Đương đầu với nỗi đau

Nói đến hoàn cảnh của bà Triệu Thị Liên, ở xã Gia Lộc (Chi Lăng, Lạng Sơn), nhiều người trong xã ai cũng biết. Bà gần 60 tuổi, là người dân tộc Nùng, hết lòng nuôi dưỡng, chăm sóc chồng và 3 con là nạn nhân chất độc da cam (CĐDC).

Năm 1983, lúc mới 24 tuổi, có người mai mối, bà Liên kết hôn với ông Hoàng Văn Nhì, bộ đội phục viên, đồng thời là nạn nhân CĐDC ở thôn Phai Đeng, xã Gia Lộc. Trong suốt 34 năm qua, bà luôn đem hết trái tim, tấm lòng bao dung của người vợ, người mẹ chăm sóc cho gia đình có 4 nạn nhân CĐDC. Sau hơn 10 năm chung sống, vợ chồng bà Liên sinh được 4 người con, trong đó 3 con trai, một con gái. Thật không may, trong số 4 người con bà sinh ra, thì 3 người con trai đều bị nhiễm CĐDC. Người con trai đầu lòng là Hoàng Văn Vinh (sinh năm 1985) mắc bệnh bại liệt não. Khi phát hiện những triệu chứng sinh con không bình thường, năm 2000, ông Nhì đã đi xét nghiệm và được cơ quan chức năng kết luận là bị nhiễm chất độc hóa học. Không dừng lại ở đó, ông đưa các con đi xét nghiệm và được biết không chỉ có con trai đầu, mà Hoàng Văn Chung sinh năm 1986, Hoàng Văn Du sinh năm 1988 cũng bị nhiễm CĐDC.

Bà Triệu Thị Liên bên cạnh con trai bị nhiễm chất độc da cam.

Nỗi đau và cũng là gánh nặng đến với bà Liên, khi bà phải đảm nhiệm chăm lo cuộc sống cho một gia đình có 4 nạn nhân CĐDC. Bà Liên tâm sự: Những lúc thời tiết thay đổi, hết chồng kêu đau nhức toàn thân, lại đến con trai bại liệt não la hét om xòm. Có thời điểm, 2-3 ngày liên tục tôi không được ngủ, không ra khỏi nhà vì suốt ngày lo cho chồng con".

Đã đôi lần bà Liên định "trốn chạy" cảnh đời bất hạnh. Nhưng rồi nghĩ lại, thấy trong xã hội còn nhiều người có cuộc sống gia đình khổ hơn, bằng nghị lực bà đã vươn lên số phận, đương đầu với nỗi đau da cam. Một mình bà trở thành trụ cột gia đình, gánh vác toàn bộ công việc đồng ruộng, chăm sóc chồng mỗi khi trái gió trở trời và chăm lo cuộc sống của các con. Điều hạnh phúc nhất đối với bà là khi thấy các con trưởng thành, được học hành. Hiện nay, 3 người con của bà đã lập gia đình, có việc làm, thu nhập ổn định. Đời sống vật chất và tinh thần tuy còn khó khăn nhưng do được hưởng các chế độ đãi ngộ của Nhà nước, nên phần nào được cải thiện, gia đình bà đã thoát khỏi diện hộ nghèo.

Nói về bà Triệu Thị Liên, ông Nguyễn Văn Hà, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Chi Lăng, cho biết: "Bà Triệu Thị Liên là một tấm gương tiêu biểu, có trái tim nhân hậu đã vượt lên số phận bằng nghị lực của chính mình để chăm sóc, yêu thương gia đình".

Bài và ảnh: PHAN CẦU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/duong-dau-voi-noi-dau-556137