'Đường dây nóng' và bài học gần dân trong thực thi công vụ

Công bố số điện thoại cá nhân là 'đường dây nóng' để tiếp nhận kiến nghị từ cơ sở đang được nhiều lãnh đạo địa phương triển khai trong thực thi công vụ.

0988.202.965 là số điện thoại của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều vừa được UBND tỉnh này công bố để người dân, doanh nghiệp, tổ chức có thể gọi đến phản ánh, kiến nghị những vấn đề còn vướng mắc. Trước đó, vào giữa tháng 7/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cũng đã công bố số điện thoại cá nhân của mình làm “đường dây nóng” để người dân có thể phản ánh các vấn đề liên quan tới thủ tục hành chính, hồ sơ về đất đai.

Động thái của những người đứng đầu các địa phương đã cho thấy sự vào cuộc quyết liệt trong tư duy và hành động về cách điều hành và giải quyết công việc: đó là gần dân, lắng nghe ý kiến từ cơ sở để có những quyết sách phù hợp.

Thực tế thời gian qua, nhiều ý kiến, khiếu nại của người dân không được giải quyết thấu đáo từ cấp dưới nên đã có tình trạng khiếu nại vượt cấp, tụ tập đông người, thậm chí gây mất trật tự công cộng. Đơn thư, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, tổ chức bị “đẩy” vòng quanh; một bộ phận công chức, viên chức chưa làm đúng nhiệm vụ, chức trách, chưa tròn vai “công bộc của dân” đã gây nên không ít bức xúc. Điều này còn ảnh hưởng tới hình ảnh của địa phương trong việc nâng cao môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế.

Chính vì thế, việc sâu sát tới cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân luôn được Đảng xem là nhiệm vụ quan trọng của lãnh đạo các cấp. Càng gần dân, càng thấy được, nghe được những lời nói thật, sự thật và có cái nhìn bao quát hơn về một vấn đề, sự việc để từ đó người lãnh đạo có thể đưa ra cách giải quyết phù hợp.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc gần dân, lắng nghe dân, Người là một hình mẫu tuyệt vời về phong cách lãnh đạo gần dân, sát dân và đã từng nhiều lần nhấn mạnh rằng: Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước dù đúng đắn, nhưng nếu không được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân thì rất khó đi vào hiện thực cuộc sống.

Thời của Bác chưa có “đường dây nóng” nên cách gần dân nhất chính là “về sâu trong quần chúng”, "phải thật thà nhúng tay vào việc". Tức là phải xuống cơ sở thay vì chỉ đạo bằng mệnh lệnh hay “chỉ tay năm ngón”. Gần dân, sát dân đối với Bác Hồ không chỉ dừng lại ở những ý niệm, tư tưởng mà đó là sự đắm mình sâu rộng vào cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân. Hình ảnh Bác cầm gàu tát nước chống hạn, đi thăm cánh đồng, nói chuyện với nông dân ở sân hợp tác xã hay vào nhà máy, ra công trường, lên trận địa… đã luôn in đậm trong tâm trí mỗi người dân Việt về một tác phong gần gũi của người đứng đầu đất nước. Theo một thống kê chưa đầy đủ, trong vòng 10 năm, từ năm 1955 -1965, Người đã về địa phương, cơ sở, đã đến với nhân dân hơn 700 lần. Đặc biệt, vì muốn mắt thấy, tai nghe những việc thật, thông tin thật, người thật từ cơ sở, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tránh báo trước, tránh những nghi thức rườm rà, nghi lễ đón tiếp, khẩu hiệu chào mừng, hàng rào danh dự... và rất ít khi ăn cơm ở những cơ sở, địa phương nơi Người đến.

Chính tư tưởng gần dân, lắng nghe dân và những hành động cụ thể của Bác khi hiện thực hóa tư tưởng này đã khiến mỗi người dân đều thấy người đứng đầu đất nước không xa cách. Để từ đó, những tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói từ cơ sở được gửi tới người đứng đầu, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo niềm tin với Đảng của quần chúng nhân dân. Câu chuyện bức thư của nhà thơ Đoàn Phú Tứ gửi tới Chủ tịch Hồ Chí Minh tố cáo Đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu là một ví dụ. Từ bức thư này, Bác đã giao cho Thiếu tướng Trần Tử Bình chỉ đạo điều tra làm rõ vụ việc để xử lý. Và vị đại tá quân đội đã bị tử hình vì tội “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”.

Trở lại với câu chuyện công bố số điện thoại cá nhân là “đường dây nóng” của lãnh đạo nhiều địa phương, đây cũng là cách gần dân, sát dân, đi sâu xuống cơ sở để biết người dân đang nghĩ gì, cần gì. Ngay sau khi công bố số điện thoại, chỉ trong 2 ngày, “đường dây nóng” của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nhận được hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn của người dân liên quan vấn đề thủ tục hành chính, được nhiều người quan tâm. Hay Thiếu tướng Thiếu tướng Đinh Văn Nơi, sau một thời gian về nhận nhiệm vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đã công bố số điện thoại cá nhân để tiếp nhận thông tin phản ánh, tố giác, tin báo tội phạm trên địa bàn tỉnh. Mỗi ngày đã có hàng trăm cuộc điện thoại, tin nhắn gửi tới số điện thoại này. Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, Thiếu tướng Đinh Văn Nơi nói rằng, việc công khai số điện thoại để người dân báo tin chính là một trong những giải pháp giúp ông hoàn thành nhiệm vụ.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: “… xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, - để làm được điều này, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu cần nêu cao ý thức, trách nhiệm trước dân, trước Đảng về nhiệm vụ và quyền hạn của mình để giải quyết công việc. Từ đó, có những quyết sách, phong cách làm việc phù hợp với tình hình mới, không chỉ giúp nâng cao quyền làm chủ, vai trò, giám sát và phản biện của người dân mà còn hướng tới mục tiêu bảo đảm cho sự ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, mỗi bộ ngành và đất nước.

Thùy Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/duong-day-nong-va-bai-hoc-gan-dan-trong-thuc-thi-cong-vu-268116.html