Đương đầu với Nga nhưng NATO - EU không cùng chí hướng

Mặc dù nhiều nước châu Âu là thành viên của cả EU và NATO, hai tổ chức này không có cùng chí hướng, khiến phương Tây chia rẽ trong thời gian đầu căng thẳng ở biên giới Ukraine.

Liên minh châu Âu (EU) và khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang có nhiều sự gắn kết hơn trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang, điều ít được thấy nhiều tháng trước.

Sau cuộc họp NATO ngày 16/2, giới lãnh đạo và ngoại giao tiếp tục thảo luận về căng thẳng giữa Nga và Ukraine tại Hội nghị An ninh Munich, diễn ra từ ngày 18-20/2.

Các quan chức ngoại giao NATO và EU khen ngợi đã có “những phối hợp và thống nhất chưa từng có nhằm tăng cường liên minh xuyên Đại Tây Dương”, nói rằng hai tổ chức đang làm việc chặt chẽ với Mỹ để thống nhất quan điểm đối phó với Nga.

Một nhà ngoại giao NATO cho biết đã “rất bất ngờ nhưng biết ơn” việc có nhiều cuộc đối thoại và hợp tác giữa các lãnh đạo EU và NATO, cho biết các bên đã đưa ra lập trường chung về Nga, bất chấp sự khác biệt về văn hóa và địa lý của các nước thành viên.

Lỗ hổng niềm tin

Dù nhiều nước EU cũng là thành viên NATO, sự gắn kết của hai tổ chức phương Tây này không thực sự rõ ràng.

Những rạn nứt đã xuất hiện khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron năm 2019 nói rằng NATO đang trong giai đoạn “chết não”, và cho rằng EU nên tự chủ về chiến lược và địa chính trị. Pháp đang là cường quốc quân sự lớn nhất của EU, sau sự ra đi của Anh (Brexit), theo Global Firepower.

“Tự chủ chiến lược” cũng là mục tiêu ông Macron hướng tới khi Pháp là chủ tịch luân phiên của EU trong sáu tháng đầu năm 2022, với mục tiêu biến EU độc lập về mặt ngoại giao, và hạn chế phụ thuộc vào các cường quốc như Mỹ hay Trung Quốc.

Động lực của EU đến từ việc liên minh này dần có nhiều lập trường khác với những đồng minh truyền thống, như Mỹ và Anh, về kinh tế, chính trị, đặc biệt trong quan hệ với Nga và Trung Quốc.

Những khác biệt vốn dĩ tồn tại ngay trong nội bộ EU. Một số nước như Đức muốn giữ quan hệ tốt đẹp với Nga vì lợi ích kinh tế, trong khi những quốc gia Liên Xô cũ ở Đông Âu coi những gì đang xảy ra ở biên giới Ukraine là một mối lo ngại tiềm tàng, do đó có cùng lập trường với Mỹ và Anh.

 Chỉ 6/27 nước EU - gồm Cyprus, Áo, Phần Lan, Ireland, Malta, Thụy Điển - không nằm trong NATO. Đồ họa: Al Jazeera.

Chỉ 6/27 nước EU - gồm Cyprus, Áo, Phần Lan, Ireland, Malta, Thụy Điển - không nằm trong NATO. Đồ họa: Al Jazeera.

EU cũng đang nỗ lực để chủ động trong việc đảm bảo an ninh, bao gồm khả năng triển khai quân đội theo ý mình.

Năm ngoái, EU đã đề xuất “Chiến lược La bàn”, để giúp liên minh có thể lập tức triển khai lực lượng lên đến 5.000 binh lính từ các nước thành viên để giải quyết những vấn đề cụ thể.

Nhiều nước không đồng tình với đề xuất này, cho rằng nó sẽ giảm vai trò của NATO trong việc đảm bảo an ninh cho các nước thành viên.

Do đó, căng thẳng ở Ukraine ban đầu đã chia rẽ lập trường của phương Tây, khi châu Âu không thống nhất về các lệnh trừng phạt Nga.

Cái bắt tay "tạm thời"

Tuy nhiên, trước những động thái quân sự gần đây, các quan chức cho rằng EU bất ngờ cho thấy sự thống nhất và hỗ trợ lập trường cứng rắn của NATO.

Lý do cho sự hợp tác nằm ở việc hai bên đều muốn thể hiện năng lực của mình, và vấn đề Ukraine là một “phép thử” cho việc EU và NATO sẽ có những bước tiến nào trong việc đối đầu Nga, một quan chức NATO nói với CNN.

“NATO là liên minh quân sự chính trị có thể tăng cường phòng thủ ở Đông Âu, còn EU có sức mạnh kinh tế để sát cánh với NATO khi đưa ra những đòn trừng phạt”, quan chức này nói thêm.

Các nhà ngoại giao NATO thừa nhận EU có vai trò quan trọng không thể thay thế trong khủng hoảng hiện tại, và chính EU mới có thể đưa ra những gói hỗ trợ kinh tế, hay các lệnh trừng phạt Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trong cuộc gặp tháng 2/2021. Ảnh: Anadolu.

Tuy nhiên, nhiều người không tin việc hợp tác này sẽ kéo dài. Sau khi những vấn đề với Nga lắng xuống, NATO và EU sẽ “đường ai nấy đi” như những gì Tổng thống Macron từng hoài nghi về mục tiêu hoạt động của khối quân sự Bắc Đại Tây Dương năm 2019.

NATO có thể trở thành “thanh kiếm” về quân sự, trong khi EU là “tấm khiên” kinh tế khi đối đầu Nga. “Hai bên đang hợp tác tốt vì họ có vai trò và năng lực cụ thể trong căng thẳng hiện nay. Điều này sẽ bị lu mờ trong tương lai khi hai bên không còn mục tiêu chung", quan chức NATO nói.

Những phản ứng không đồng nhất của phương Tây cho đến nay đang có lợi cho ông Putin, và mọi thứ vẫn có thể tồi tệ hơn, theo CNN.

Tuy nhiên, EU và NATO hiếm khi có cùng tiếng nói trong một số vấn đề như lần này - và đó là dấu hiệu tích cực - trong lúc căng thẳng ở biên giới Nga và Ukraine tiếp tục leo thang.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/duong-dau-voi-nga-nhung-nato-eu-khong-cung-chi-huong-post1297324.html