Đường đi lắt léo của 'sức hút' ma quái từ làn khói ảo mang tên 'kẹo thuốc lá'

'Kẹo thuốc lá' bủa vây học sinh ngay tại cổng trường, người bán bao biện 'trẻ thích thì bán', phụ huynh thì lo ngại sự nguy hiểm trong mỗi cây kẹo nhỏ. Trước thực trạng 'kẹo thuốc lá' được bán tràn lan các chuyên gia lên tiếng cảnh báo, có thể có 'chất lạ' được tẩm trong 'điếu thuốc' gây nguy hại cho trẻ, cần sự vào cuộc rốt ráo từ cơ quan chức năng...Công an phát cảnh báo về 'kẹo thuốc lá' đầu độc học sinh

Bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng mua "kẹo thuốc lá" trên thị trường

Bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng mua "kẹo thuốc lá" trên thị trường

Lo lắng học sinh nghiện “kẹo thuốc lá"

Theo ghi nhận của PV, ngay trước cổng các trường tiểu học, PTCS, THPT trên địa bàn TP.Hà Nội, những gánh hàng rong, tiệm tạp hóa rao bán vô số loại quà lạ, không rõ nguồn gốc “đầu độc” cả thể chất và tâm hồn nhiều học sinh. Đặc biệt, thời gian gần đây, loại “kẹo thuốc lá” được rao bán khá phổ biến và là món quà yêu thích của các em học sinh.

Đứng ở cổng trường T.L. giờ tan học, chúng tôi bắt gặp một tốp học sinh vào quán tạp hóa cách trường không xa mua 2 gói “smoke Candy New- 888”. Thật bất ngờ, các em bóc “bao thuốc” ra và ngậm, phì phèo như đang hút thuốc lá thật.

Khi được hỏi, em N.T., học sinh lớp 12 cho biết: “Lớp em, các bạn “hút kẹo” là chuyện bình thường, thậm chí cả thuốc lá điện tử. Bạn nam, bạn nữ đều sử dụng hết. Cứ giờ tan học, cả nhóm lại góp tiền vào mua chung”.

Theo chân 2 học sinh của một trường THPT lên phố Lò Đúc, chúng tôi thấy loại kẹo ngậm giống hệt điếu thuốc lá được bày rất nhiều tại các tiệm hàng tạp hóa. “Kẹo thuốc lá” được bán với giá 3.000 đồng/hộp (5 “điếu”), vỏ bao giống hệt bao thuốc lá ba số 555, 888, Camel... xuất xứ từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi hỏi về tính độc hại của loại kẹo này, người bán hàng trả lời tỉnh bơ: "Nói là thuốc lá thôi nhưng thực chất nó là kẹo, ăn vừa ngọt vừa thơm. Tôi chưa nghe ai nói kẹo này có hại. Tụi trẻ con thích ăn loại kẹo này nên tôi lấy để bán. Mà có ai cấm đâu? Chị mua bao nhiêu cũng có".

Theo ghi nhận của PV ĐS&PL, không chỉ các trường THPT mà ngay cả cổng trường tiểu học cũng rao bán công khai loại kẹo “quái dị” này. Giá loại kẹo “thuốc lá” được rao bán từ 1.500- 3.000 đồng/gói. Mới đây, Công an quân Hoàng Mai (Hà Nội) cũng đã có những cảnh báo về loại “kẹo thuốc lá” không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang bủa vây học sinh trước cổng các trường học.

Trong vai người mua hàng, tôi đèo cậu con trai tấp xe vào một gánh hàng rong cạnh trường tiểu học Giáp Bát. Khi được hỏi về các loại kẹo dành cho trẻ nhỏ, người bán giới thiệu hàng loạt mẫu kẹo có gắn nhãn sơ sài in chữ Trung Quốc. Ngoài ra, không có thông tin nào khác về xuất xứ hay thành phần kẹo (kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ-PV). Lẫn trong số đó, tôi nhìn thấy một gói 888 (hình giống bao thuốc lá-PV) và hỏi: “Bà bán cả thuốc lá ạ?”, bà cụ liền đáp: “Kẹo đấy”!

Bà cụ nói: “Đợt trước, bà cũng bán nhiều, bây giờ bà không dám lấy hàng, nghe nói họ đưa lên tivi là có chất cấm gì đó. Công an bắt được bên Tân Mai và cũng đi nhắc nhở, bà sợ lấy hàng về bán lại bị phạt. Ở trên chỗ bà nhập hàng, họ vẫn có nhiều lắm”.

Chúng tôi mua một hộp “kẹo thuốc lá” với giá 3.000 đồng với hy vọng sẽ tìm ra những thông tin đáng tin cậy về loại kẹo này. Khác với một số loại “kẹo thuốc lá” chỉ toàn tiếng Trung Quốc thì “bao thuốc” này được in bằng tiếng Anh, có hạn sử dụng 8/8/2020- 7/8/2022. Thành phần của “bao thuốc” gồm các chất tạo ngọt và tạo màu. Đó có lẽ là một thông tin khẳng định cho chất lượng để người tiêu dùng yên tâm?

Bóc ra kiểm chứng, điều bất ngờ những “điếu thuốc” bên trong cũng được bôi phẩm màu một đầu giống hệt điếu thuốc lá thật mà nhìn thoáng qua không ai có thể phát hiện. Bản thân PV đã nếm thử “điếu thuốc”, thì thấy ngọt... như kẹo thông thường nhưng vị ngọt nhan nhát ấy có chút đắng của đường hóa học. Nói đúng hơn, vị của nó giống kẹo hoa quả và sau đó vị đắng cứ khe khé trong cổ cả tiếng đồng hồ. Điều này khiến PV nghĩ đến việc trẻ em hiện nay rất thích ăn loại “kẹo thuốc lá” này, liệu có nguy hiểm đến sức khỏe hay không?

Một cảnh báo của phụ huynh trước vấn nạn học sinh mua “kẹo thuốc lá” trước cổng trường.

“Ngồi trên đống lửa” trước “ma trận” quà vặt

Theo tìm hiểu của PV ĐS&PL, khoảng đầu tháng Mười, một số phụ huynh phản án có tình trạng "kẹo thuốc lá" bày bán ở một số điểm trường tại địa bàn quận Hoàng Mai. Các chủ hàng rong sau đó đã được công an nhắc nhở và không nhập bán loại kẹo này. Tuy nhiên, không loại trừ một số cơ sở vì lợi nhuận vẫn lén lút kinh doanh.

Một điều lo ngại hơn nữa, khi chị Minh Tâm, người có con nghiện “kẹo thuốc lá” này kể chuyện với phóng viên: "Hôm ấy, con nhà chị ăn loại kẹo này, sau khi ăn một lúc cháu kêu tê đầu lưỡi, hơi nôn nao khó chịu. Quan sát kỹ loại kẹo thuốc lá này, ngoài bao bì chỉ có những dòng chữ Trung Quốc mà không hề thấy bất cứ một thông tin nào bằng tiếng Việt nên chị rất lo lắng”.

Khi chúng tôi hỏi về loại “kẹo thuốc lá”- thứ mà con cái họ mua, ăn thường xuyên, đa phần phụ huynh đều lo ngại. Một phụ huynh khác chia sẻ: “Mường tượng hình ảnh, những điếu thuốc lá dạng kẹo phì phèo trên môi các em học sinh nhỏ sẽ trở thành những điếu thuốc lá thật vào một ngày không xa, tôi sởn cả gai ốc. Đã đến lúc những bậc phụ huynh không thể xem nhẹ sự nguy hiểm mang tên cây kẹo nhỏ, không thể để con tự ý mua quà vặt mỗi sáng, mỗi chiều”.

Đem thắc mắc về loại “kẹo thuốc lá” có nguy hại đến sức khỏe trẻ em đến PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Về những sản phẩm có tiếng Trung Quốc không có phụ đề tiếng Việt, trẻ em không nên dùng, xét về cảm tính thì đáng lo ngại.

Còn với bao thuốc có phụ đề tiếng Anh mà PV đưa cho tôi xem, những thành phần trên bao bì là phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên, trong những hộp “kẹo thuốc lá” có chất gây nghiện hay không, có gây hại đến sức khỏe hay không thì cần phải lấy mẫu để làm thí nghiệm. Bởi trên thực tế, cơ quan chức năng từng phát hiện nhiều loại thực phẩm có chất gây nghiện như kẹo mút, nước xoài... Khi sản xuất “có mục đích” hướng vào đối tượng trẻ em, gian thương có thể sử dụng chất gây nghiện trộn vào khiến trẻ bị lệ thuộc vào sản phẩm”.

Nhưng dù có hóa chất độc hay không, “kẹo thuốc lá” không rõ nguồn gốc vẫn được PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo, không nên dùng cho thanh, thiếu niên. Theo ông, việc sử dụng “kẹo thuốc lá” có hình dáng bao bì giống như thuốc lá thật, vị ngọt thơm lâu dần sẽ hình thành thói quen. Những chất này sẽ có ảnh hưởng xấu tới thanh, thiếu niên và cả những người hút thuốc lá.

Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, một chuyên gia tâm lý lo ngại, nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến giới trẻ, nguy cơ sử dụng các chất kích thích khác. Việc sử dụng “kẹo thuốc lá” lâu dần sẽ hình thành thói quen thói quen hút thuốc lá trong học sinh, học đường. Đặc biệt, các loại kẹo này đều không có nguồn gốc, vì vậy, có thể để lại những tác hại khác về sức khỏe. Theo đó, phụ huynh cần nhắc nhở con tuyệt đối không mua, ăn “kẹo thuốc lá” và không ăn quà vặt quanh cổng trường để tránh nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

“Cơ quan chức năng cần xem xét cụ thể loại “kẹo thuốc lá” này được sản xuất từ đâu, chất lượng của nó như thế nào, và nó theo nguồn nào vào thị trường Việt Nam, để từ đó đưa ra khuyến cáo cụ thể với người dân. Đừng để thành chuyện đã rồi, như vụ hạt nở, “kẹo phát sáng” trước đây”, PGS.TS.Thịnh nhấn mạnh.

Tăng cường kiểm tra, xử phạt

Để ngăn chặn hiện tượng học sinh mua “kẹo thuốc lá”, các chuyên gia cho rằng cần có sự kiểm soát chặt chẽ các loại quán hàng rong xung quanh trường học và xử lý nghiêm khi có vi phạm.

Liên quan tình trạng kẹo thuốc lá "tấn công" học sinh, trao đổi với báo chí, LS.Quách Thành Lực (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, ngày 28/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Điểm b khoản 2 Điều 26 Nghị định này cũng xác định, phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Nghị định này có hiệu lực từ 15/11/2020.

Luật sư Lực cho rằng, việc xuất hiện tình trạng bán “kẹo thuốc lá” cho học sinh tại khu vực cổng trường là hành vi đáng lên án. Đây là một hình thức quảng cáo cho thuốc lá tiếp cận đến các học sinh, về lâu dài hình thành thói quen, sở thích hút thuốc lá trong học sinh."Để môi trường học đường hoàn toàn không có khói thuốc, gia đình cần phối hợp với nhà trường quan tâm, quản lý chặt chẽ hoạt động học cũng như các mối quan hệ của con em mình, làm gương không hút thuốc trước mặt các con...

Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc hiệu quả hơn nữa của các sở, ban ngành và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong tăng cường quản lý cửa hàng buôn bán thuốc lá tại các địa điểm quanh trường học, cần xử lý nghiêm các hành vi bán thuốc lá cho học sinh", ông Lực đề nghị.

Theo luật sư, chính quyền địa phương nên kiểm soát chặt các cơ sở kinh doanh dịch vụ, cấm các loại hàng rong bán thực phẩm không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm không tốt cho học sinh như rượu bia, kẹo thuốc lá, xung quanh các trường học.

Đại tá Nguyễn Đình Chiến, Trưởng Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết,cơ quan này đã phát đi cảnh báo tới tất cả các trường học trên địa bàn về tình trạng "kẹo thuốc lá" không rõ nguồn gốc có thể đầu độc học sinh. Công an quận Hoàng Mai đề nghị Hiệu trưởng các trường trên địa bàn phối hợp thông báo, tuyên truyền đến các phụ huynh biết về tác hại của kẹo thuốc lá để cùng phối hợp quản lý, không để con em mua, sử dụng kẹo thuốc lá.

Hương Lan

Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 3 (172)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/duong-di-lat-leo-cua-suc-hut-ma-quai-tu-lan-khoi-ao-mang-ten-keo-thuoc-la-a344332.html