Đường đến tỷ USD của CMC

Chuyển đổi số là chiến lược trọng tâm để đưa con tàu CMC tăng tốc vươn ra biển lớn với doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2025, trong đó tỷ trọng không nhỏ đến từ thị trường nước ngoài.

- Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghệ CMC Ban lãnh đạo mới của CMC với nhiều gương mặt trẻ.

9 giờ sáng một ngày cuối tháng 8/2020, tại đại bản doanh CMC Tower Duy Tân (Hà Nội), hơn 100 người hối hả bước vào căn phòng hơn 50 m2. Họ là những người chủ chốt thuộc Dự án Chuyển đổi số của Tập đoàn công nghệ CMC, tham dự buổi khởi động dự án quy mô toàn Tập đoàn do Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trung Chính điều hành. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ trao đổi đầy nhiệt huyết, vị thuyền thưởng của CMC bước ra khỏi phòng họp với tâm trạng của một người truyền cảm hứng thành công.

Trong căn phòng với ô cửa phủ kính trắng, ông ngồi vào bàn làm việc của mình, phóng tầm mắt ra bầu trời xanh ngắt và nói: “Chúng tôi vẫn miệt mài lao động, để vừa chống dịch an toàn, vừa tiếp tục chiến đấu với những dự án, mục tiêu đã đề ra. Không dễ dàng, nhưng chúng tôi vẫn đang sống từng ngày, từng giờ cho khát khao đó và sẽ luôn hành động để hiện thực hóa giấc mơ đó”.

Ván cờ hội tụ các “hảo hán”

Trong chiến lược phát triển tới năm 2025, CMC đặt tham vọng trở thành công ty toàn cầu với quy mô 10.000 nhân sự và doanh thu 1 tỷ USD; trở thành nhà cung cấp số 1 các giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông cốt lõi, là đối tác đáng tin cậy của các công ty trong và ngoài nước trong quá trình chuyển đối số.

Đây là mục tiêu không dễ dàng, bởi CMC sẽ phải tăng doanh số gấp 4 lần, nhân sự gấp hơn 3 lần chỉ trong vòng 3 - 5 năm. Thế nhưng, CMC rất tự tin và đang có sự chuyển mình đột phá. Cùng tham gia ván cờ kinh doanh này có những tên tuổi lớn trên thế giới. Đó là cổ đông chiến lược Samsung SDS (công ty thành viên của Tập đoàn Samsung) và một công ty tư vấn chiến lược chuyển đổi số số 1 thế giới hiện nay. “Đây là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực tư vấn chuyển đổi số của thế giới, và thực sự sẽ khó có thể thuyết phục họ đi cùng nếu anh không có đủ cơ sở để thực thi chiến lược thành công”, ông Chính nhận định.

Bên cạnh nhà tư vấn chuyên nghiệp tầm cỡ thế giới, cổ đông chiến lược Samsung SDS cũng được CMC đặt nhiều kỳ vọng. Năm 2019, thương vụ CMC phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu CMG cho Samsung SDS với giá 34.000 đồng/cổ phiếu đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Trước khi CMC công bố thương vụ này, Samsung SDS cũng đã mua vào gần 5 triệu cổ phiếu CMG thông qua sàn giao dịch chứng khoán.

Hiện Samsung SDS sở hữu gần 30 triệu cổ phiếu CMG, tương đương 30% vốn điều lệ của CMC.

Thương vụ thể hiện tham vọng rất lớn của đôi bên. Mục tiêu chung là khai thác các thị trường mới tiềm năng ở nước ngoài. Hợp tác với CMC sẽ trở thành bàn đạp để Samsung SDS thâm nhập khu vực. Trong khi đó, CMC sẽ mở rộng thị trường nước ngoài nhanh hơn, điển hình là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á, châu Âu, Bắc Mỹ… Đặc biệt, Samsung SDS được cho là động lực chính để CMC đạt mục tiêu tăng tới 4 lần doanh thu chỉ trong thời gian ngắn.

Mục tiêu đang được hai bên rốt ráo thực hiện. Samsung SDS đã và đang thúc đẩy các hoạt động hợp tác toàn diện với CMC trong việc phát triển các lĩnh vực như giải pháp nhà máy thông minh, điện toán đám mây, phân phối thiết bị thông minh… Hai bên cùng nhau đầu tư, thúc đẩy tìm kiếm các cơ hội kinh doanh trong các mảng giải pháp bán lẻ, bảo mật, hệ thống quản lý tòa nhà… để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, mở rộng phạm vi sang thị trường châu Á - Thái Bình Dương và phát triển kinh doanh toàn cầu.

Trước đó, Samsung SDS và CMC đã “bén duyên” hợp tác từ năm 2016. Đến tháng 6/2018, Samsung SDS ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược với CMC về việc triển khai giải pháp quản lý và điều hành nhà máy thông minh MES (Manufacturing Execution System) cho hơn 200 nhà cung cấp của Samsung tại Việt Nam.

Nói về lý do CMC chọn Samsung SDS là đối tác chiến lược, ông Chính nói rất ngắn gọn rằng, đây là một công ty số 100%. “Họ rất nhanh và quyết liệt. Tôi cảm nhận rõ điều đó. Họ luôn muốn là số 1 trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Khi trở thành cổ đông chiến lược của CMC, họ cũng yêu cầu chúng tôi phải trở thành số 1, ít nhất là ở Việt Nam về một lĩnh vực nào đó trong chuyển đổi số”, ông Chính nói. Cũng theo ông Chính, trong vòng 5 năm tới, doanh thu từ chuyển đổi số của CMC phải đóng góp ít nhất 50% và đây là mục tiêu mà CMC cam kết với Samsung SDS.

Thực tế, đối tác khác của CMC là Microsoft cũng đã yêu cầu CMC phải cam kết tỷ lệ này với dịch vụ của họ ngay trong năm 2019. Do vậy, CMC buộc phải tự mình chuyển đổi số thành công trước khi đẩy mạnh cung cấp dịch vụ ra bên ngoài.

Thế kiềng 3 chân

CMC đang rốt ráo thực hiện mục tiêu tham vọng đạt doanh thu 1 tỷ USD. Việc ra mắt Ban lãnh đạo mới trong độ tuổi từ thế hệ 6x, 7x, 8x mới đây dưới sự dẫn dắt của thuyền trưởng Nguyễn Trung Chính là ví dụ.

Bên cạnh sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy lãnh đạo, tầm nhìn của thế hệ đi trước, còn có sự sáng tạo, bản lĩnh, khát khao của tuổi trẻ. “Đó là những yếu tố sẽ giúp CMC thực sự đột phá với quá trình chuyển đổi số”, ông Chính tin tưởng.

Song song với việc bổ nhiệm, chuẩn hóa chức danh lãnh đạo mới gắn với từng mảng kinh doanh trụ cột, CMC đã tái cấu trúc mạnh mẽ, tổ chức các hoạt động sản xuất - kinh doanh theo những mũi nhọn lớn: giải pháp và công nghệ; viễn thông; kinh doanh quốc tế.

Trong vài năm tới, CMC sẽ dồn lực vào khối kinh doanh quốc tế để phù hợp với chiến lược trở thành tập đoàn toàn cầu, đi đầu trong cung cấp dịch vụ chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ số cho khu vực và thế giới.

Trong năm tài chính 2020, CMC dự kiến đạt doanh thu 6.009 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 359 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng lần lượt là 12% và 16% so với năm 2019. Trong đó, khối kinh doanh quốc tế có doanh thu tăng 71%, lợi nhuận dự kiến tăng gấp ba lần.

Kế hoạch đưa ra dựa trên dự đoán thị trường phần cứng trong năm 2020 tăng trưởng 6% so với năm 2019, trong khi thị trường dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tương ứng ở mức 11% và 13%.

Nắm bắt mọi cơ hội

Gần đây, CMC còn gây sốt cộng đồng công nghệ khi muốn đưa Việt Nam trở thành Digital Hub khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sánh ngang các trung tâm khác như Hồng Kông, Singapore và Nhật Bản. Ông Chính phân tích, Việt Nam được đánh giá hội đủ các điều kiện để trở thành Digital Hub tiếp theo của khu vực.

Vị trí địa lý cũng như chiều dài bờ biển lý tưởng cho phép nơi đây trở thành điểm tập trung lưu trữ dữ liệu và trung chuyển lưu lượng Internet của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, nội dung số toàn cầu… với quy mô cung cấp dịch vụ trên địa bàn kết nối nhiều quốc gia lân cận, vùng, khu vực.

“CMC sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ thuê ngoài công nghệ thông tin (ITO) và chuyển đổi số nằm trong Top 2 Việt Nam với quy mô nhân sự đạt 5.000 người vào năm 2025, tập trung phát triển các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á, châu Âu, Bắc Mỹ”.

Để hiện thực hóa tham vọng trên, CMC đang có nhiều động thái mạnh mẽ. Chẳng hạn, mới đây, Tập đoàn đã đề xuất đầu tư xây dựng Không gian sáng tạo CMC (CMC Creative Space) tại Đà Nẵng với tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn, đem lại việc làm cho khoảng 2.000 người trong giai đoạn I và 10.000 lao động ở giai đoạn II. Không gian sáng tạo CMC có khu nghiên cứu và phát triển; khu sản xuất phẩn mềm, công nghệ thông tin; trạm trung chuyển Internet; trung tâm dữ liệu; khu nhà ở cho chuyên gia, cán bộ - nhân viên và dịch vụ liên quan với đầy đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn cao cấp.

“Thành phố rất ủng hộ và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư đề xuất dự án, đi vào nghiên cứu chi tiết, với mục tiêu để dự án được triển khai tại Đà Nẵng trong thời gian sớm nhất”, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thông tin.

Ngoài ra, CMC đang xây dựng Data Center trung lập với kết nối cao, quy mô lớn tại Khu chế xuất Tân Thuận ở quận 7, TP.HCM (đạt tiêu chuẩn Tier 3 IDC IIIA) và Khu công nghệ cao TP.HCM (SHPT) tại quận 9. CMC cũng chủ trì xây dựng trạm trung chuyển Internet Tiểu vùng sông Mekong GMS-IX (Greater Mekong Subregion - Tnternet Exchange), đặt tại Data Center trung lập, đảm bảo hạ tầng và dung lượng kết nối đủ lớn cho các nhà mạng viễn thông, Internet, nội dung số trong nước kết nối, hướng tới chính sách mở từng bước cho các nhà mạng trong khu vực.

Tập đoàn cũng đã đầu tư xây dựng tuyến cáp trục xuyên Việt CVCS (Cross Vietnam Cable System), có tổng chiều dài hơn 2.500 km, chạy từ Lạng Sơn đến Tây Ninh, qua 19 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuyến CVCS có tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng và là tuyến cáp duy nhất của Việt Nam kết nối trực tiếp vào mạng lưới cáp đất liền Đông Nam Á - A Grid.

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi, vì sao thời điểm này, CMC lại làm nhiều việc cùng lúc như vậy? Bên cạnh đạt mục tiêu 1 tỷ USD, quan trọng hơn đối với người đồng sáng lập CMC là không muốn vuột mất cơ hội. Ông rất thấm thía và bị ám ảnh bởi câu nói của của CEO Nokia trong buổi họp công bố thương vụ bị Microsoft mua lại: “Chúng tôi không làm điều gì sai, nhưng bằng cách nào đó, chúng tôi đã thua cuộc”.

Thực tế là thế giới thay đổi quá nhanh, đối thủ của họ trở nên quá mạnh mẽ và học hỏi nhanh hơn họ, nên Nokia không chỉ bỏ lỡ sự thay đổi cần thiết, mà còn bỏ qua cả cơ hội để sống sót.

“CMC đã bước qua tuổi 27 và đang hội tụ những nguồn lực mạnh mẽ. Chúng tôi, tất cả, đều chia sẻ giấc mơ CMC sẽ trường tồn. Muốn vậy, chỉ có một con đường là liên tục đổi mới”, ông Nguyễn Trung Chính khẳng định.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/duong-den-ty-usd-cua-cmc-d129056.html