Đường đến CPTPP của Trung Quốc còn xa?

'Rất khó, nếu không muốn nói là không thể', 'Trung Quốc không phải là lựa chọn duy nhất để CPTPP mở rộng vị thế'... là những nhận định của các chuyên gia khi đánh giá về triển vọng gia nhập Hiệp định này của Bắc Kinh.

Trung Quốc chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP ngày 16/9. (Nguồn: Sputnik)

"Con bài" hợp lý của Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên bày tỏ quan tâm đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào năm 2020.

Đến cuối ngày 16/9/2021, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chính thức nộp đơn gia nhập CPTPP.

Trung Quốc là quốc gia thứ hai xin gia nhập CPTPP, sau Anh. Động thái này được cho là nhằm củng cố vai trò lãnh đạo kinh tế của quốc gia này trong thương mại toàn cầu.

Giám đốc Trung tâm Kinh tế chính trị Quốc tế châu Âu tại Brussels Hosuk Lee-Makiyama nhận định: “Đó là một tính toán hoàn toàn hợp lý của giới lãnh đạo Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc đang thúc đẩy sự phục hồi kinh tế và đây sẽ là 'con bài' giúp họ thực hiện điều đó".

CPTPP là một trong số các hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới. Việc Trung Quốc tham gia sẽ đưa hiệp định này trở thành FTA có giá trị nhất từng được ký kết. Hiện tại, 11 nước thành viên CPTTP có tổng giá trị kinh tế trị giá khoảng 13.500 tỷ USD, tương đương khoảng 13% GDP toàn cầu.

Một báo cáo gần đây của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) ước tính, Trung Quốc tham gia CPTPP có thể mang về cho quốc gia này thêm 298 tỷ USD vào năm 2030. Và nếu xin gia nhập hiệp định này thành công, Trung Quốc cũng sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong khối và củng cố hơn nữa vị thế của Bắc Kinh với thương mại và đầu tư trong khu vực.

Trung Quốc xin tham gia CPTPP trong bối cảnh tình hình địa chính trị ngày càng phức tạp.

Quốc gia này là nền kinh tế thống trị khu vực châu Á và là đối tác thương mại chính của nhiều quốc gia.

Australia, Singapore, New Zealand và Nhật Bản là thành viên CPTPP và là đồng minh thân cận của Mỹ. Tuy nhiên, cùng với 4 quốc gia này, Trung Quốc cũng là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được đàm phán thành công vào tháng 11/2020.

Đề nghị gia nhập CPTPP của Trung Quốc được đưa ra chưa đầy một ngày sau khi Australia, Mỹ và Anh tuyên bố sẽ thiết lập một thỏa thuận ba bên (AUKUS) về tàu ngầm năng lượng hạt nhân nhằm gắn kết hợp tác quốc phòng hơn nữa trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trung Quốc không đồng tình với thỏa thuận đó, nhưng hiện tại, quốc gia này sẽ cần đàm phán với Australia và Anh về việc gia nhập CPTPP.

Trang Bloomberg đánh giá, bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng sẽ không đơn giản bởi Trung Quốc và Australia đang vướng vào một cuộc tranh chấp kinh tế và thương mại.

Bắc Kinh đã "thẳng tay" áp đặt thuế quan lên hàng xuất khẩu của Australia, mặc dù hai quốc gia đã có thỏa thuận thương mại tự do.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Australia Dan Tehan cho rằng, tất cả 11 quốc gia thành viên CPTPP sẽ cần phải nhất trí để bắt đầu các cuộc đàm phán, đồng thời, nhấn mạnh Trung Quốc sẽ phải nói chuyện trực tiếp với các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, Canada - một thành viên CPTPP khác cũng đang có tranh chấp với Trung Quốc. Hay Nhật Bản, quốc gia giữ vai trò chủ tịch CPTPP năm nay và có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, cho biết sẽ sớm tham vấn với các thành viên còn lại về đơn gia nhập của Trung Quốc nhưng không nói rõ khung thời gian cụ thể.

"Rất khó, nếu không muốn nói là không thể"

Bàn về triển vọng gia nhập CPTPP của Trung Quốc, chuyên gia Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á nhận thấy, “rất khó, nếu không muốn nói là không thể".

Vấn đề gia nhập hiệp định này được hay không tùy thuộc vào việc Trung Quốc có chấp nhận điều chỉnh các quy tắc đang áp dụng với doanh nghiệp nhà nước, lao động, thương mại điện tử, luồng dữ liệu tự do, cũng như các cam kết mở cửa thị trường toàn diện hay không.

Henry Gao, phó giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore thì nhận định, về lâu dài, Trung Quốc sẽ có thể tìm và giải quyết một số điểm khác biệt, đặc biệt là khi các nước thành viên nhận ra rằng Trung Quốc sẽ là thị trường lớn nhất đối với họ, nếu Mỹ không tham gia hiệp định".

Nhưng, điều đó sẽ không sớm xảy ra vì “quá trình gia nhập có thể sẽ kéo dài trong một vài năm”.

Trên trang The Diplomat, tác giả Shannon Tiezzi trích dẫn ý kiến của Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng, việc quốc gia này tham gia CPTPP nhằm khẳng định “vị trí dẫn đầu trong thương mại toàn cầu” của Bắc Kinh và khiến Mỹ “ngày càng bị cô lập”.

Tuy nhiên, thực tế phức tạp hơn nhiều. Trung Quốc khó có khả năng thực sự tham gia CPTPP. Hiệp định bao gồm các tiêu chuẩn cao, vượt xa việc xóa bỏ thuế quan; các quy định hướng dẫn tiếp cận thị trường; quyền lao động và mua sắm của chính phủ.

Về lý thuyết, Trung Quốc có thể chấp nhận các điều khoản nghiêm ngặt hơn của CPTPP như một điều kiện cần thiết để gia nhập. Một số nhà phân tích, đặc biệt là ở Trung Quốc cho rằng, đây sẽ là một cách để bắt đầu những cải cách trong nước đầy khó khăn của chính Trung Quốc; một động lực tương tự cũng diễn ra trong quá trình Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Nhưng một số yêu cầu trong CPTPP sẽ thách thức sự kiên quyết của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước. Đơn cử như các quy định tương đối nghiêm ngặt của CPTPP về trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, tự do lưu chuyển dữ liệu và mở các thỏa thuận mua sắm chính phủ cho cạnh tranh nước ngoài sẽ là thách thức lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bên cạnh đó, Nhật Bản đã có những dấu hiệu thể hiện sự miễn cưỡng. Bộ trưởng Kinh tế quốc gia Nishimura Yasutoshi nói rằng, “cần phải xác định xem liệu Trung Quốc đã sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn cực kỳ cao của CPTPP hay chưa".

Một số thành viên Quốc hội Mỹ cũng kêu gọi nền kinh tế lớn nhất thế giới tái gia nhập CPTPP.

Thượng nghị sĩ Mỹ Ben Sasse nhấn mạnh: “Tương lai của công nghệ, thương mại và quốc phòng sẽ được dẫn dắt bởi Trung Quốc, Mỹ hoặc các đồng minh. Nếu Trung Quốc nhìn thấy cơ hội trong việc xây dựng các liên minh trên khắp Thái Bình Dương, tại sao Mỹ lại không thể? Hãy trở lại vị trí lãnh đạo thay vì rút lui".

Tác giả Shannon Tiezzi nhấn mạnh, đã có một số ý kiến cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách "pha loãng" các tiêu chuẩn cao này thông qua quá trình trở thành thành viên của CPTPP. Hay nói cách khác là “rút ruột CPTPP từ bên trong".

Tác giả Shannon Tiezzi đánh giá: "Nhưng không rõ liệu các thành viên CPTPP khác có đồng ý với điều đó hay không. Có thể không có nhiều nhu cầu về việc 'pha loãng' CPTPP để phù hợp với Trung Quốc, đơn giản vì gần như tất cả các thành viên của khối đã có các thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.

Với những trở ngại trên, nhiều khả năng việc gia nhập CPTPP của nước này sẽ phải cần một quá trình rất lâu dài.

Điều quan trọng là Trung Quốc không phải là lựa chọn duy nhất để CPTPP mở rộng vị thế. Anh cũng đang đàm phán để gia nhập CPTPP; Indonesia, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia Hiệp định".

(theo Bloomberg, The Diplomat)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/duong-den-cptpp-cua-trung-quoc-con-xa-159106.html