Đường đến trường của các em học sinh nghèo đã bớt gian nan

Đường tới trường của em Đào Phi Đông Ngọt có lẽ sẽ lỡ nhịp nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của những người lính Trạm Kiểm soát Biên phòng (KSBP) Thiềng Liềng, Đồn BP Thạnh An, BĐBP TP Hồ Chí Minh. Em Ngọt là một trong số rất nhiều học sinh nghèo được người lính Biên phòng cưu mang giúp đỡ.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Lũng Làn chia quà cho các cháu nhỏ ở địa bàn.

Những người con được đồn Biên phòng đỡ đầu

Ngọt hiện là học sinh lớp 7, trường Trung học cơ sở Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Đường đến trường của cậu học trò ham học này khá gian nan theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ngày nắng cũng như ngày mưa, em phải thức dậy từ 4 giờ 30 phút sáng, sửa soạn mọi thứ để kịp bắt chuyến đò lúc 5 giờ 30 phút đi sang xã đảo Thạnh An học. Một giờ ngồi đò, em tranh thủ ôn lại bài cũ. Buổi trưa, em ở lại trường, có gì ăn đó, chờ đến chiều học tiếp. 4 giờ rưỡi chiều, em lại lên đò vượt sóng gió về ngôi nhỏ đơn sơ nơi có người bố đang ngóng chờ.

Ngọt mồ côi mẹ từ nhỏ. Bố em bị mất sức lao động, ốm đau luôn, chỉ có thể làm việc lặt vặt, vì thế cuộc sống của 2 cha con vô cùng khó khăn. Khi Ngọt học lên cấp hai, cuộc sống của 2 bố con càng chật vật. Ngoài tiền mua sách vở, đồ dùng học tập, bố em phải lo thêm khoản tiền ăn trưa, tiền đò để em đi học… Có lúc em tưởng như phải bỏ học giữa chừng vì nhà quá nghèo. Biết được hoàn cảnh khó khăn của Ngọt, từ năm 2014, cán bộ, chiến sĩ Trạm KSBP Thiềng Liềng đã nhận đỡ đầu, giúp em 500.000 đồng mỗi tháng cho đến khi em học hết lớp 12.

Ngược trở lên địa đầu Tổ quốc, chúng tôi đi trên con đường khấp khểnh vào xóm Cò Súng, xã Sơn Vỹ (Mèo Vạc, Hà Giang) gặp cậu học trò Già Mí Ly, học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sơn Vỹ. Năm nay 10 tuổi, nhưng cậu học trò này nhỏ thó như đứa trẻ 6 tuổi. Thường vào trưa thứ 6, sau khi học xong, Ly đi bộ gần 10km về nhà. Đôi chân nhỏ bé của em nhẫn nại bước trên con đường đầy đá hộc chừng 3 tiếng đồng hồ mới về tới nhà. Khi tôi hỏi chuyện, Ly bẽn lẽn nói rằng, em thích nhất là được đi học vì đi học rất vui. "Em ước mơ được trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người" - Ly nói.

Tính đến hết tháng 3-2016, toàn lực lượng BĐBP đã nhận đỡ đầu 2.633 học sinh nghèo vùng biên giới, hải đảo. Tiêu biểu là các đơn vị: BĐBP Kiên Giang nhận đỡ đầu 100 học sinh, vượt chỉ tiêu 28 em; BĐBP TP Hồ Chí Minh nhận đỡ đầu 61 em, vượt chỉ tiêu 19 em. Không chỉ đỡ đầu học sinh nghèo trong nước, xuất phát từ tình hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau, các đơn vị BĐBP còn nhận đỡ đầu 59 học sinh ở khu vực biên giới nước bạn Lào và 67 học sinh khu vực biên giới nước bạn Cam-pu-chia.

Hoàn cảnh của cậu học trò này khiến chúng tôi đặc biệt thương cảm. Từ lúc 2 tuổi, Ly đã không còn được hưởng hơi ấm cũng như bàn tay chăm sóc của cha mẹ. Chuyện của 8 năm về trước Ly không hề nhớ, nhưng người bác của em là Già Chứ Mua A thì vẫn nhớ như in. Ông kể: "Nhà nó nghèo quá. Năm nào cũng đói ăn 3 tháng. Mẹ nó ốm mà không có tiền mua thuốc. Đến khi đau quá, tôi đưa ra viện thì không còn chữa được nữa. Bác sĩ bảo mẹ nó bị bệnh lao. Khi mẹ nó chết, nó mới được hơn 1 tuổi". 9 tháng sau, 2 anh em Ly mồ côi cả bố. "Bố nó chết sau một đêm bị đau bụng. Tôi thương chúng nó nên đem về nhà nuôi" - ông Mua A nhớ lại. Bây giờ thì Ly đã biết quét nhà, nấu ăn và chăn thả đàn dê giúp bác.

Với tấm lòng sẻ chia, Đồn BP Lũng Làn, BĐBP Hà Giang, đã nhận đỡ đầu Ly để em có điều kiện thực hiện ước mơ đến trường. Ông Mua A vui vẻ cho biết: "Hàng tháng, các chú Biên phòng đều đến thăm gia đình chúng tôi. Các chú ấy tặng chăn, gạo, quần áo, mắm muối hoặc tiền. Với sự giúp đỡ của đồn BP, gia đình tôi sẽ cố gắng cho cháu đi học đàng hoàng".

Hàng nghìn học sinh được BĐBP nâng bước đến trường

Ngọt và Ly chỉ là 2 trong số hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn nơi biên giới, hải đảo được BĐBP nhận đỡ đầu, giúp đỡ trong Chương trình "Nâng bước em đến trường". Theo đó, mỗi em học sinh nghèo được các cá nhân, đơn vị BĐBP hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho tới khi học hết lớp 12. Toàn bộ kinh phí thực hiện chương trình do cán bộ, chiến sĩ tự nguyện đóng góp. Có những em học sinh dân tộc thiểu số do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, được các đồn BP đưa về đồn chăm sóc, nuôi dưỡng như thành viên chính thức của đơn vị.

Tìm hiểu về cội nguồn chương trình hết sức nhân văn này, Thiếu tá Đoàn Ngọc Báu, Trưởng ban Thanh niên BĐBP, cho chúng tôi biết: "Cụ thể hóa cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" của Quân ủy Trung ương, từ năm 2014, Cục Chính trị BĐBP đã phát động Chương trình "Nâng bước em đến trường" trong toàn lực lượng. Theo đó, việc triển khai thực hiện chương trình lấy tổ chức Đoàn thanh niên làm nòng cốt. Mỗi chi đoàn nhận đỡ đầu từ 2 học sinh trở lên cho tới hết lớp 12. Sau hơn 1 năm thực hiện, cán bộ, đoàn viên BĐBP đã nhận đỡ đầu 1.015 em học sinh ở khu vực biên giới có hoàn cảnh khó khăn; 18 em được nhận nuôi tại đồn BP. Chương trình đã khẳng định tính nhân văn, sự đoàn kết, gắn bó của cán bộ Biên phòng với đồng bào các dân tộc thiểu số trên biên giới, hải đảo, có sức lan tỏa sâu rộng, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội".

Tiếp tục phát huy hơn nữa hiệu quả của chương trình, ngày 18-1-2016, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phát động toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia Chương trình "Nâng bước em đến trường". Vậy là, từ một phong trào thanh niên, "Nâng bước em đến trường" được nâng lên thành một trong những chương trình trọng tâm của cả lực lượng BĐBP.

Ước mơ của cậu học trò nghèo Già Mí Ly (bên phải) là được làm bác sĩ để giúp đỡ đồng bào mình. Ảnh: Nguyễn Bích

Hưởng ứng chương trình này, 100% đơn vị BĐBP đã triển khai thực hiện. Bộ Tư lệnh BĐBP khuyến khích cán bộ, chiến sĩ tự nguyện nhận đỡ đầu các em học sinh tùy theo khả năng của mình. Hiện nay, Thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP, đang nhận đỡ đầu 10 học sinh. Bên cạnh đó, các đồng chí: Chính ủy BĐBP, Phó Chính ủy và Phó Tư lệnh BĐBP, mỗi người nhận đỡ đầu 5 em học sinh. Cùng hưởng ứng chương trình này, chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố mỗi người nhận đỡ đầu 2 học sinh.

Chúng tôi được biết, quá trình đỡ đầu, các đơn vị BĐBP phân công cán bộ phụ trách, thường xuyên liên lạc với gia đình, nhà trường để quản lý, kèm cặp, hướng dẫn các em học tập, rèn luyện đạo đức, lối sống. Không chỉ dừng lại ở đó, những người lính Biên phòng còn có trách nhiệm định hướng nghề nghiệp cho các em trên cơ sở năng lực, sở thích của từng em.

Vậy là con đường đến trường của học sinh nghèo vùng biên giới, hải đảo đã bớt gian nan hơn. Các em đã có thể vững tâm hơn dưới sự dìu dắt, chỉ đường của những người lính Biên phòng để vượt qua rừng thẳm, suối sâu, sóng nước cách trở để đi tới tương lai.

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/duong-den-truong-cua-cac-em-hoc-sinh-ngheo-da-bot-gian-nan/