ĐƯỜNG ĐI BỘ LÁT SÀN GỖ LIM VEN SÔNG HƯƠNG: Chi phí giảm sau khi đấu thầu?

VH- Dự án 'Đường đi bộ lát sàn gỗ lim ven bờ nam sông Hương' (TP Huế) trong công bố được thực hiện với kinh phí gần 53 tỉ đồng do Tổ chức hợp tác quốc tế KOICA (Hàn Quốc) tài trợ. Ban Quản lý dự án KOICA khẳng định, việc quyết định thực hiện lát sàn gỗ lim đã được nghiên cứu rất kỹ và đã lấy ý kiến từ các cơ quan ban ngành, cũng như cộng đồng cư dân địa phương.

Thi công đường đi bộ bờ nam sông Hương, thuộc dự án thí điểm trong Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương (ảnh chụp ngày 4.3)

Gỗ lim nhập khẩu từ Nam Phi

Thông tin mới nhất của Ban Quản lý dự án KOICA cho biết, kinh phí thực hiện dự án thí điểm “Mạng lưới kết nối hệ thống đường đi bộ phía nam bờ sông Hương”, trong đó điểm nhấn là con đường đi bộ dài 400m ven bờ nam sông Hương chỉ gần 53 tỉ đồng, ít hơn 11 tỉ đồng so với thông tin đã được cung cấp cho báo chí. Trong đó, diện tích lát sàn gỗ lim là 2.438 m2, với độ dày gỗ 5cm và kinh phí cho lát sàn gỗ lim chỉ 5,14 tỉ đồng (bao gồm gỗ lim thành phẩm đã được xử lý và chi phí gia công, lắp dựng).

Trao đổi với Văn Hóa về sự chênh lệch chi phí này, ông Nguyễn Việt Bằng, Phó ban Quản lý dự án KOICA cho biết, con số 64 tỉ đồng chỉ là khái toán ban đầu của dự án thí điểm. Mức đầu tư có thể tăng hơn hoặc giảm hơn so với khái toán. Sau này gần 53 tỉ đồng là mức đầu tư được duyệt chính thức dựa vào đơn giá của thời điểm (cụ thể là thời điểm đấu thầu tháng 7.2017). Khi thực hiện quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, với 6 dự án thì đơn vị tư vấn đều đưa ra con số khái toán ban đầu của mỗi dự án.

Riêng thông tin khái toán ban đầu với 42,2 tỉ dành cho thi công sàn, ông Bằng nói rằng đây là khái toán diện tích m2 đã hoàn thiện, tức là bao gồm chi phí cho cả sàn bê-tông và lát sàn gỗ lim. Sau này phê duyệt chi tiết, thì lát sàn gỗ lim chỉ có dự toán 5,14 tỉ đồng. Ngoài lát sàn bằng gỗ lim, dự án còn một số hạng mục cũng sử dụng vật liệu gỗ lim như hệ thống tay vịn dọc lan can đường đi bộ. Ban Quản lý cho biết, đã dự toán tổng kinh phí cho hạng mục gỗ lim là hơn 6,91 tỉ đồng; nhưng sau khi đấu thầu kinh phí chỉ còn hơn 5,73 tỉ đồng (giảm hơn 1,1 tỉ đồng).

Trước những thông tin trái chiều của dư luận cho rằng việc sử dụng gỗ lim với khối lượng lớn sẽ ảnh hưởng đến chủ trương bảo vệ rừng của Chính phủ hiện nay, Ban Quản lý dự án KOICA khẳng định lượng gỗ lim được sử dụng cho dự án này được nhập khẩu chính ngạch và hợp pháp từ Nam Phi, nên không ảnh hưởng đến rừng và môi trường ở nước ta.

Hơn 90% phiếu khảo sát đồng ý?

Ban Quản lý dự án KOICA cũng khẳng định, trước khi thi công dự án đã có nhiều cuộc họp và tham vấn từ các cơ quan ban ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế, giới chuyên môn và cộng đồng cư dân địa phương. Cụ thể, trong tháng 7.2016 đơn vị đã trưng bày phương án thiết kế, lấy ý kiến tại Bảo tàng Văn hóa Huế. Trong đó, đối với nội dung lấy ý kiến về kết cấu, vật liệu (tại bản vẽ chi tiết của sàn đi bộ và mô hình thực được trưng bày xin ý kiến, có thể hiện việc sử dụng gỗ lim để lát sàn). Và đã có 29/32 phiếu đồng ý với phương án lát sàn gỗ lim, chiếm tỷ lệ hơn 90%.

Tuy nhiên, không ít các nhà nghiên cứu, giới trí thức ở Huế nói rằng họ không hề biết việc lấy ý kiến này. Và con số 29/32 phiếu đồng ý lát sàn gỗ lim là quá ít, không thể hiện được một cuộc khảo sát trong cộng đồng cư dân ở thành phố Huế.

Ông Nguyễn Việt Bằng, Phó ban Quản lý dự án thông tin quá trình thiết kế dự án, các chuyên gia, tư vấn Hàn Quốc và Việt Nam đã quan tâm đến việc nghiên cứu, đề xuất các loại vật liệu sử dụng cho việc lát sàn của cầu đi bộ thuộc dự án xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía nam sông Hương. Các loại vật liệu đã được tư vấn nghiên cứu kỹ và đã đưa ra 4 phương án lát sàn gồm: đá gra­nit; gỗ tổng hợp sản xuất tại Việt Nam (Awood WPC); gỗ tổng hợp sản xuất tại Hàn Quốc (Wood plastic comphsi­tes); và gỗ lim. Sau khi có ý kiến góp ý của cộng đồng cư dân, Ban Quản lý dự án đã yêu cầu đơn vị tư vấn xem xét kỹ hơn về việc sử dụng gỗ lim, đồng thời đề xuất một số phương án khác để có sự phân tích đánh giá cụ thể.

Trong những ngày này, đơn vị thi công đang ép cọc xuống sông Hương. Nhiều người lo ngại rằng, việc đổ sàn bê-tông để thực hiện con đường đi bộ của dự án thí điểm nói trên sẽ phá vỡ cảnh quan tự nhiên của sông Hương.

Bài, ảnh: SƠN THÙY

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/kinh-t%E1%BA%BF/giao-l%C6%B0u-c225c-n%E1%BB%AF-t%E1%BB%95ng-bi234n-t%E1%BA%ADp