Đường dây nóng 111- Địa chỉ tin cậy để trình báo, tố giác tội phạm mua bán người

6 tháng đầu năm 2019, Đường dây nóng phòng chống mua bán người đã tiếp nhận 764 cuộc gọi. Trong đó có 141 cuộc gọi tư vấn liên quan đến chính sách, tâm lý, thủ tục hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán; 16 cuộc gọi chuyển giải cứu và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người.

Góp phần giải cứu nạn nhân của mua bán người

Theo Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), trong số các cuộc gọi trong 6 tháng đầu năm 2019, có một trường hợp nhờ sự hướng dẫn của đường dây nóng phòng chống mua bán người 111, gia đình nạn nhân đã cứu được con em mình cùng 4 nạn nhân khác khỏi bọn bắt cóc người lao động. Đó là trường hợp của nạn nhân A.T (sinh năm 1996, ở thôn Playiklech- xã Ngọc Bay- Tp Kon Tum - tỉnh Kon Tum. Theo đó vào cuối tháng 5-2019, Tổng đài 111 tiếp nhận cuộc gọi của chị họ của nạn nhân là Y.R dân tộc Ba Na và anh V.H.L (chủ nhà nơi chị Y.R làm giúp việc), thông báo về việc chị A.T bị bắt lên tàu đánh cá Đức Minh số hiệu KG95475TS.

Sự việc xảy ra vào sáng ngày 24-5 khi nạn nhân ra bến xe miền Đông về Kon Tum viếng đám ma người thân. Thời điểm người nhà nạn nhân gọi đến Tổng đài thì tàu đang trên vùng biển Thổ Chu – Đảo Phú Quốc – Kiên Giang. Nạn nhân bị đánh đập, bỏ đói và bắt làm việc. Nạn nhân vẫn dùng được điện thoại nhưng điện thoại không có mạng và không có hệ thống định vị. Ngày 27-5 chủ thuyền gọi gia đình đòi tiền chuộc mới thả nạn nhân về.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Tổng đài 111 đã hướng dẫn gia đình làm đơn trình báo công an tỉnh Kon Tum, tỉnh Kiên Giang, bộ đội biên phòng Kiên Giang. Đồng thời thực hiện kết nối chuyển tuyến sang Cục Cảnh sát hình sự Bộ công an và Tổ chức Rồng Xanh. Ngày 8-6 tổ chức Rồng Xanh đã phối hợp với Bộ đội biên phòng giải cứu thành công nạn nhân cùng 4 nạn nhân khác. Các nạn nhân đã trở về gia đình an toàn.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Dự án “Thành lập Đường dây nóng phòng, chống mua bán người ở Việt Nam” được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu, phù hợp để tăng cường mạng lưới hợp tác, phối hợp về phòng chống mua bán người tại Việt Nam. Dự án được triển khai từ tháng 7-2012 đến tháng 3-2016 tại 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, An Giang và Hà Giang với mục tiêu là tăng cường các chức năng hiện tại Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Đồng thời mở rộng thêm chức năng phòng, chống mua bán người để đóng góp vào những nỗ lực chung của Chính phủ trong công tác phòng, chống mua bán người cũng như tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán.

Đưa Đường dây nóng đến đông đảo người dân

Theo thống kê, đối tượng gọi đến Tổng đài 111 phần lớn là người dân (57,8%), người thân, bạn bè của nạn nhân bị mua bán, nạn nhân của mua bán người. Giới tính gọi đến chủ yếu là nam giới (61,3% nam và 38,7% nữ). Số lượng cuộc gọi nhiều nhất đến từ khu vực miền núi Phía Bắc, chiếm tỉ lệ 32,7% trong tổng số cuộc gọi đến đường dây nóng.

Thứ hai là các tỉnh đồng bằng Sông Hồng với 22,3%. Tiếp đến là các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với 16,4%; vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long với 15,7%; khu vực Nam Trung bộ 6,8%. Các tỉnh khu vực Tây Nguyên có số cuộc gọi tới đường dây nóng chỉ chiếm 5,9% và 1 cuộc gọi từ nước ngoài chiếm 0,1% .

Thực tế đã cho thấy Đường dây nóng 111 là một trong những địa chỉ tin cậy để trình báo, tố giác tội phạm mua bán người. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay là vẫn còn nhiều người dân chưa biết đến sự tồn tại cũng như hoạt động của Đường dây nóng.

Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người - ảnh minh họa.

Bà Masaki Iwashina – Cố vấn trưởng Dự án tăng cường hoạt động Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người tại Việt Nam cho hay: Trong một khảo sát đầu kỳ được thực hiện với 100 người dân được lựa chọn có chủ đích tại các tỉnh Cao Bằng, Hà Tĩnh, Tây Ninh thì chỉ có 37 người (12,3%) cho biết đã từng được nghe đến Đường dây nóng phòng chống mua bán người 111. Còn lại 87,7% số người được hỏi chưa từng nghe đến Đường dây nóng”.

Điều này đặt ra nhiệm vụ đối với việc triển khai Dự án, đó là đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống mua bán người và Đường dây nóng 111. Làm sao để đông đảo người dân biết và sử dụng có hiệu quả Đường dây nóng trong phòng chống tội phạm mua bán người.

Theo ông Nguyễn Công Hiệu – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn dịch vụ truyền thông (Cục Trẻ em), kết quả khảo sát cho thấy, đa số người dân biết tới Đường dây nóng phòng chống mua bán người chủ yếu qua các hình thức như: Truyền thông đại chúng (tivi, báo, đài...), mạng xã hội, nhân viên nhà nước và truyền thông tại xã/thôn/bản, bạn bè và họ hàng, truyền thông tại trường học, tờ tơi, áp phích và lịch về phòng, chống mua bán người.

Tới đây, các hoạt động truyền thông về Đường dây nóng sẽ tiếp tục được tăng cường để nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống mua bán người và Đường dây nóng. Trong đó chú trọng truyền thông tới các trường học, đưa vào sách giáo khoa, đưa vào hệ thống nhà hàng, khách sạn du lịch; Các thiết chế văn hóa; Các ấn phẩm của nhà xuất bản Kim Đồng liên quan đến sách dành cho trẻ em…

Qua đó nhằm thông tin rộng rãi hơn nữa về Tổng đài 111 với 2 chức năng bảo vệ trẻ em và tư vấn, hỗ trợ nạn nhân mua bán người đến với đông đảo người dân. Dự kiến sau 3 năm thực hiện Dự án sẽ đánh giá ở các địa phương đã được đánh giá ở đầu kỳ. Phấn đấu sẽ có 50% người dân biết về Đường dây nóng.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/duong-day-nong-111-dia-chi-tin-cay-de-trinh-bao-to-giac-toi-pham-mua-ban-nguoi-163840.html