Đường đến trường của trẻ di cư

Theo báo cáo mới nhất của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), số trẻ em tị nạn không được đến trường đã tăng 500.000 em trong vòng một năm, nâng tổng số trẻ tị nạn không được đến trường trên toàn thế giới lên 4 triệu em. Con số này gióng lên hồi chuông báo động về nạn thất học cũng như tương lai của trẻ em di cư…

Hãng Reuters dẫn báo cáo của UNHCR cho biết, hiện có 4 triệu trẻ em tị nạn trên toàn thế giới không được đi học. Theo đó, trong năm nay, số trẻ di cư không có cơ hội được đi học đã tăng thêm tới 500.000 em, so với năm 2017.

Cũng theo UNHCR, tính đến cuối năm 2017, ước tính có khoảng 25,4 triệu người tị nạn trên thế giới, trong đó hơn một nửa là trẻ em và có đến 7,4 triệu em đang trong độ tuổi đi học. Tuy nhiên, chỉ có 61% trẻ em di cư được học tiểu học. Khoảng 2/3 số trẻ tị nạn học bậc tiểu học sẽ không được đi học trung học. Tổng cộng, chỉ có 23% trẻ em tị nạn được đi học trung học, thấp hơn rất nhiều so với con số 84% trẻ em trên toàn thế giới. Báo cáo của UNHCR cho thấy, cứ 4 thiếu niên tị nạn thì chỉ có một em được đến trường. Ở bậc đại học, cánh cổng trường dường như càng đóng chặt với các em. Chỉ có 1% người tị nạn được trở thành sinh viên đại học.

Cô bé tị nạn người Syria Riham may mắn thoát khỏi số phận cô dâu trẻ em và tiếp tục cắp sách tới trường. Ảnh: care.org.au.

Ông Filippo Grandi, người đứng đầu UNHCR nhấn mạnh: "Giáo dục là một cách để giúp trẻ em hồi phục, đồng thời cũng là “chìa khóa” để tái thiết đất nước của các em. Nếu không được đi học, tương lai của những đứa trẻ này và cộng đồng của chúng sẽ bị hủy hoại và không thể cứu vãn được".

Không được đi học, những trẻ em di cư trở thành đối tượng bị lạm dụng và bị bóc lột sức lao động. Đau lòng hơn, các em gái đang ở độ tuổi vô tư hồn nhiên lại phải kết hôn sớm… Cô gái được trao giải thưởng Nobel Hòa bình Malala Yousafzai-nhà hoạt động giáo dục người Pakistan đã từng đưa ra thông điệp: “Chúng ta không nên yêu cầu một đứa trẻ bị buộc phải rời khỏi quê hương bỏ luôn cơ hội đến trường của mình".

Kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu vào năm 2011, hơn 655.000 người Syria đã chạy sang nước láng giềng Jordan. Tính đến năm 2017, 40% trẻ em Syria ở Jordan đã bỏ học và 66% trong số đó đang làm việc để hỗ trợ gia đình của họ. Hồi cuối tháng 8, Tổ chức cứu trợ CARE Australia đã kể về câu chuyện của một trẻ em tị nạn Syria ở Jordan-người suýt bị bỏ lỡ giấc mơ tới trường. Đó là cô bé tị nạn người Syria 13 tuổi có tên Riham, đang sinh sống cùng gia đình ở Jordan. Tình hình tài chính của gia đình Riham đã trở nên khó khăn đến mức cha mẹ em không còn đủ khả năng để cho em đi học. Họ cảm thấy nặng nề khi phải vật lộn mưu sinh để nuôi Riham. Do đó, cha mẹ Riham buộc phải cân nhắc việc cho cô bé kết hôn với một người chồng có đủ khả năng chu cấp cho cuộc sống của em. May mắn thay, Tổ chức cứu trợ CARE Australia đã biết đến khó khăn của Riham và đăng ký cho em ấy tham gia chương trình Cash for Education. Theo đó, chương trình này sẽ cấp cho gia đình Riham 100USD mỗi tháng để nuôi dưỡng em, tạo điều kiện cho em được tiếp tục đi học và không phải trở thành một cô dâu trẻ em.

UNHCR cũng lưu ý, trong bối cảnh những người buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình do chiến tranh và khủng bố đang gia tăng trên toàn thế giới thì số lượng trẻ em tị nạn được đi học lại không theo kịp tốc độ tăng nhanh chóng này. Ông Filippo Grandi cho biết: “Trường học là nơi đầu tiên trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, trẻ tị nạn có thể lấy lại cảm giác bình yên. Tuy nhiên, theo tình hình hiện tại, trong thời gian tới, rất có thể sẽ có thêm hàng trăm nghìn trẻ em di cư bị mù chữ. Trừ khi, chính phủ các nước tiếp nhận người tị nạn thực hiện đầu tư khẩn cấp để giải quyết vấn đề này”. Ông cũng từng nói: “Việc giáo dục cho những trẻ em tị nạn là rất quan trọng đối với sự phát triển hòa bình và bền vững của những nơi đã chào đón họ, cũng như sự thịnh vượng trong tương lai của các quốc gia quê hương họ".

Về phần mình, Katherine Begley, một cố vấn cao cấp về giáo dục tại Tổ chức nhân đạo Care USA nói rằng, vấn đề đi học của trẻ là bước quan trọng trong việc giúp các gia đình tị nạn khôi phục cuộc sống của họ. Katherine Begley cũng nhận định: “Giáo dục giúp trẻ nhanh chóng thoát khỏi tình cảnh đau thương mà chúng đang phải gánh chịu”.

UNHCR lên tiếng kêu gọi các quốc gia tiếp nhận người tị nạn tạo điều kiện hơn nữa để bảo đảm rằng tất cả người tị nạn đều nhận được một nền giáo dục với chất lượng mà họ xứng đáng được hưởng. Bên cạnh đó, UNHCR cũng đề nghị các nước tiếp nhận người tị nạn cho phép trẻ em tị nạn được đăng ký học trong hệ thống giáo dục quốc gia với một chương trình giảng dạy phù hợp ở bậc tiểu học và trung học, tạo điều kiện cho các em học lên đại học.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/duong-den-truong-cua-tre-di-cu-548659