước chỉ nắm giữ 64% cổ phần tại đây. Thời điểm dự kiến thoái vốn tiếp là đầu 2021. Doanh nghiệp này vẫn "khóa" room vẫn nhà đầu tư ngoại, chỉ bán vốn cho nhà đầu tư trong nước.

“Ở thời điểm hiện tại, cổ đông chiến lược cũng chưa đặt vấn đề cụ thể. Vì thị trường xăng dầu năm nay phức tạp quá”, ông Mân nói và cho biết thêm, hiện tại, nhà đầu tư trong nước xin làm đầu mối khá dễ dàng. Tính đến hết năm 2019, cả nước đã có tới 36 đầu mối kinh doanh xăng dầu và 230 thương nhân.

Trong một diễn biến khác, Bộ Công Thương trong dự thảo sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đã đề xuất nhà đầu tư ngoại có thể nắm giữ 35% cổ phần tại các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối.

Tâm An

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/307635/duong-dai%E2%80%A6-thoai-von-o-cac-dau-moi-xang-dau.html